Rủi ro tài chính tiềm ẩn của Trung Quốc bùng phát với cuộc khủng hoảng ngân hàng ngầm
Chỉ mới một tuần trước, Zhongzhi Enterprise Group Co. thu hút rất ít sự chú ý ở Trung Quốc và hầu như không được biết đến ở mọi nơi khác. Nhưng giờ đây, một tập đoàn khổng lồ về ngân hàng ngầm đã trở thành biểu tượng mới nhất của sự mong manh về tài chính trong nền kinh tế của Trung Quốc.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Zhongzhi, các cơ quan quản lý đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tìm cách ngăn chặn rủi ro lây lan. Zhongzhi đã thuê KPMG để thực hiện những gì có thể là một quá trình tái cơ cấu kéo dài, và việc bán tài sản tiềm năng có nguy cơ ảnh hưởng đến các thị trường rộng lớn hơn.
Thị trường tài chính, chứng khoán của Trung Quốc đã sụt giảm khi thông tin về những khó khăn của Zhongzhi lan rộng và đẩy đồng nhân dân tệ xuống gần mức thấp nhất trong 16 năm. Việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương trong tuần này đã làm rất ít để củng cố niềm tin khi lo ngại về những thất bại trong lĩnh vực tín thác quy mô 2.900 tỷ USD tiếp tục gia tăng.
Tình trạng hỗn loạn là một thách thức khác đối với các nhà chức trách Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế suy yếu, tình trạng bán tháo trong lĩnh vực bất động sản và căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ. Đây đồng thời cũng là một lời nhắc nhở về khả năng xảy ra những bất ngờ không mong muốn trong một hệ thống tài chính từ lâu đã bị đeo bám bởi những lo ngại về nợ không bền vững.
Kathy Lien, Giám đốc điều hành của BK Asset Management cho biết: “Đây là một vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi ngày càng có nhiều khoản tiền không được thanh toán…đây là một cuộc khủng hoảng niềm tin”.
Trong khi đó, việc bỏ lỡ các khoản thanh toán đối với các sản phẩm đầu tư lợi suất cao được cung cấp bởi Zhongzhi và Zhongrong International Trust - một quỹ tín thác có liên kết chặt chẽ với Zhongzhi đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho thị trường tài chính.
Zhongrong là một quỹ đầu tư tín thác lớn thứ 10 của Trung Quốc, tập hợp tiền gửi từ các nhà đầu tư cá nhân và các công ty giàu có để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác, đồng thời cho các công ty không thể tiếp cận các ngân hàng truyền thống vay. Theo Bloomberg Economics, mặc dù hoạt động như một ngân hàng ngầm, nhưng các quỹ tín thác chiếm gần 10% tổng số khoản vay ở Trung Quốc.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust, Zhongrong có 270 sản phẩm đầu tư lợi suất cao với tổng giá trị 39,5 tỷ nhân dân tệ (5,4 tỷ USD) sẽ đáo hạn trong năm nay.
Để thu hút tiền mặt, các quỹ tín thác như Zhongrong đưa ra mức lãi suất cao lên tới 6% hoặc 8% trong kỳ hạn một năm, gấp đôi mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại phải trả cho các sản phẩm tương tự. Với việc chứng khoán ở Trung Quốc sụt giảm và bất động sản sụt giảm trong hai năm qua, những quỹ tín thác đã thu hút hàng nghìn tỷ nhân dân tệ từ các nhà đầu tư dường như không thể đáp ứng được các khoản thanh toán hàng quý.
Trước khi những rắc rối của Zhongzhi xuất hiện, nguồn tin từ Bloomberg cho biết, Zhongzhi đã thuê KPMG để xem xét bảng cân đối kế toán của mình trong bối cảnh khủng hoảng thanh khoản ngày càng tồi tệ vào cuối tháng 7. Zhongzhi đang có kế hoạch cơ cấu lại nợ và bán tài sản sau khi xem xét để trả nợ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện không rõ Zhongzhi đã vỡ nợ bao nhiêu sản phẩm và liệu công ty có đủ tài sản để bù đắp khoản thiếu hụt nếu thanh lý tài sản hay không.
Trong những năm gần đây, ngay cả khi các quỹ tín thác khác đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, Zhongzhi và các công ty liên kết, đặc biệt là Zhongrong đã mở rộng tài trợ cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn và mua tài sản từ các công ty bao gồm cả Tập đoàn bất động sản Evergrande.