Rủi ro vườn bán 'mão'
Tại các vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vùng trồng cây ăn trái đang tồn tại hình thức mua - bán mão, hiểu nôm na là bán cả vườn cho người khác tự chăm sóc, tự thu hoạch.
Hình thức mua bán này không được khuyến khích vì nhiều rủi ro với cả người bán lẫn người mua. Tuy nhiên, do liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến chưa ổn, thiếu thông tin dự báo thị trường nên các bên đành chấp nhận.
* Bán “lúa non”
Bà Cao Thị Tuyết, xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) có gần 1ha chôm chôm Thái, nhãn. Các năm trước, hai vợ chồng bà tự chăm sóc, thu hoạch rồi đưa chôm chôm ra vựa cân. Số còn lại bà mang ra chợ bán từng kg. 3 năm nay, bà Tuyết không theo quy trình cũ nữa mà chọn bán mão cho thương lái. Lúc vườn chôm chôm ra hoa khoảng 1-2 tháng bà gọi thương lái đến xem vườn. Hai bên thống nhất giá bán xong thì thương lái tự chăm sóc, tự thu hoạch, bà Tuyết chỉ phụ trông vườn. “Tôi chuyển sang bán mão vì không có nhân công thu hoạch, giá cả bấp bênh quá. Trúng mùa, trúng giá còn đỡ, giá thấp thì lỗ công chăm lắm” - bà Tuyết nói.
Ông Lê Khương Minh, xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho rằng, mua - bán mão đã tồn tại từ lâu. Đối với các loại nông sản có giá cao như: sầu riêng, măng cụt ít hơn, các loại quả loại phổ thông hơn như: chuối, bơ, bưởi, chôm chôm nông dân bán mão nhiều. 2 năm gần đây nông dân bán mão nhiều hơn vì giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao, nhiều hộ không có khả năng hoặc không muốn đầu tư. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu nhân công chăm sóc, thu hoạch. Rồi thông tin cửa khẩu (chủ yếu ở Lạng Sơn) đóng - mở khiến nông dân phải chọn giải pháp an toàn là bán “lúa non”.
Hình thức mua bán này cũng phổ biến ở nhiều vùng trồng cây ăn trái như:: thanh long (H.Xuân Lộc), xoài (H.Định Quán), chuối (H.Trảng Bom); cây công nghiệp như: tiêu, điều, cà phê (H.Cẩm Mỹ); cây bắp (H.Xuân Lộc).
Anh Lê Quân, chủ vựa trái cây tại xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cho rằng, 2 năm nay xuất khẩu trái cây không thuận lợi, nhiều loại giá thấp nên nông dân có nhu cầu bán “lúa non” nhiều hơn. Thông thường, nông dân có nhu cầu sẽ gọi thương lái đến vườn thẩm định, chốt giá. Sau đó thương lái đặt cọc tiền và đảm nhận chăm sóc đến khi thu hoạch, thu xong thì trả vườn lại cho chủ, đồng thời trả hết số tiền thỏa thuận. Cũng có trường hợp, thương lái chỉ đặt cọc một ít tiền và nhận mua hàng chứ không chăm sóc vườn. Hoặc có khi, thương lái cho nông dân ứng trước vốn, phân bón, thuốc trừ sâu đến mùa bán nông sản cho họ.
Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ cho biết, bán mão hay còn gọi bán “lúa non” đã có từ nhiều năm nay. Chủ yếu ở các vườn, vùng sản xuất chưa xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, khu vực phát triển cây trồng - vật nuôi không theo quy hoạch của địa phương.
Cũng theo ông Phụng, hiện trên địa bàn H.Cẩm Mỹ có khá nhiều mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản rất hiệu quả nhưng cũng chưa bền, còn đứt gãy chuỗi. Thống kê của ngành Nông nghiệp có gần 10 mô hình liên kết đã hình thành nhưng không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có những mô hình liên kết khá lớn như: cây bơ diện tích 213ha, sản lượng hơn 4,2 ngàn tấn tại xã Bảo Bình; cây điều khoảng 350ha, sản lượng 700 tấn trên địa bàn toàn huyện; liên kết nuôi heo với các công ty C.P., Japfa quy mô gần 120 ngàn con heo, sản lượng gần 11 ngàn tấn cũng không có hợp đồng tiêu thụ…
* Nhiều rủi ro
Bán “lúa non”, mua mão là hình thức mua bán không mới, rủi ro nhiều thế nhưng nhiều thương lái, nông dân vẫn theo. Về phía nông dân thì cho rằng đầu ra, giá cả bấp bênh; chi phí phân bón, nhân công cao; thông tin dự báo thị trường chậm buộc họ phải chọn giải pháp an toàn. Còn về phía lái buôn thì cho rằng, các vùng sản xuất tập trung đã có doanh nghiệp, HTX bao tiêu đầu ra, thương lái địa phương rất khó “chen chân” vào nên phải hợp đồng với các vườn nhỏ. Lái buôn chấp nhận đặt cọc, mua mão vì nông dân mình rất hay thay đổi, thị trường sốt hàng, có thương lái khác đến trả cao hơn 1-2 giá là bán cho người khác ngay.
Ông Lê Khương Minh, xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho rằng, bán mão nhà vườn ăn chắc nhưng phải chia sẻ lợi ích với thương lái. Ngoài ra, hình thức này cũng có nhiều bất lợi. Đó là người mua bón phân, thuốc hóa học quá đà để kích trái khiến cây bị suy kiệt, giảm năng suất vụ sau, giảm tuổi thọ cây; đất đai bị chai cứng. Rồi khi thị trường có biến động lớn về giá bán, các bên dễ xảy ra mâu thuẫn. Chẳng hạn khi giá cao nhà vườn lén đưa sản phẩm ra bên ngoài, khi giá xuống thấp lại hối lái thu hoạch, chuyện này ít nhưng không phải không có.
Bà Mười Hai, xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) cho rằng, mua mão như “đánh bạc” bởi lẽ thương lái có kinh nghiệm nhìn vườn nhưng lại không dự báo được giá bán. Có điều mức độ rủi ro vẫn ít hơn nhà vườn bởi vì lái có sẵn nhân công chăm sóc, thu hoạch, có sẵn mối bán hàng là tiểu thương tại các chợ. Lái cũng chỉ dám chốt cọc ở những vườn nhỏ, sản lượng ít, còn lại vẫn “ngóng” giá thị trường.
Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Các cơ quan quản lý có thể hạn chế các rủi ro này bằng cách có thông tin dự án, cảnh báo sớm hơn đến người nông dân, doanh nghiệp; xây dựng mối liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản, giảm lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu tươi. Nhà vườn cũng phải thay đổi thói quen sản xuất, thay vì tập trung vào mở rộng diện tích, tăng sản lượng nên tập trung nâng cao giá trị nông sản để đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khó tính; khi tham gia các mối liên kết phải tuân thủ quy trình sản xuất, hình thức mua bán, giá cả theo hợp đồng.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202204/rui-ro-vuon-ban-mao-3111883/