Rừng Ðam Rông tiếp tục bị 'săn' gỗ quý

Rừng gỗ quý của Ðam Rông đang bị xâm hại nghiêm trọng dù địa phương đã mạnh tay xử phạt kể cả các đối tượng bị khởi tố hình sự.

Các đối tượng bị các lực lượng chức năng dẫn trở lại rừng để chỉ hiện trường cưa gỗ Xá xị.

Các đối tượng bị các lực lượng chức năng dẫn trở lại rừng để chỉ hiện trường cưa gỗ Xá xị.

Gia tăng tình trạng phá rừng

Tháng 7 vừa qua, Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Đam Rông đã phối hợp bắt giữ các đối tượng lâm tặc gồm: Võ Hồng Lịch (SN 1979), Võ Hồng Dương (SN 1985), đều ở Phú Yên và Nguyễn Văn Tứ (SN 1987), Phạm Văn Huyênh (SN 1991) ở Đạ Tông, Đam Rông vì tội phá rừng. Sau đó, đối tượng Dương và Lịch được các lực lượng chức năng đưa đến hiện trường cưa gỗ. Kết quả khám nghiệm tại hiện trường nằm thuộc một phần Lô b, Khoảnh 1, Tiểu khu 65, xã Đạ Long, có tổng số 23 cây gỗ bị cưa hạ và khai thác trái phép nằm rải rác với khối lượng lâm sản thiệt hại là 29,609 m3 gỗ tròn. Trong đó, có 9 cây Vù hương (Xá xị) nhóm IIA khối lượng 14,476 m3 và 14 cây gỗ chủng loại Sp nhóm VI có khối lượng 14,863 m3. Toàn bộ phần thân và cành, ngọn vẫn còn nằm nguyên tại hiện trường, phần gốc và rễ Xá xị đã bị đối tượng lấy đi hết khỏi vị trí các cây.

Ghi nhận tại cơ quan chức năng, các đối tượng này đều ngoan cố, không nhận là người phá rừng mà chỉ nhận vận chuyển gỗ lậu. Thế nhưng, qua đấu tranh của cơ quan điều tra, Lịch và Dương đã thú nhận hành vi cưa hạ cây trái phép với thủ đoạn khai thác gỗ quý hết sức ngang nhiên. Số cây Xá xị bị phát hiện là do các đối tượng đã đào gốc cho cây đổ, sau đó dùng cưa xăng cầm tay cắt gốc, rễ mang về lán trại để bào, nấu, chiết xuất lấy tinh dầu. Hiện tại, tất cả các đối tượng liên quan đến vụ việc trên đều đã bị khởi tố hình sự.

Trước đó, vào cuối tháng 6, thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản tại Lô d, Khoảnh 5, Tiểu khu 72, Đoàn kiểm tra do Hạt Kiểm lâm Đam Rông chủ trì cũng đã phát hiện có 5 cây Thông tre lá ngắn (nhóm IIA) bị cưa hạ. Đoàn tiếp tục mở rộng kiểm tra xung quanh phát hiện thêm một máy cưa xăng cầm tay được cất giấu ở gốc cây gần hiện trường, song không phát hiện đối tượng vi phạm. Do đó, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận vụ việc, khối lượng lâm sản bị thiệt hại và đến đầu tháng 7 đã phát hiện đối tượng cưa hạ 5 cây Thông tre lá ngắn là Liêng Hót Bi Na, trú tại Thôn 4, xã Đạ Long và xác nhận chiếc cưa cầm tay ở gần hiện trường là của mình. Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông cũng đã khám nghiệm hiện trường có sự tham gia trực tiếp của Bi Na, thống kê khối lượng gỗ bị thiệt hại hơn 7,4 m3 gỗ tròn. Tại cơ quan điều tra, Liêng Hót Bi Na đã khai nhận toàn bộ hành vi cưa hạ gỗ của mình với mục đích lấy gỗ về để làm nhà.

Liên quan vụ việc Liêng Hót Bi Na, 2 cán bộ liên quan là ông Nguyễn Văn Trung - cán bộ phụ trách Tiểu khu 72 và ông Pang Ting Ha Nghe - cán bộ kiểm lâm cũng đã thừa nhận trách nhiệm do lơ là, thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên tiểu khu mà mình phụ trách. Sau khi sự việc xảy ra, những cán bộ trên cũng đã kịp thời báo cáo xử lý vụ việc và đối tượng có liên quan mà một phần nguyên nhân từ sự mất cảnh giác của 2 cán bộ này.

Trên đây chỉ là 2 trong số các vụ việc nghiêm trọng bị khởi tố hình sự do vi phạm Luật Lâm nghiệp cho thấy tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện Đam Rông vẫn còn diễn biến rất phức tạp, số vụ, diện tích thiệt hại tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Liêng Hót Bi Na tại hiện trường 5 cây Thông tre lá ngắn bị lực lượng chức năng bắt

Liêng Hót Bi Na tại hiện trường 5 cây Thông tre lá ngắn bị lực lượng chức năng bắt

Thường xuyên truy quét các điểm nóng

Ghi nhận tại Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, chỉ riêng 8 tháng đầu năm ở nhiều tiểu khu trên địa bàn các xã đã phát hiện có rất nhiều gỗ quý bị đốn hạ, một số cây có dấu vết rất mới, chứng tỏ lâm tặc khai thác chưa lâu.

Ông Phan Đình Phùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đam Rông cho biết thêm: “Tình hình phá rừng, khai thác rừng, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó có thể kể đến một số vụ phá rừng tại Tiểu khu 180, 181 xã Liêng S’rônh, thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Sêrêpốk quản lý và Tiểu khu 237, 251, xã Đạ K’Nàng, thuộc lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý. Tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật cũng đang diễn ra phức tạp tại các Tiểu khu 211, 215, xã Phi Liêng và Tiểu khu 65, xã Đạ Long, xã Đạ Tông. Từ thực tế này, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm và UBND các xã tập trung tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên, chủ động nắm chắc tình hình về phá rừng, cháy rừng để xây dựng kế hoạch tuần tra truy quét, ngăn chặn kịp thời.

Theo đó, đều đặn một tháng các lực lượng tiến hành tuần tra rừng 2 lần, mỗi đợt tuần tra trong khoảng 4-5 ngày. Ông Phan Đình Phùng cho hay: Đơn vị đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức truy quét, tấn công các đối tượng lâm tặc. Đồng thời phối hợp với các bên liên quan tăng cường truy đuổi, tịch thu xe tải, gỗ, bắt giữ các đối tượng khai thác rừng trái phép. Tuy nhiên, các đối tượng rất manh động và tinh vi, hoạt động khai thác thường được tiến hành vào ban đêm, ở những khu vực rừng ở xa, không có sóng điện thoại và có những đường tắt để thoát sang các địa bàn lân cận nên gây khó khăn trong công tác tuần tra, truy bắt.

Những vụ án phá rừng lần lượt được điều tra làm rõ, xử lý đúng người, đúng tội đối với các đối tượng phá rừng là cần thiết, góp phần răn đe, ngăn chặn các đối tượng chặt phá rừng tìm gỗ quý.

PHONG VÂN - HOÀNG MY

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201908/rung-am-rong-tiep-tuc-bi-san-go-quy-2961717/