Rừng Cư A Mung (Đắc Lắc): Lâm trường bất lực, 'lâm tặc' lộng hành

Trên con đường đất đỏ, bụi bay mù trời là hàng chục chiếc xe công nông độ chế nối đuôi nhau luồn lách vào những cánh rừng thuộc phân trường Cư A Mung (xã Cư A Mung, H. Ea H’Leo, Đắc Lắc) để lấy gỗ. Cách trụ sở phân trường chừng 5 km, tiếng máy cưa (cưa lốc) nổ oang khắp rừng. Men theo những con đường nhỏ, cách mặt đường chính khoảng hơn trăm mét, hàng chục cây gỗ lớn bị đốn hạ, còn ngổn ngang phần cành, ngọn sót lại. Tiến vào sâu hơn nữa, những hình ảnh “xẻ thịt” rừng diễn ra náo nhiệt. Khoảng 4-5 chiếc xe công nông độ chế vào tận nơi để chở gỗ, hơn chục người đang hì hục chất gỗ lên xe, số còn lại dùng máy cưa lốc, xẻ rọc những phần vỏ không cần thiết để làm gọn cho nhẹ bớt.

Dẫn đường cho chúng tôi, anh Lê Văn N., cho biết, ở khu này hàng ngày có khoảng vài chục chiếc xe công nông chuyên chở gỗ về các địa bàn, như xã Cư A Mung, Ea Wy, Cư Mốt của huyện Ea H’leo và các địa bàn khác trong tỉnh Đắc Lắc. Theo anh N., muốn vào cánh rừng này phải qua trạm kiểm soát của phân trường bảo vệ rừng, tuy nhiên những chiếc xe công nông chất đầy gỗ vẫn đi qua trạm một cách “êm ái” mà không hề thấy một lực lượng nào ra xử lý.

“Các anh cứ ngồi đây chừng 2-3 giờ đồng hồ là có hàng chục chiếc xe chở gỗ ra giờ ấy mà. Xe chở gỗ hiên ngang lắm, thích chất gỗ bao nhiêu cũng được, chẳng thấy ai bắt bớ, xử lý, hay đả động đến cả. Những cảnh như thế tụi tui nhàm rồi, như ăn cơm bữa ấy mà...” - anh N., cho hay. Tiếp xúc với chúng tôi, một tay thợ cưa lão luyện cho hay, thông thường phải nằm lại rừng 2-3 ngày, thậm chí nằm cả tuần, trong rừng để gom gỗ. Nếu tìm gỗ lớn, đẹp để làm nhà cửa, đồ gia dụng nhiều khi phải mất cả tuần mới gom đủ. Còn gỗ làm trụ tiêu thì nhan nhản, chỉ cần vào một ngày là tha hồ mà chở.

Một số hình ảnh P.V ghi lại tại rừng Cư A Mung.

Một số hình ảnh P.V ghi lại tại rừng Cư A Mung.

Sau khi tiếp nhận những hình ảnh phóng viên cung cấp, ông Lê Văn Quang- Trưởng phân trường Cư A Mung (thuộc Cty TNHHMTV Rừng Xanh) cho biết, việc mỗi ngày có hàng chục chiếc xe công nông ra vào chở gỗ, phá rừng như phản ảnh là hoàn toàn có thật. “Chúng tôi hoàn toàn bất lực, lâm tặc quá đông mà lực lượng chúng tôi thì quá mỏng. Việc ngăn chặn chúng tôi không thể làm được”- ông Quang nói. Ông Quang cho biết thêm, do địa thế của rừng của Ea Súp nằm trên tuyến đường liên huyện (H. Ea H’Leo và H. Ea Súp) nên việc ngăn chặn từ cửa rừng gặp không ít khó khăn. Lâm tặc cho rằng không có quyền bắt họ, khi họ đi rẫy ở huyện bên cạnh. Thêm nữa, đa phần những lâm tặc đều là người đồng bào thiểu số sống trên địa bàn các xã giáp rừng. Khi bị các cán bộ quản lý bảo vệ rừng bắt và thu tang vật thì những người này huy động cả buôn làng ra giải cứu xe gỗ. Thậm chí còn xảy ra ẩu đả giữa 2 bên làm bị thương một số cán bộ lâm trường.

Ông Nguyễn Văn Đính-Giám đốc Cty TNHHMTV Rừng Xanh cho biết, Cty được giao trách nhiệm quản lý và bảo vệ 13.870 ha rừng với 15 tiểu khu, trong đó có 2 phân trường quản lý chính là phân trường Ea Khanh và phân trường Cư A Mung. Mỗi phân trường có 6 cán bộ quản lý, tuần tra và bảo vệ rừng. “Với quân số như vậy chúng tôi hoàn toàn bất lực. Biết là lâm tặc hằng ngày vận chuyển cả chục xe gỗ nhưng không thể xử lý, làm không xuể. Thêm nữa, địa bàn quản lý rộng, lực lượng cán bộ ít, dụng cụ hỗ trợ thô sơ nên rất khó khăn trong công tác ngăn chặn lâm tặc”- ông Đính than vãn.

N.G

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_148286_ru-ng-cu-a-mung-da-c-la-c-lam-truo-ng-ba-t-lu-c-la.aspx