Rừng Cần Giờ - 'chiếc áo tự nhiên' vô giá
'Hãy để muôn thú yên ấm dưới mái rừng xanh, để những chú chim tự do trên sân nhà bạn' – Tấm pano in dòng chữ này nằm ngay sân Trạm Kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng, Đồn Biên phòng Thạnh An, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí này chính là trung tâm của vùng cửa sông Đồng Nai đổ ra biển, nơi nổi tiếng với hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận, khi biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt ở Nam bộ.
Thông điệp trên tấm pano ấy dường như đã nói đủ tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ đối với môi trường sống bao gồm cả nơi cư trú của người và động, thực vật vùng cửa sông Đồng Nai. Những năm qua, tiến trình biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn và khi giải pháp thực sự hữu hiệu chưa có thì con người dường như vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự điều hòa của tự nhiên. Những khu rừng ngập mặn nguyên thủy còn sót lại chính là sự điều hòa tuyệt vời đó. Đáng tiếc là việc diện tích rừng ngập mặn thu hẹp lại thay bằng các công trình xây dựng lấn biển đang diễn ra và có xu hướng tăng lên.
Hậu quả thấy ngay của việc mất rừng ngập mặn là thúc đẩy nhanh hơn quá trình biển lấn và làm xâm nhập mặn tiến sâu vào nội địa theo các cửa sông. Các thảm thực vật ngập mặn tỏa ra trên các bãi lầy ven biển vốn là tấm lá chắn, cố định đất, ngăn mặn và tạo ra tại đó một hệ sinh thái tự nhiên bền vững bao bọc lấy các đô thị, khu dân cư đông đúc bên trong. Nếu bất cứ vùng duyên hải nào bị mất cái áo tự nhiên này, việc tổn thương do biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Lúc đó, không có bê tông cốt thép nào do con người tạo ra có thể ngăn được tranh chấp trên thế thắng của tự nhiên.
Ngoài Trạm Kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng, hiện nay, hầu hết các doanh trại của lực lượng BĐBP đóng quân ở bờ biển và đảo đều đang bị đe dọa trực tiếp bởi các đợt triều cường. Có những đơn vị phải chuyển doanh trại vào vị trí sâu hơn về phía đất liền và gia cố lại sau một thời gian ngắn nước mặn ăn mòn làm hư hại công trình xây dựng. Hệ thống trang thiết bị hầm hào công sự bị nước biển tấn công không sử dụng trong huấn luyện. Đơn vị cũng không chủ động được nguồn thực phẩm từ vườn rau, ao cá do thường xuyên bị triều cường tấn công, nước mặn bủa vây; xe máy, máy móc cơ khí bị han gỉ. Chưa kể, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong các doanh trại này không được đảm bảo.
Tương tự như vậy, các khu dân cư ven biển chống đỡ với triều cường những năm gần đây hiểu hơn hết tác hại của nước biển dâng. Chính họ là những người thẳng thắn bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc quy hoạch mở rộng đô thị bằng cách lấn biển. Họ cũng là những người trực tiếp tham gia vào các dự án trồng lại rừng ngập mặn Cần Giờ sau khi khu rừng này thất thoát diện tích và bị thu hẹp.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, một nông dân theo đuổi nghề làm muối ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Rừng cây đước, cây mắm, cây bần ở vùng Cần Giờ này sống trên đầm lầy bền bỉ, gian khó như con người ở đây vậy. Đất đai ngập mặn, hoang hóa lớn mà muốn có kế sinh nhai để sống cũng phải dựa vào tự nhiên để tính toán, tránh phá bỏ. Khi nào rừng còn thì còn sản vật, còn làm muối, còn nuôi thủy hải sản được. Rừng mất là kể như hoang hóa cả”.
Không phải đến thời điểm này, sức ép của việc mở rộng đô thị mới căng thẳng ở Cần Giờ. Là huyện ven biển, gom nhiều cù lao và là vùng nông thôn duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh, Cần Giờ có nhiều thập kỷ cầm chừng với tốc độ phát triển chậm. Chỉ cách trung tâm thành phố 50km nhưng đi về Cần Giờ bằng đường bộ phải qua phà. Chưa kể quãng đường nổi tiếng vì quá nhiều cầu và tốc độ xây nhích từng chút một vì phải gia cố nền móng yếu và theo dõi lún sụt của đất nền không ổn định, chằng chịt kênh rạch, đầm lầy.
Tuyến đường này chưa cầu hóa hết các bến phà mà đã là câu chuyện dai dẳng hàng trăm năm nay. Thêm nữa, khu vực Cần Giờ trước kia trong chiến tranh là vùng ngoại vi thành phố, vùng đệm để ém quân và xây dựng căn cứ của lực lượng đặc công nước quân giải phóng miền Nam. Cũng vì thế, rừng ngập mặn được gắn với lịch sử, với chiến công của QĐND Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và được giữ gìn cho đến ngày nay.
Hiện nay, vùng cửa sông Đồng Nai với các nhánh sông Lòng Tàu, sông Sài Gòn và vịnh Soài Rạp – Đồng Tranh vẫn là các nhánh đường giao thông thủy quan trọng với hệ thống cảng biển dày đặc. Một trong những điều kiện để mạng lưới kinh tế cảng biển cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh êm thuận, ổn định không bị bồi lấn và chỉnh hình là các vàm cây ngập mặn quý giá ở Cần Giờ. Lợi ích của cả vùng dự trữ sinh quyển Cần Giờ cần được đặt trong bài toán chinh phục tự nhiên hàng trăm năm chứ không chỉ tính đến nhu cầu trước mắt.
Người dân Nam bộ vẫn gọi các khu vực cửa sông, ven biển có rừng ngập mặn là “vàm”. Thói quen đi ra vàm lụm lặt thủy hải sản, tìm kiếm thực phẩm là đặc tính của người dân ven biển. Từ vàm rồi mới ra lạch, ra sông, và vàm cũng là dải đầm lầy ngăn cách đất đai đồng ruộng với vùng nước bên ngoài. Cách cư trú này khác hẳn với tư duy mở biển của các nhà hoạch định kinh tế đô thị hiện đại.
Các khu dân cư, khu đô thị mới hay là tổ hợp du lịch thương mại trong thiết kế của họ đều ra tận mép nước, thậm chí nửa chìm nổi trên mặt biển và bỏ qua sự đột biến của mức lên xuống thủy triều. Mỗi một phương án xây dựng các khu dân cư đều có ưu điểm và nhược điểm. Cần phải hiểu rõ cơ chế vận động địa lý trong tương lai của Nam bộ và bớt lại sự mạo hiểm chinh phục các vùng cửa sông biển bằng cách lấn ra và dịch chuyển đô thị ra ngoài các vàm cây ngập mặn tự nhiên.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/rung-can-gio-chiec-ao-tu-nhien-vo-gia-post432654.html