Rủi ro nhìn từ Món Huế: Dự báo được hay không?

Với các quỹ ngoại giàu kinh nghiệm, việc liệt kê một loạt mô hình quản trị rủi ro không phải là gì to tát. Thế nhưng định lượng, rồi định tính các loại rủi ro để ra quyết định đầu tư lại là vấn đề chủ quan do con người quyết định.

Những mô hình kinh doanh ẩm thực theo chuỗi đang nở rộ và mang lại thành công nhất định thu hút khá nhiều nhà đầu tư cũng như một số quỹ đầu tư rót vốn. Mô hình này được nhân rộng với không ít kỳ vọng sẽ trở thành những Mc Donald, Jollibee… của Việt Nam và trong tương lai sẽ là những mã chứng khoán đình đám trên thị trường niêm yết. Tuy nhiên, việc thành công nhanh cũng như cách quản trị mang tính “ăn xổi ở thì” của không ít doanh nghiệp đã đẩy nhà đầu tư vào tình thế “tiền mất tật mang”. Giấc mơ với những mã cổ phiếu hút hàng trên sàn chứng khoán tan biến khi những nhà quản trị chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sẽ rất đơn giản nếu chỉ ra những rủi ro của Món Huế hay Phở Ông Hùng tại thời điểm hiện nay như đồ ăn kém chất lượng, dịch vụ không đồng bộ, nợ tiền nhà cung cấp… dẫn đến việc phải đóng cửa hàng loạt nhà hàng. Nhưng “nói sau xổ số” bao giờ cũng đơn giản hơn là dự báo từ trước. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu kết cục của Món Huế hiện giờ là điều có thể dự báo, thấy trước, hay đó là điều tất yếu mà nhà đầu tư buộc phải chấp nhận?

Một mô hình kinh doanh từ khi được khai sinh, tăng trưởng, phát triển cho đến khi hoạt động ổn định luôn phải trải qua những bước thử thách, thăng trầm và luôn tồn tại những vấn đề. Một quán ăn thôi nhưng mùi vị của thức ăn không phải lúc nào cũng ổn định chứ chưa nói đến một chuỗi. Và trong thực tế, mỗi cửa hàng/nhà hàng trong một hệ thống chuỗi cũng có những khác biệt nhất định mà nếu tinh ý đều có thể nhận ra. Trường hợp tích cực là sự khác biệt không lớn và đều ở tiêu chuẩn chung, nhưng sẽ là tiêu cực nếu có sự chênh lệch lớn.

Trở lại với trường hợp của Món Huế, với hàng trăm nhà hàng thì liệu có nhà đầu tư nào đủ kiên nhẫn để đi thực tế cả chuỗi hay chỉ tham khảo một vài nơi. Và cũng đã từng có đồn đoán rằng, thời điểm các nhà đầu tư ghé thăm các nhà hàng Món Huế nào thì bỗng dưng ngày đó khách đông hơn bình thường!

Về mặt định lượng, kết quả kinh doanh cũng có thể là tiêu chí xem xét nhưng cũng có hai loại rủi ro ở đây bao gồm khả năng “xào nấu” (cooking) sổ sách hoặc việc “lỗ kỹ thuật” hay “lỗ trong phạm vi cho phép”.

Việc thua lỗ khi đầu tư kinh doanh theo chuỗi là rất… bình thường vì nhiều lý do, chẳng hạn: Vì mới chỉ mở một số lượng nhỏ các cửa hàng/nhà hàng nên chi phí tính trên mỗi đơn vị có thể cao, dẫn đến thua lỗ, nhưng nếu gia tăng số lượng, chi phí sẽ giảm, doanh số tăng lên thì cán cân lãi/lỗ sẽ được cải thiện. Nhưng các nhà đầu tư có đủ sắc sảo để nhận ra sự phù hợp hay bất thường từ sổ sách kế toán hay không lại là chuyện khác.

Các nhà đầu tư nếu không tham gia trực tiếp điều hành sẽ rất khó kiểm chứng chi tiết về sổ sách cho dù có chuyên môn về ngành tài chính khi chỉ nhìn vào những con số tổng quan, vốn có thể được “cooking”. Về cách thức đánh giá, nếu nhà đầu tư đòi hỏi quá gắt gao có thể dẫn đến sự bất hợp tác từ phía doanh nghiệp, còn bị cho là “khó chịu”, chèn ép, còn nếu thả lỏng thì tất nhiên sẽ lãnh đủ những rủi ro.

Với riêng trường hợp của Món Huế, dường như số lượng chuỗi mở rộng khắp đã trở thành một thứ tài sản đắt giá nhất và lấn át đi những rủi ro tiềm ẩn kèm theo. Hiểu một cách đơn giản, việc “xí phần” mặt bằng ở nhiều vị trí đắc địa, mở được nhà hàng cũng đã được xem là một loại lợi thế, sở hữu hàng trăm nhà hàng nhìn ở ngoài hoành tráng như vậy tất nhiên là tạo ra những giá trị đặc biệt.

Đó có thể là lý do dẫn đến việc những vấn đề liên quan đến chất lượng, sổ sách tài chính bị đặt xuống hàng thứ yếu, chẳng hạn: nếu sở hữu mặt bằng đẹp, khả năng thu hút được khách hàng cao hơn, hôm nay món ăn chưa ngon, mất khách thì hôm sau cố gắng cải thiện món ăn để thu hút, giữ chân khách hàng mới. Hiện tại, có thể thua lỗ, nhưng với hệ thống rộng khắp, chỉ cần tăng cường quảng cáo, hút khách, doanh số sẽ dễ dàng tăng trở lại, lỗ chuyển sang lãi.

Đó cũng là lý do mà một số hệ thống chuỗi hiện nay, dù chỉ mới ở ngưỡng ngấp nghé hòa vốn, nhưng cũng được đánh giá rất cao, vì lãi kỳ vọng ở tương lai là khá sáng sủa.

Với các quỹ ngoại giàu kinh nghiệm, việc liệt kê một loạt mô hình quản trị rủi ro không phải là gì to tát. Thế nhưng định lượng, rồi định tính các loại rủi ro để ra quyết định đầu tư lại là vấn đề chủ quan do con người quyết định.

Phan Long

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/rui-ro-nhin-tu-mon-hue-du-bao-duoc-hay-khong-94065.html