Rủi ro trong kế hoạch rời đi

Quân đội Mỹ đã bắt đầu chuyển thiết bị không thiết yếu khỏi Áp-ga-ni-xtan. Ðây là hoạt động đầu tiên thực hiện quyết định rút quân mà Tổng thống G.Bai-đơn công bố hồi tuần trước. Mục tiêu đưa các binh sĩ Mỹ về nước được hoan nghênh, song kế hoạch rời đi của Oa-sinh-tơn vẫn được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Quân đội Mỹ đã bắt đầu chuyển thiết bị không thiết yếu khỏi Áp-ga-ni-xtan. Ðây là hoạt động đầu tiên thực hiện quyết định rút quân mà Tổng thống G.Bai-đơn công bố hồi tuần trước. Mục tiêu đưa các binh sĩ Mỹ về nước được hoan nghênh, song kế hoạch rời đi của Oa-sinh-tơn vẫn được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lực lượng Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan vừa xác nhận, những vật tư và thiết bị không thiết yếu bắt đầu được đưa dần khỏi quốc gia Nam Á, nhằm tránh bị phá hủy hoặc rơi vào tay phiến quân; những thiết bị lỗi thời được tiêu hủy tại chỗ. Hoạt động di chuyển trang thiết bị quân sự được lực lượng Mỹ khởi động chỉ một tuần sau khi Tổng thống G.Bai-đơn công bố kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, với hạn chót hoàn tất vào ngày 11-9-2021, tròn 20 năm ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng nhằm tòa tháp đôi ở Niu Oóc, sự kiện châm ngòi cuộc chiến của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan. Ðể bảo đảm an ninh trong tiến trình lực lượng Mỹ rời đi, Lầu năm góc cho phép một tàu sân bay ở lại khu vực, làm nhiệm vụ bảo vệ thường trực.

Sau thời gian cân nhắc, Tổng thống G.Bai-đơn quyết định thực hiện lời hứa tranh cử là đưa toàn bộ binh sĩ Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan trở về, khép lại cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài. Lý lẽ của ông G.Bai-đơn được đánh giá là thực tế và thuyết phục. Chỉ ra sự "vô ích" trong các nỗ lực lâu nay của Mỹ nhằm giúp chính phủ Áp-ga-ni-xtan củng cố quyền lực và tái thiết đất nước, ông G.Bai-đơn khẳng định rằng, các vấn đề nội bộ Áp-ga-ni-xtan không thể được giải quyết bằng lực lượng quân đội nước ngoài. Người Áp-ga-ni-xtan phải được trao quyền tự quyết hoàn toàn, tự tìm giải pháp chấm dứt xung đột của chính họ. 20 năm trước, Mỹ đưa quân tới Áp-ga-ni-xtan với mục tiêu trả đũa vụ khủng bố và loại bỏ nguy cơ Áp-ga-ni-xtan tiếp tục bị lợi dụng làm căn cứ cho các cuộc tiến công nước Mỹ. Sứ mệnh của Mỹ tại đây hiện không còn mục đích rõ ràng. Thực tế, các mối đe dọa khủng bố từ Áp-ga-ni-xtan, lý do để Mỹ duy trì lực lượng ở quốc gia Nam Á, không còn lớn đến mức cần thiết duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ. Lãnh đạo Nhà trắng thừa nhận, cuộc chiến kéo dài và tốn kém của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đã và sẽ không thể giúp tạo ra và duy trì một chính quyền bền vững và mạnh mẽ trong khi tình trạng bất ổn và bạo lực vẫn thường trực ở Áp-ga-ni-xtan.

Với quan điểm thực tế nêu trên, Tổng thống G.Bai-đơn đưa ra quyết định khác biệt so quan điểm lâu nay của Mỹ, đó là rút lực lượng khỏi Áp-ga-ni-xtan hoàn toàn và vô điều kiện. Thời điểm hoàn tất rút quân muộn hơn so hạn chót ngày 1-5-2021 mà chính quyền Mỹ trước đó đã nhất trí với lực lượng Ta-li-ban, song quyết định của Tổng thống G.Bai-đơn được dư luận hoan nghênh và các đồng minh trong NATO hưởng ứng, cho thấy chính quyền mới ở Mỹ duy trì bản thỏa thuận hòa bình. NATO cũng nhất trí kết thúc sứ mệnh tại Áp-ga-ni-xtan, khởi động kế hoạch rút quân ngay từ tháng 5 tới. Tổng Thư ký NATO tuyên bố, quyết định rời đi không phải là sự kết thúc, mà là sự khởi đầu cho một chương mới, để người Áp-ga-ni-xtan xây dựng nền hòa bình bền vững cho chính họ.

Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng, rút khỏi Áp-ga-ni-xtan không phải quyết định dễ dàng với Mỹ, trên thực tế, kế hoạch này lại chứa đựng nhiều rủi ro. Trước hết, Mỹ rời đi có thể tạo rủi ro cho Áp-ga-ni-xtan, khi năng lực bảo đảm về an ninh của các lực lượng sở tại chưa thật sự mạnh. Việc Tổng thống G.Bai-đơn lùi hạn chót rút quân còn có thể bị Ta-li-ban coi là vi phạm thỏa thuận và sử dụng như "con bài mặc cả" trong các cuộc đàm phán với chính quyền Ca-bun. Song, thách thức lớn nhất với Mỹ là tránh lặp lại "kịch bản I-rắc". Việc lực lượng Mỹ rời đi năm 2011 vẫn bị cho là một phần nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). "Khoảng trống quyền lực" tại I-rắc khi ấy bị IS lợi dụng để chiếm đóng các vùng lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Một loạt chiến dịch chống IS hao người, tốn của, của Mỹ đã đem lại chiến thắng vào năm 2019, song cũng để lại bài học đắt giá liên quan kế hoạch rời đi của Oa-sinh-tơn. Với trường hợp Áp-ga-ni-xtan hiện nay, không gì bảo đảm hoàn toàn rằng các nhóm khủng bố, gồm cả IS và An Kê-đa, không tận dụng "lỗ hổng an ninh" để trỗi dậy.

Rút hoàn toàn lực lượng khỏi Áp-ga-ni-xtan không đồng nghĩa Mỹ chấm dứt mọi dính líu, nhất là nỗ lực chống khủng bố. Tổng thống G.Bai-đơn cam kết duy trì chiến dịch chống khủng bố nhằm bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ. Bài toán khó là tìm cách giảm rủi ro trong kế hoạch rời đi song song với nỗ lực hỗ trợ tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á.

NINH SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/rui-ro-trong-ke-hoach-roi-di-643280/