Rúng động gian lận thi cử chưa từng có trong lịch sử và chuyện tham nhũng giáo dục
Dư luận đang chờ việc xử lý cán bộ 'chạy điểm' cho con trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục.
Gian lận điểm thi chưa từng có trong lịch sử
Trong tháng 3/2019, Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết luận của cơ quan điều tra về kết quả chấm thẩm định điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Theo đó, ở Hòa Bình có 64 thí sinh (gồm 63 em của năm 2018 và một của năm 2017) có sự thay đổi điểm thi. 56 thí sinh có bài thi trắc nghiệm sửa điểm. Một thí sinh có bài thi Hóa học được nâng 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh được nâng điểm tổng 3 môn thi là 26,45.
Còn ở Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Trước đó, sau nghi vấn của các chuyên gia và dư luận xã hội về gian lận điểm thi tại Hà Giang, đến ngày 17/7/2018, Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết quả thẩm tra điểm thi bất thường ở tỉnh này. Theo đó, có hơn 100 bài thi được nâng từ 1 đến 8 điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng cộng cả 3 địa phương: Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang có tất cả 222 thí sinh được nâng điểm thi THPT Quốc gia. Điều đáng quan tâm là trong số những thí sinh này có em là thủ khoa, á khoa ở một số trường quân đội, sư phạm... Đặc biệt có thủ khoa của trường Sĩ quan Lục quân 1 có số điểm 28,2 điểm (Toán 9,2; Lý 9, Hóa 9,25 và cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực) nhưng điểm sau chấm thấm định của 3 môn: Toán 1, Lý 0, Hóa 0.
Cho đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 19 người trong ngành giáo dục và công an ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi gian lận đối với một số cán bộ có chức quyền. Tuy nhiên, việc khởi tố này mới chỉ dừng lại ở những người trực tiếp sửa điểm, còn những người hưởng lợi từ sửa điểm, là thí sinh và phụ huynh thì chưa được làm rõ.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT, Bộ Công an cần nhanh chóng công bố danh tính phu huynh, dù người đó là cán bộ lãnh đạo, quan chức cấp cao đến đâu thì cần phải được công bố.
Gian lận trong thi cử là tham nhũng trong giáo dục
Từ khi biết điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 cho đến khi có nghi vấn điểm thi bất thường, nhiều phụ huynh ở Hà Giang cảm thấy lo lắng, thấp thỏm không yên.
Chị Lê Thu Thảo, phụ huynh có con học ở trường THPT chuyên Hà Giang tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Sau khi biết kết quả thi, con chị đạt tổng cộng 3 môn thi ở khối A (Toán, Lý, Hóa) là 19 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên khu vực) và đã trúng tuyển vào Học viện Tài chính.
Chị Thu Thảo cho biết, cháu luôn phấn đấu trong học tập và tự răn mình không được quay cóp bài vì cho rằng điểm thi phải là thực chất trình độ, năng lực của mình.
Thế nhưng, khi nghe thông báo kết luận của Bộ GD-ĐT về điểm thi bất thường ở Hà Giang có được nâng từ 1 đến 8 điểm, chị Thảo cảm thấy hết sức bất bình vì kết quả đó không công bằng với những học sinh có năng lực học tập tốt thực sự.
“Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc kịp thời và trả lại sự công bằng cho các thí sinh có năng lực, điểm số thực chất thì đất nước sẽ mất nhân tài.
Bộ GD-ĐT, Bộ Công an cần xử lý nghiêm minh vấn đề này theo quy định của pháp luật để làm gương cho những cán bộ khác cũng như lấy lại niềm tin của nhân dân”, chị Thảo nói.
Là một thí sinh tự do ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, em Nguyễn Tiến Thành bất ngờ khi được biết những sai phạm trong chấm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La và nghi vấn sai phạm ở một số địa phương khác qua phương tiện thông tin đại chúng.
Tiến Thành cho rằng, để lấy lại niềm tin của các bạn học sinh và đông đảo tầng lớp nhân dân đối với sự phát triển giáo dục thì Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng cần phải rà soát, xử lý nghiêm những sai phạm trong thi cử của tất cả các tỉnh, thành. Khi những đối tượng, đường dây gian lận thi cử được đưa ra ánh sáng thì mới lấy lại được niềm tin trong nhân dân.
Cho đến nay, danh tính các phụ huynh có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang dần lộ diện. Đáng chú ý, trong đó có nhiều người là cán bộ, quan chức địa phương khiến dư luận bất bình.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII: “Những số điểm "khủng", phù phép những thí sinh không đủ điều kiện thành thủ khoa, á khoa các trường khiến tôi thực sự đau lòng. Đây là hình thức đút lót, tham nhũng, dùng tiền, quyền mua những cái mà anh không có. Tham nhũng này tinh vi hơn bất kỳ hình thức tham nhũng nào khác. Tham nhũng trong giáo dục sẽ để lại hậu họa khôn lường, đẩy các em học sinh trong sáng vào vòng sai trái.
Việc chạy điểm là rất đáng trách. Cần làm thật nghiêm vụ này, nhất là các cán bộ, quan chức có liên quan, chức vụ càng cao thì càng cần xử nặng.
“Đề nghị cơ quan chức năng chỉ đích danh người tự ý nâng điểm, họ nâng điểm vì mục đích gì, để nịnh bợ, được lợi lộc hay vì mục đích gì khác thì cần làm rõ. Ngoài ra, Bộ Công an và Bộ GD-ĐT cần vào cuộc để làm rõ những trường hợp khẳng định không nhờ nhưng con vẫn được nâng điểm”, bà An nói.
Cán bộ có to đến đâu cũng cần xử lý, không bỏ sót
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vụ gian lận thi cử này quá lớn, có thể coi như một hiện tượng tham nhũng. Hậu quả không chỉ với những người liên quan, mà còn tác động đến nhiều vấn đề xã hội, làm mất uy tín ngành giáo dục, khiến hàng trăm học sinh xứng đáng bị mất đi cơ hội. Nói không quá, nhưng nó còn có thể khiến giáo dục Việt Nam mất uy tín với các nước trên thế giới.
Dư luận đang hết sức bức xúc. Cách duy nhất là Bộ GD-ĐT cần xử lý nghiêm sai phạm. Đây cũng được coi là một mặt trận chống tham nhũng, chống những sai trái, tiêu cực ảnh hưởng lớn đến quốc gia, không thể có vùng cấm trong xử lý. Dù cán bộ nào, to đến đâu, nhưng nếu có liên quan đều cần điều tra, làm rõ, kỷ luật để không bỏ sót.
“Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ GD-ĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ này.
Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí trước những gian lận điểm thi chưa từng có trong lịch sử.
Trước những sai phạm nghiêm trọng trong việc chấm thi, làm sai lệch kết quả thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần xem xét lại có nên tiếp tục kỳ thi “2 trong 1”. Nếu vẫn giữ kỳ thi này thì cần có sự điều chỉnh, thay đổi...
Nên giao lại việc tuyển sinh cho các trường Đại học
Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên tới gần 100%, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nên giao quyền xét tốt nghiệp cho các Sở GD-ĐT.
GS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm, kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ chỉ nên thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức và ra đề thi.
Bộ nên giao cho các Sở GD-ĐT ở địa phương chỉ đạo các trường tự lo khâu tổ chức thi. Học sinh học ở trường nào thì sẽ đến trường đó thi, không phải đi đâu xa. Việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD-ĐT địa phương xác nhận.
Câu chuyện chúng ta cần bàn và còn gây tranh cãi là việc tuyển sinh ĐH nên được tổ chức như thế nào.
Theo ông Phạm Minh Hạc, các trường ĐH, CĐ sẽ thực hiện việc tự chủ trong tổ chức thi, xét tuyển để chọn lọc thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. Học sinh muốn thi vào trường nào thì tự nộp đơn vào trường đó.
Riêng đề thi vào các trường ĐH, CĐ thì Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự lo vì mỗi trường có những đặc thù, cần tuyển sinh theo nhu cầu đào tạo khác nhau.
Bộ GD-ĐT chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ thông qua năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của trường đó. Luật Giáo dục ĐH đã quy định và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất rõ cho các trường. Vì thế, các trường có tổ chức thi, xét tuyển và thu hút được thí sinh hay không là hoàn toàn do năng lực của từng trường.
Theo TS Lê Thống Nhất, cần giao quyền cho các trường ĐH tự chủ về phương án tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đóng vai trò trọng tài để xem xét.
Trong việc tự chủ này sẽ có phương án cho: hình thức thi, đề thi, điểm thi, các mốc thời gian cho việc tổ chức tuyển sinh, cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi. Riêng với đề thi, trước đây đã có những cụm trường dùng chung đề thi bởi vậy các trường hoàn toàn có thể liên kết để có đề thi chất lượng. Trong trường hợp đặc biệt mới cần Bộ GD-ĐT cung cấp đề thi. Khi đó Bộ GD-ĐT là đơn vị quản lý nhà nước, giám sát các trường thực hiện đúng phương án đã duyệt.
Nếu thực hiện giải pháp như trên sẽ có một lợi ích nữa là Bộ GD-ĐT không phải ôm nặng kỳ thi như hiện nay mà thực chất cuối cùng thì từ việc ra đề, in sao, coi thi, chấm thi cũng lại phải điều động các cán bộ phía dưới thực hiện. Bộ GD-ĐT sẽ có thời gian và dồn lực để thực hiện sứ mệnh quản lý nhà nước về giáo dục, khi mà công việc này đang đòi hỏi sự chỉ đạo và quản lý rất kịp thời, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 19 của Đảng. Sự nghiệp giáo dục đâu chỉ là xoay quanh một kỳ thi.
Không nên giao cho địa phương chấm thi
Trái ngược với ý kiến bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên giữ nguyên kỳ thi THPT Quốc gia nhưng siết chặt lại khâu coi thi, chấm thi và không nên giao việc chấm thi các các địa phương.
Theo ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng trường THPT Lạc Long Quân, tỉnh Hòa Bình, nên tiếp tục tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Nếu chúng ta theo dõi, trong quá trình thi trước là 3 chung (chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) và sau này là thi “2 trong 1” nhưng theo cụm thi ĐH và 2 năm nay tổ chức thi “2 trong 1” được tổ chức ở địa phương sẽ thấy phương thức thi “2 trong 1” nhưng được tổ chức ở địa phương là tiết kiệm nhất.
Để thực hiện nghiêm quy chế có rất nhiều cách thức như: Tăng cường ý thức trách nhiệm cho cán bộ làm công tác thi, học sinh tham dự thi. Còn để chống gian lận thi cử nếu còn tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như năm nay thì Bộ GD-ĐT cần yêu cầu mỗi điểm thi có một máy quét ảnh. Trong số cán bộ coi thi phải có người được tập huấn công tác quét bài.
Việc trang bị cho mỗi điểm thi một máy quét ảnh là rất cần thiết vì các trường THPT cũng rất cần để phục vụ cho việc kiểm tra học kỳ, thi thử theo hình thức trắc nghiệm tại trường.
Còn để thực hiện công tác chấm thi, sau mỗi buổi thi trắc nghiệm, mỗi điểm thi có thể quét bài của thí sinh ngay. Việc này có thể làm được ngay vì số bài thi của mỗi môn ở một điểm thi ở một tỉnh không phải nhiều. Ví dụ như điểm thi ở trường THPT Lạc Long Quân chỉ có hơn 200 học sinh. Nếu học sinh thi xong mà điểm thi quét bài luôn thì tốc độ tương đối nhanh.
Việc quét bài thi dưới sự chứng kiến của nhiều cán bộ coi thi thì không ai dám can thiệp vào bài thi của thí sinh. Sau khi có dữ liệu quét bài thi thì chúng ta có thể in ra làm 3 đĩa. Một đĩa do trưởng điểm thi giữ, một đĩa do phó trưởng điểm của trường ĐH giữ và một đĩa gửi về Ban chỉ đạo thi của địa phương. Tất cả các đĩa này đều được cho vào phong bì niêm phong cẩn thận. Nếu làm được điều này thì không ai ở tổ chấm thi của hội đồng có thể can thiệp vào để thay đổi bài làm của thí sinh.
Đối với bài thi tự luận là Ngữ văn, khi thu bài, các điểm thi nên thực hiện thêm công đoạn yêu cầu thư ký nên gạch chéo vào phần chưa viết trong bài thi của thí sinh bằng bút đỏ và ký xác nhận vào đó. Trước đây, phần việc này do cán bộ coi thi thứ nhất làm thì nay, chúng ta có thể chuyển bước đó cho thư ký thu bài ở tại điểm thi thực hiện. Như vậy, không ai có thể nghĩ đến việc viết thêm, sửa chữa hay đổi giấy thi của thí sinh.
Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục, nguyên Thư ký Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tiêu cực thi cử tại địa phương đã được biết từ lâu, nhất là trước kia còn thi tự luận. Do đó, Bộ GD-ĐT mới khắc phục bằng thi trắc nghiệm vì nghĩ rằng máy chấm thì sẽ không thể tác động. Nhưng nay lại để xảy ra lỗ hổng, kể cả khi có máy chấm, con người vẫn có thể can thiệp được. Ngoài việc khắc phục những hạn chế của thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT cần suy nghĩ đến việc có giao cho địa phương chấm thi hay không?
Theo ông Nhật Tiến, nhiều nước trên thế giới áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đã thực hiện hoán đổi công tác chấm thi giữa các địa phương để khắc phục những tiêu cực nảy sinh. Để các địa phương chấm chéo, đảm bảo không ai biết mình chấm của tỉnh nào thì sẽ không có tình trạng các tỉnh đi đêm với nhau.
Việt Nam có thể tham khảo mô hình thi của các nước
Trước tiên, chúng ta thử tìm hiểu mô hình học tập và đánh giá học sinh của Cộng hòa Pháp - quốc gia vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp ở nước này được tổ chức làm 2 đợt. Đợt 1 được tổ chức sau khi hết học kỳ I của năm lớp 12, học sinh thi các môn Xã hội. Đợt 2 thi các môn Tự nhiên sau khi học sinh học hết học kỳ II.
Những kỳ thi như thế này này được tổ chức rất bài bản, khoa học và không có tiêu cực, gian lận nhưng độ chính xác rất cao. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt từ 70-75%. Sau đó, các trường ĐH, CĐ có thể tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ở Mỹ, học sinh không phải thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường sẽ đánh giá học sinh một cách khách quan thông qua việc học tập và kết quả thi các môn của học kỳ I và II. Khi học sinh học hết cấp III thì không phải thi tốt nghiệp mà sẽ được nhà trường cấp chứng chỉ tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả đánh giá học tập các môn học.
Ở Australia hay Hà Lan, giáo dục THPT ở mỗi bang trong nước có những cách đánh giá quá trình học tập của học sinh khác nhau, nhưng lại có đặc điểm chung là ưu tiên đánh giá theo năng lực toàn diện của học sinh.
CHLB Đức là một nước có nền giáo dục được đánh giá cao và khá toàn diện. Ở nước này, các em học sinh được nhà trường và gia đình định hướng nghề nghiệp ngay từ cấp Tiểu học, THCS và theo năng khiếu từ khi còn bé. Có những em học hết THCS là chuyển sang học trường nghề. Chính vì thế, không phải học sinh nào cũng theo học THPT. Nếu em nào theo học THPT thì phải nói là có ý thức học tập rất nghiêm túc.
Hệ thống giáo dục THPT ở Đức rất phát triển như là bước đệm để học sinh chuẩn bị vào ĐH, CĐ. Giáo dục THPT không chỉ coi trọng giảng dạy kiến thức mà rất coi trọng đến phát triển nhân cách, tư duy của học sinh.
Ở CHLB Đức cũng không tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT hay không sẽ dựa trên kết quả học tập và rèn luyện đạo đức trong 3 năm học.
Nhìn chung, ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến và phát triển, việc đánh giá quá trình học tập và thi cử bậc THPT được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ. Nhiều hội đồng kiểm định chất lượng được thành lập với trách nhiệm rất cao trong việc đánh giá hồ sơ quá trình học tập, thi cử của học sinh.
(Dựng: Đoan)