Rủi ro từ việc một ca sĩ quá nổi tiếng trong nhóm nhạc
Các nhóm nhạc Kpop hiện nay dần chuyển hướng và đi theo mô hình 'đa center', thay vì tập trung đẩy mạnh danh tiếng cho một thành viên để tránh rủi ro.
Trong các nhóm nhạc Kpop, vị trí center được coi là quan trọng nhất. Không chỉ là thành viên đại diện cho nhóm, center còn là người được công ty chủ quản tập trung đẩy mạnh danh tiếng nhất, với hy vọng sự nổi tiếng của center giúp công chúng để ý tới nhóm nhạc.
Thông thường trong mỗi nhóm nhạc Kpop chỉ tồn tại một center. Tuy nhiên, khi nền công nghiệp Kpop thay đổi, trong tương lai khả năng các nhóm nhạc sẽ không còn sở hữu một center.
Tầm quan trọng của vị trí center
Thực tế, việc chọn ra thành viên trung tâm nằm trong chiến lược phát triển của ngành công nghiệp Kpop. Các công ty giải trí thực hiện kế hoạch này với mục đích tận dụng hiệu ứng nhỏ giọt, hy vọng sự nổi tiếng của thành viên trung tâm khiến khán giả chú ý tới cả nhóm.
Trong quá khứ, điều này được cho là cần thiết để một nhóm nhạc sinh tồn, đặc biệt khi công ty không thể khiến tất cả thành viên trong nhóm cùng nổi tiếng.
Nền công nghiệp Kpop phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với sự gia tăng trong số lượng nhóm nhạc. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của xu hướng “nhóm nhạc đông thành viên” cũng là yếu tố đáng lưu ý.
Tại thời điểm Kpop mới hình thành và phát triển thường chỉ có 3-5 thành viên trong một nhóm nhạc. Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của hai nhóm nhạc đông thành viên đầu tiên trong Kpop là Super Junior và SNSD, lượng thành viên trung bình trong một nhóm đã tăng đáng kể.
Với lượng nghệ sĩ đông đảo, rất khó để toàn bộ thành viên trong một nhóm đều được công chúng để ý. Các công ty buộc phải chọn ra thành viên nổi bật nhất để thu hút sự chú ý cho nhóm. Khi công ty dồn hầu hết cơ hội phát triển cho một thành viên, danh tiếng của nghệ sĩ ấy có thể tăng vọt và giúp quảng bá tên tuổi của nhóm.
“Những ông lớn trong ngành giải trí như SM có thể gửi nhiều thành viên khác nhau tới các phương tiện truyền thông như phim truyền hình, chương trình radio, tuy nhiên công ty giải trí nhỏ và tầm trung không có cơ hội này”, nhà phê bình văn hóa nhạc pop Kim Jeong Hyeon chia sẻ với tờ Korea JoongAng Daily. Ông nói thêm: “Họ đành phải dành hết cơ hội cho một thành viên trung tâm”.
Có thể thấy chiến lược kể trên đã thực sự đem lại hiệu quả cho các nhóm nhạc như 4MINUTE, AOA, Miss A...
Có ngoại hình và vóc dáng nổi bật, Seol Hyun (AOA) là một trong những nghệ sĩ được công ty chăm chút nhất. Cô tích cực hoạt động trong mọi lĩnh vực, từ phim ảnh, quảng cáo tới chương trình giải trí. Trên các mặt báo, Seol Hyun thường xuyên được so sánh với tiền bối nổi tiếng như IU, Suzy, YoonA… Trước scandal cô lập Mina của nhóm AOA, cô là một trong số nữ nghệ sĩ có nhiều hợp đồng quảng cáo nhất Hàn Quốc. Nhờ danh tiếng của Seol Hyun, cái tên AOA được lan rộng hơn tới công chúng.
Trong trường hợp của Miss A, ngay sau khi ra mắt, Suzy đã khiến công chúng chú ý nhờ ngoại hình nổi trội. Một năm sau khi ra mắt, vai diễn Yang Seo Yeon trong bộ phim Architecture 101 giúp cô trở thành ngôi sao lớn. Nhờ tạo hình trong sáng, ngọt ngào trong bộ phim, Suzy được khán giả Hàn Quốc ưu ái đặt biệt danh “Tình đầu quốc dân”.
Sau Architecture 101, sự nghiệp cá nhân của Suzy lên như diều gặp gió. Cô tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng như Cửu gia thư, Uncontrollably Fond, While You Were Sleeping, Start-up… Suzy còn là một trong những gương mặt được các nhãn hiệu Hàn Quốc săn đón nhất. Thành công của cô giúp đem lại nhiều sự chú ý cho Miss A. Ca khúc cuối cùng của nhóm Only You đã đạt Perfect All-Kill, danh hiệu được trao cho một bài hát khi ca khúc ấy đứng đầu toàn bộ bảng xếp hạng âm nhạc tại Hàn Quốc cùng lúc.
Sự ra đời của những nhóm nhạc ''không có trung tâm''
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Kpop đang dần xuất hiện xu hướng không đổ dồn sự tập trung vào một thành viên trong nhóm. Dù vẫn tồn tại vị trí center, nhưng sự cách biệt giữa center và các thành viên còn lại không còn lớn như trước.
Lý do đầu tiên dẫn tới thay đổi này là sự mạo hiểm của chiến lược hiệu ứng nhỏ giọt. Việc phân chia cơ hội không đồng đều trong một nhóm nhạc có thể dẫn tới xung đột giữa các thành viên và fan của họ. Điều này làm mất đi tinh thần đoàn kết của nhóm, khiến nhóm nhạc khó có thể hoạt động lâu dài, tờ Korea JoongAng Daily nhận xét.
“Tình huống khó xử nhất là khi center không phải hát chính, và thành viên đảm nhận vai trò hát chính lại không nổi tiếng bằng center”, một người trong ngành chia sẻ với tờ Korea Joong Ang Daily.
Nguồn tin chia sẻ thêm: “Thành viên hát chính thể hiện phần lớn ca khúc và phải đảm nhiệm nhiều công việc nhất trong quá trình thu âm, họ có thể cảm thấy cực kỳ thất vọng nếu thành viên center mới là người nhận toàn bộ sự chú ý”. Người này cũng cho biết một số nhóm nhạc nữ đã tan rã hoặc có thành viên rời nhóm do xảy ra xung đột xoay quanh vấn đề này.
Thêm vào đó, sự thay đổi trong suy nghĩ của công chúng hiện nay cũng là lý do quan trọng. Theo mặc định, thành viên trung tâm nhóm nhạc là thành viên thu hút nhất nhóm. Tuy nhiên, khi tiêu chuẩn về cái đẹp đang ngày càng trở nên đa dạng, việc chỉ chọn ra một thành viên có ngoại hình nổi bật nhất có thể không đem lại hiệu quả cao.
Thay vào đó, các công ty giải trí bắt đầu có xu hướng lựa chọn những thành viên mang lại hình ảnh khác nhau cho một nhóm nhạc.
Kim Jin Woo - trưởng nhóm nghiên cứu tại Gaon Chart - nhận định: “Tôi nghĩ chúng ta có thể gọi đây là mô hình ‘đa center’ hoặc ‘không center’. Vì mỗi thành viên mang một hình ảnh khác nhau, nhóm sẽ dễ dàng thay đổi hình tượng trong mắt công chúng và linh hoạt trong phong cách”.
Thực tế, trong Kpop đã xuất hiện một số nhóm nhạc công khai theo đuổi mô hình này.
Theo tờ Sports Chosun, trong buổi showcase ra mắt The Boyz vào tháng 12/2017, thành viên Lee Ju Yeon đã trả lời về mô hình hoạt động của nhóm: “Mục tiêu của chúng tôi là khiến các thành viên đều trở thành center”.
Thay vì tập trung vào một người, công ty chủ quản của The Boyz ưu tiên phát triển cả 11 thành viên. Có thể thấy rõ, vị trí trung tâm trong các ca khúc của The Boyz được chia đều theo cách hợp lý nhất có thể. Bên cạnh hoạt động ca hát, nhóm cũng thử sức với những hoạt động cá nhân phù hợp với từng người.
Không chỉ The Boyz, nhóm nhạc nữ Rocket Punch ra mắt vào năm 2019 cũng mang suy nghĩ tương tự. Ngoài chức trưởng nhóm, Woollim không giao vị trí cố định nào khác cho Rocket Punch. Khi tham gia một số chương trình như PowerFM Youngstreet, The Star và Dancing Idol, các thành viên trong nhóm đã giải thích rằng đó là vì tất cả thành viên đều là hát chính, nhảy chính, visual và center.