Rủi ro thẻ tín dụng nhìn từ bài học vụ nợ gần 9 triệu thành nợ xấu gần 9 tỷ đồng tại Eximbank
Ưu điểm của Thẻ tín dụng là cho phép mua sắm trước trả tiền sau. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ về bản chất của thẻ tín dụng, chú ý về các khoản chi tiêu và kỳ hạn trả nợ người dùng thẻ sẽ dễ dàng rơi vào cảnh nợ chồng nợ đi kèm đó là một mức lãi phạt rất cao.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN định nghĩa về thẻ tín dụng như sau: Thẻ tín dụng (hay còn gọi là credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
Theo Luật Sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), một khi đã mở thẻ tín dụng, để tránh phải trả tiền phạt phát sinh, người dân cần nhớ kỳ hạn trả để trả đầy đủ, tránh quên trả vì mức phí chậm trả sẽ rất cao. Đồng thời, nếu chậm trả nợ trong thời gian dài có thể đối mặt với việc bị ngân hàng khởi kiện ra tòa.
Cũng theo Luật sư Vi Văn Diện, trong vụ việc xảy ra tại ngân hàng Eximbank vừa qua, sau nhiều năm, khoản nợ ban đầu rất “nhỏ bé” của khách hàng đã bị nhân lên ở một mức cao khó có thể “tưởng tượng” được. Đây là một sự việc mang tính cảnh tỉnh để khi bất kỳ một người dân nào đặt bút ký mở thẻ tín dụng cần phải đọc hiểu rõ bản chất để tránh những rủi ro đáng tiếc.
“Về mức nợ xấu lên tới gần 9 tỷ đồng sau 11 năm, cơ quan chức năng, cơ quan nghiệp vụ của của ngành ngân hàng cần vào cuộc để xác minh xem mức tính lãi của Eximbank đã đúng theo quy định của pháp luật hiện hành chưa. Việc phân định đúng sai vừa để bảo vệ uy tín của ngân hàng vừa để người dân nhận thức rõ được những rủi ro để thận trọng hơn trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, tránh thiệt hại về kinh tế cho bản thân”, Luật sư Diện bày tỏ quan điểm.
Trước đó, như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, vừa qua, xuất hiện thông tin về trường hợp của anh P.H.A (trú tại tỉnh Quảng Ninh), một khách hàng của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được gửi đơn thông báo thu hồi khoản nợ xấu do chi tiêu gần 8,5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng từ hơn 10 năm trước. Đến hiện tại, nợ lãi phát sinh lên tới gần 9 tỷ đồng.
Theo thông tin từ khách hàng P.H.A , hơn 10 năm trước, anh có đến chi nhánh ngân hàng Eximbank ở Quảng Ninh và được một nam nhân viên làm thẻ tín dụng.
Thời điểm này, nam nhân viên ngân hàng yêu cầu anh H.A ký trước vào hợp đồng mở thẻ và nhận thẻ. Sau đó, anh H.A được nhân viên đưa cho một chiếc thẻ thường với lý do thẻ tín dụng đang gặp trục trặc. Vì nghĩ không làm được thẻ tín dụng nên khách hàng H.A không để ý tới nữa.
Đến khoảng năm 2016, anh P.H.A có nhu cầu đi vay vốn ngân hàng thì được thông báo bản thân có nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.
Anh P.H.A đã tới Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh để hỏi thì được ngân hàng này thông báo phải chịu trách nhiệm với chiếc thẻ tín dụng đã mở trước đó.