Rừng bị tàn phá là do... cơ chế!?
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng rừng bị tàn phá là do cơ chế chính sách không phù hợp, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị nhưng rơi vào im lặng
Ngày 11-3, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng quy mô lớn tại rừng cộng đồng Buôn Tul (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) được phát hiện vào đầu tháng 3-2021.
Rừng bị tàn phá, chủ rừng lại không biết!
Theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trước đó, một người dân điện thoại thông báo cho lực lượng Kiểm lâm vùng IV và lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có vụ phá rừng tại rừng cộng đồng Buôn Tul (xã Yang Mao, huyện Krông Bông).
Sau đó, từ ngày 1 đến 2-3, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện tại Tiểu khu 1204 thuộc rừng cộng đồng Buôn Tul có 2 khu vực rừng bị chặt phá, tổng khối lượng gỗ tại hiện trường là 38,960 m3. Hàng chục cây gỗ có đường kính từ 40-100 cm bị cưa hạ nhiều thời điểm khác nhau, gốc mới nhất được xác định cách thời điểm phát hiện khoảng 1 tháng. Lúc kiểm tra không tìm được đối tượng vi phạm.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, vụ phá rừng trên có mức độ nghiêm trọng, khối lượng gỗ bị khai thác lớn, có dấu hiệu tội phạm hình sự. Do đó, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông phải khẩn trương thiết lập hồ sơ, mở rộng hiện trường khu vực lân cận để xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân có liên quan để xảy ra vụ phá rừng mà không phát hiện, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân có sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.
Liên quan đến vụ phá rừng pơ- mu quy mô lớn mà Công an huyện Krông Bông bắt giữ trong dịp Tết Tân Sửu 2021 trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, ngày 11-3, một lãnh đạo công an huyện cho biết trong ngày sẽ ban hành quyết định trưng cầu giám định.
Theo một nguồn tin, ngoài hơn 7 m3 gỗ thu giữ khi vận chuyển, trong quá trình khám nghiệm hiện trường còn thu giữ gần 30 m3 gỗ pơ-mu. Điều lạ là hiện trường vụ khai thác gỗ pơ-mu xảy ra xung quanh một chốt trạm quản lý bảo vệ rừng, lâm tặc dùng cưa máy xẻ gỗ ầm ầm nhưng không hiểu sao chủ rừng lại không biết. Chưa kể, đoàn lâm tặc gần 10 người dùng 5 con trâu vận chuyển gỗ trót lọt trên đường mòn trước một chốt trạm khác mà không bị chủ rừng phát hiện.
Trả lời Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho hay ông luôn trăn trở, suy nghĩ tìm các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng. Thời gian qua, tình hình , khai thác gỗ diễn biến phức tạp ở một số chủ rừng là các công ty lâm nghiệp. Các chủ rừng này quản lý rừng chưa hiệu quả. Nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng nhưng chủ rừng chưa phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
"Không chỉ ở Đắk Lắk mà nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng lâm tặc lợi dụng những ngày nghỉ lễ để phá rừng. Điều này chứng tỏ các đối tượng đã dự mưu kỹ từ trước, không dễ bị phát hiện" - ông Dương nói.
Kiến nghị rơi vào im lặng?
Lý giải về tình trạng rừng bị tàn phá tràn lan, ông Dương cho rằng nguyên nhân chính là do cơ chế, chính sách hiện nay không phù hợp, bất cập.
Tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành về các cơ chế chính sách nhưng xử lý rất chậm, thậm chí không có ý kiến gì hoặc ban hành các chính sách lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu.
"Quyết định số 38 năm 2016 về chính sách hỗ trợ các công ty lâm nghiệp với mức 300.000 đồng/ha/năm đối với rừng giao khoán và 150.000 đồng/ha/năm đối với các công ty lâm nghiệp quản lý bảo vệ rừng chung, không bằng 20% nhu cầu kinh phí thực tế" - ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, lãnh đạo một số bộ, ngành đã từng phát biểu phải tăng lên 1 triệu đồng/ha/năm hoặc mức hỗ trợ hiện nay là vô lý, sẽ kiến nghị nhưng rốt cuộc cũng rơi vào im lặng.
"Các cơ quan trung ương làm chưa đầy đủ trách nhiệm của mình trong thời gian dài. Nhà nước cần nhìn nhận, quan tâm đầu tư đúng mức để quản lý bảo vệ. Cần có cơ chế đặt hàng, ký cam kết trách nhiệm, tăng quyền lực cho chủ rừng, thực hiện các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân sống gần rừng, huy động nhiều thành phần xã hội đóng góp vào dịch vụ môi trường rừng" - ông Dương kiến nghị.
Trong khi nhiều công ty lâm nghiệp không được chi trả dịch vụ môi trường rừng thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông được chi trả hơn 8 tỉ đồng/năm nhưng cả ông Dương và lãnh đạo công ty này đều khẳng định không đáp ứng đủ nhu cầu.
"Chúng tôi quản lý hơn 24.000 ha rừng với 76 biên chế. Năm 2020, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 8 tỉ đồng. Còn việc liên kết trồng hơn 1.000 ha rừng sản xuất thì công ty không có vốn đầu tư nên lợi nhuận thấp. Theo tính toán, phải được cấp 11 tỉ đồng mới đủ nuôi bộ máy" - ông Bùi Quốc Tuấn, giám đốc công ty này, nói.
Địa phương phải cân đối ngân sách
Theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, những đơn vị nào có dịch vụ môi trường rừng thì bảo đảm tương đối nguồn kinh phí, còn những đơn vị không được chi trả thì chưa đáp ứng đủ. Tuy nhiên, luật đã quy định đối với rừng sản xuất, hằng năm, Bộ Tài chính phê duyệt kinh phí chi phí thường xuyên của từng địa phương, trong đó có cả chi kinh phí quản lý bảo vệ rừng. Từ đó, các địa phương phải cân đối ngân sách phù hợp cho công tác quản lý bảo vệ rừng.