Rủi ro từ việc Mỹ cho 'về hưu' loạt chiến hạm

Giới phân tích cho rằng việc Hải quân Mỹ dừng vận hành các tàu chiến, tàu ngầm từ thời Chiến tranh Lạnh làm suy giảm khả năng răn đe của nước này.

Hải quân Mỹ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn dễ bị tổn thương nhất, khi các tàu ngầm, tuần dương hạm từ thời Chiến tranh Lạnh dừng hoạt động, theo Nikkei Asia. Động thái này xảy đến trước khi các loại vũ khí mới hơn có thể đi vào hoạt động.

Sự sụt giảm đáng chú ý là số lượng ống phóng thẳng đứng Mk41 cho các loại tên lửa. Hải quân Mỹ sẽ mất khoảng 600 trong số hơn 6.000 ống phóng thẳng đứng, có thể khiến khả năng răn đe của Mỹ ở eo biển Đài Loan bị suy yếu.

Đây được cho là lý do mà Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nói trước quốc hội hồi tháng trước rằng Trung Quốc có thể hành động ở eo biển Đài Loan trong 6 năm tới.

“Chúng ta đang đi đến cuối vòng đời phục vụ của những con tàu được đóng trong Chiến tranh Lạnh”, Tom Shugart, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ nói.

Hải quân Mỹ sẽ dừng hoạt động 10-14 tàu mỗi năm, chủ yếu là tuần dương hạm lớp Ticonderoga và tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles, trong giai đoạn 2022-2024.

 Một tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio được chuyển đổi cho nhiệm vụ mang tên lửa hành trình, mỗi tàu có thể mang theo 154 tên lửa. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Một tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio được chuyển đổi cho nhiệm vụ mang tên lửa hành trình, mỗi tàu có thể mang theo 154 tên lửa. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Ông Shugart cho biết tổn thất lớn nhất là khi các tàu ngầm lớp Ohio, được chuyển đổi cho nhiệm vụ mang tên lửa hành trình, bắt đầu dừng hoạt động từ năm 2026.

“Mỗi tàu ngầm lớp Ohio chuyển đổi mang theo tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk. Vì vậy, năng lực tấn công mạnh mẽ này sẽ biến mất trong khoảng thời gian cho đến khi nó được thay thế”, chuyên gia Shugart nói.

Ông Shugart từng trình bày trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào cuối tháng 3 rằng việc thay thế các tàu hết hạn sử dụng bị chậm vì nhiều lý do. Thứ nhất, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã cắt giảm chi tiêu quân sự và giảm đáng kể việc đóng mới tàu chiến.

Thứ hai là sự thay đổi chiến lược tập trung vào Trung Đông và Trung Á làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Mỹ chuyển hướng tập trung vào Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương, nhưng các phương tiện vũ khí mới phải đến cuối thập kỷ này mới đi vào hoạt động.

Giải pháp thay thế trước mắt cho việc thiếu hụt 600 ống phóng Mk41 là bổ sung khả năng phóng tên lửa hành trình cho tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, Block V. Những tàu ngầm lớp Virginia mở rộng này đã được đặt hàng, nhưng chưa được bàn giao.

“Theo ước tính của tôi, 5-8 năm nữa có thể là thời kỳ nguy hiểm nhất đối với khả năng răn đe trong khu vực”, ông Shugart nói với Nikkei.

Đối với vấn đề eo biển Đài Loan, các tàu chiến của Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh được rút đi, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân. Ông Shugart cho rằng lỗ hổng lớn nhất của Trung Quốc là thiếu khả năng đổ bộ đủ mạnh.

Khả năng răn đe sụt giảm của Mỹ có thể giúp Trung Quốc sửa chữa lỗ hổng trong năng lực đổ bộ của họ. Điều này có thể làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong thời gian tới.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rui-ro-tu-viec-my-cho-ve-huu-loat-chien-ham-post1209140.html