Rủi ro tiềm ẩn trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn Nhật Bản

Theo Nikkei, rủi ro tiềm ẩn đối với việc thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản là vấn đề thiếu diện tích đất công nghiệp để các công ty xây dựng nhà máy.

Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ hiện nay không thể thiếu chất bán dẫn. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ hiện nay không thể thiếu chất bán dẫn. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo thống kê, diện tích đất công nghiệp sẵn sàng để bán là 9.803 ha vào năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 2005. Điều này có thể trở thành nguyên nhân gây lo ngại về chiến lược tập trung vào chất bán dẫn và pin lưu trữ trong nước mà Chính phủ Nhật Bản đang hướng tới. Để giải quyết vấn đề đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương đào tạo nhân lực để tận dụng quỹ đất hiện có và phát triển các khu công nghiệp mới.

Theo Trung tâm Định vị Nhật Bản, cơ quan hỗ trợ các công ty trong việc lựa chọn địa điểm, năm 2005 có 16.105 ha đất được rao bán trên toàn quốc. Tuy nhiên, diện tích đất rao bán suy giảm liên tục và đến năm 2023 giảm xuống còn 60% so với mức của năm 2005. Trong khi việc phát triển quỹ đất chậm lại thì nhu cầu ngày càng tăng, khi người dân quay trở lại Nhật Bản do chi phí đầu tư ở nước ngoài tăng cao.

Theo một cuộc khảo sát do METI thực hiện vào năm 2023 trên tổng số 66 chính quyền địa phương, bao gồm các quận và thành phố được chỉ định, 62% chính quyền địa phương nhận được ngày càng nhiều câu hỏi từ các công ty có kế hoạch đảm bảo quỹ đất. Và chỉ có 9% công ty có thể đảm bảo được mặt bằng xây dựng.

Trong một cuộc khảo sát khác do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện năm 2023 đối với các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài, 103 công ty (8,8%) trong tổng số 1.176 công ty, bao gồm cả các công ty sản xuất và thương mại, cho biết họ đang tiến hành hoặc đang xem xét chuyển hoạt động kinh doanh ở nước ngoài về Nhật Bản. Trong số này, 55,3% công ty đưa ra lý do là “chi phí kinh doanh bị đội lên ở quốc gia hiện tại do lạm phát và chi phí lao động tăng”.

Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu tạo ra một cụm nhà máy sản xuất pin

bán dẫn và pin lưu trữ trong nước, nơi nhu cầu về xe điện (EV), điện thoại thông minh và các sản phẩm khác ngày càng tăng. Thách thức là đảm bảo đất công nghiệp. Một đại diện của chính quyền địa phương ở vùng Kyushu chỉ ra vấn đề: “Chỉ có một số ít địa điểm phù hợp, phổ biến và gần đường cao tốc”.

Một số ý kiến cho rằng Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong phát triển đất đai trên thực địa. Từ những năm 1990, nhiều nhà máy được chuyển ra nước ngoài nên rất ít nhân viên ở chính quyền địa phương có kinh nghiệm đàm phán, tiến hành xử lý thủ tục với chủ đất.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/rui-ro-tiem-an-trong-thu-hut-dau-tu-vao-nganh-ban-dan-nhat-ban/342483.html