Rủi ro từ lượng tuyết nhân tạo khổng lồ phục vụ Olympic Mùa Đông Bắc Kinh
Nhiều tuần trước khi những vận động viên trượt tuyết giỏi nhất thế giới đổ bộ xuống Trương Gia Khẩu, địa điểm chính của Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, hàng chục cỗ máy đã điên cuồng tạo tuyết rơi để che phủ những ngọn núi mà các vận động viên sẽ đua xuống.
Các con dốc nhanh chóng được phủ một màu trắng, nhưng những "khẩu súng" làm tuyết không dừng lại ở đó. Thứ âm thanh chói tai tiếp tục vang lên trong nhiều giờ khi những cỗ máy phủ tuyết lên phần còn lại của khung cảnh xám xịt, hoàn tất một phông nền tuyết trắng hoàn hảo cho những cảnh quay được phát đi khắp thế giới. Những giọt nước được phun vào không khí bay lơ lửng như làn khói trắng bao phủ khắp địa điểm trước khi nền nhiệt độ thấp và hóa chất giúp biến chúng thành băng.
Tuyết nhân tạo đã trở thành thứ không thể thiếu của các kỳ Thế vận hội Mùa Đông khi biến đổi khí hậu làm giảm số lượng các quốc gia có đủ lượng tuyết rơi tự nhiên để tổ chức sự kiện này. Nhưng Bắc Kinh sẽ là thành phố chủ nhà đầu tiên dựa hoàn toàn vào bột nhân tạo để làm tuyết. Thế vận hội vào tháng 2 sắp tới cũng sẽ là đỉnh cao của nỗ lực kéo dài 6 năm nhằm biến Trương Gia Khẩu thành “dãy Alps phiên bản Trung Quốc”, tạo ra một điểm đến nghỉ đông cao cấp với hy vọng đưa vùng nông nghiệp này thoát khỏi đói nghèo.
Tuy vậy, các chuyên gia lo ngại rằng dự án biến đổi Trương Gia Khẩu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước trong khu vực, vốn đã bị xếp vào nhóm tệ nhất cả nước. Theo China Water Risk, một nhóm bảo vệ môi trường có trụ sở tại Hong Kong, hơn một nửa diện tích Trương Gia Khẩu bị “căng thẳng về nước” và tài nguyên nước bình quân đầu người của địa phương chưa bằng 1/5 mức trung bình quốc gia của Trung Quốc.
Carmen de Jong, một nhà địa lý tại Đại học Strasbourg (Pháp) cho biết: “Chắc chắn sẽ có một số tác động ở một khu vực gần như không có nước vào mùa Đông. Trong nửa năm, vào mùa thể thao trên tuyết, nước sẽ bị hút cạn khỏi hệ sinh thái tự nhiên”. Ngoài ra, còn có nguy cơ tuyết giả có thể gây hại cho môi trường khi tan chảy.
Theo bà Carmen de Jong, Trung Quốc có thể cần tới 2 triệu mét khối nước - đủ lấp đầy 800 bể bơi cỡ Olympic - để tạo ra đủ tuyết giả bao phủ các đường trượt tuyết và lối vào tại Thế vận hội sắp tới.
Tuyết nhân tạo có một số ưu điểm là tuyết được nén chắc hơn, tạo ra các độ dốc phù hợp, theo mong muốn hơn. Nhưng lượng tuyết nhân tạo đã tăng lên mức chưa từng thấy trong những năm gần đây. Khoảng 80% tuyết tại Thế vận hội 2014 ở Sochi, Nga, được sản xuất nhân tạo. Khi Hàn Quốc đăng cai Olympic Mùa Đông ở Pyeongchang 4 năm sau, tỷ lệ đó đã tăng lên 90%.
Khu vực Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu khô cằn không phải là nơi lý tưởng để sản xuất tuyết. Trong bốn thập kỷ qua, lượng mưa trung bình vào mùa đông ở đây chỉ là 7,9 mm. Thị trấn trượt tuyết Davos ở Thụy Sĩ có lượng mua gấp 9 lần con số đó chỉ trong tháng 12. Tổ chức Hòa bình Xanh ước tính rằng nhiệt độ của Bắc Kinh có thể tăng trung bình lên tới 2,4 độ C khi hành tinh ấm lên. Khí hậu ấm hơn đã rút ngắn mùa Đông của khu vực hơn 10 ngày so với những năm 1970.
Ở Trương Gia Khẩu, thời tiết khô hạn đồng nghĩa với việc một lượng nước đáng kể có xu hướng bị mất đi do bốc hơi và gió mạnh trong quá trình tạo tuyết. Các kỹ sư cũng phải bơm nước vào lớp đất khô để đóng băng mặt đất trước khi tuyết nhân tạo rải lên trên.
Nhưng điều đó đã không ngăn Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào ngành du lịch của Trương Gia Khẩu kể từ khi Bắc Kinh giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông vào năm 2015. Ngày nay, nơi này có tới 7 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nhộn nhịp, đón 3 triệu người trượt tuyết mỗi năm. Một tuyến tàu cao tốc khai trương vào năm 2019, chỉ mất 50 phút từ Bắc Kinh, càng tạo điều kiện cho các chuyến đi nghỉ cuối tuần. Theo Cơ quan Quản lý Thể thao Nhà nước, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu có 300 triệu người tham gia các môn thể thao trên băng và tuyết. Họ cũng đã xây dựng 650 trung tâm trượt băng và 800 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên toàn quốc.
Chính phủ cho biết Thế vận hội là một bước ngoặt về phát triển kinh tế, khi đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm liên quan đến các môn thể thao mùa Đông đã giúp hơn 430.000 cư dân địa phương thoát nghèo.
Tuy nhiên, các quan chức vẫn hiểu rõ sự căng thẳng mà Thế vận hội Mùa Đông gây ra đối với nguồn cung cấp nước của Trương Gia Khẩu. Zhao Weidong, người phát ngôn Olympic Mùa Đông Bắc Kinh cho biết gần 10% lượng nước tiêu thụ ở Chongli, một huyện của Trương Gia Khẩu, sẽ được dùng để tạo tuyết.
Để giảm bớt áp lực đó và giảm khai thác nước ngầm, Trung Quốc đã xây dựng 11 bể chứa nước gần các địa điểm để gom 530.000 mét khối nước từ dòng chảy bề mặt, nước mưa và tuyết tan. Nước từ một hồ chứa ở Vân Châu, một thị trấn cách đó hai giờ lái xe, cũng sẽ được dẫn vào.
Nước không phải là mối quan tâm duy nhất về môi trường. Tạo tuyết ở quy mô lớn như vậy là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, có thể phun ra hàng tấn khí làm ấm hành tinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nỗ lực hạ thấp rủi ro này khi tất cả các vòi phun tuyết được sử dụng cho Thế vận hội đều được cung cấp năng lượng từ các trang trại gió gần đó.