Rúng động tin Trung Quốc một ngày bắt giam 3 Thượng tướng
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (DWNews) được coi là thân cận với Bắc Kinh, hôm 29.11, 3 viên Thượng tướng quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu là cựu Tư lệnh quân chủng Hải quân Ngô Thắng Lợi, cựu Tư lệnh Quân khu Nam Kinh Thái Anh Đĩnh và cựu Chính ủy Bộ phát triển trang bị Quân ủy Vương Hồng Nghiêu đã bị bắt giam. Thông tin này đã được tờ Thế giới Nhật báo đưa hôm 30.11 và các trang tin Hoa ngữ đăng tải rộng rãi, nhưng giới chức trách và truyền thông chính thức Trung Quốc hiện vẫn chưa xác nhận hay bác bỏ.
Ngô Thắng Lợi năm nay 73 tuổi, đã thôi chức Tư lệnh Hải quân hồi tháng 1.2017. Nhưng theo ông Cao Khiêm – một học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử đảng Trung Quốc thì việc ông nghỉ hưu có nguyên nhân ngoài tuổi tác. Theo ông Cao Khiêm, dịp cuối năm 2016 đầu 2017, Ngô Thắng Lợi đã trực tiếp lên tàu sân bay Liêu Ninh chỉ đạo tiến hành tuần tra – huấn luyện vòng quanh đảo Đài Loan. Nhưng kết quả không những không “diễu võ dương oai” được mà còn bộc lộ 6 nhược điểm chí mạng, trong đó bao gồm việc không có khả năng cho máy bay cất cánh ban đêm. Điều này khiến ông Tập Cận Bình rất tức giận nên đã thừa cơ thay thế Ngô Thắng Lợi.
Trước đó đã có những tin đồn xung quanh việc tham nhũng của Ngô Thắng Lợi trong 11 năm giữ chức Tư lệnh Hải quân (từ năm 2006). Trang weibo hồi tháng 3.2015 đã đăng bài viết của Thượng tướng Lưu Hiểu Giang, Chính ủy Hải quân, con rể cựu Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào tố cáo đích danh Ngô Thắng Lợi tham nhũng.
Ông Ngô Thắng Lợi, cựu Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.
Tháng 9.2017, hãng tin Kyodo (Nhật) đã đưa tin Ngô Thắng Lợi đang bị điều tra. Hồi tháng 6.2018 trên các trang Hoa ngữ hải ngoại và weibo trong nước lại xuất hiện tin Ngô Thắng Lợi bị điều tra.
Tư liệu công khai cho biết, Ngô Thắng Lợi sinh 8.1945, quê tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 8.1964 vào Học viện Đo đạc biên vẽ hải đồ của Hải quân. Sau khi tốt nghiệp đã giữ chức trên 4 tàu hộ vệ và khu trục, 8 năm giữ chức thuyền trưởng. Năm 1984 được bổ nhiệm Bí thư, Chi đội trưởng Chi đội tàu khu trục số 6, rồi lần lượt giữ các chức vụ từ Tham mưu phó căn cứ Thượng Hải dần lên đến Phó Tư lệnh Hạm đội Đông Hải (1999). Từ tháng 1.2002 được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu Quảng Châu kiêm Tư lệnh Hạm đội Nam Hải phụ trách tác chiến ở khu vực Biển Đông. Tháng 4.2007 được thăng chức Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Từ tháng 8.2006 đến 1.2017 là Tư lệnh Hải quân. Ngô Thắng Lợi được phong hàm Thiếu tướng năm 1994, thăng Trung tướng năm 2003 và Thượng tướng năm 2007.
Ngô Thắng Lợi là Ủy viên Trung ương các khóa 17, 18 và là Ủy viên Quân ủy.
Ông Thái Anh Đĩnh năm nay 64 tuổi, tháng 1.2017 bị bãi chức Viện trưởng Khoa học quân sự trước khi đến tuổi nghỉ hưu 2 năm. Trước đó, vào tháng 1.2016 khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, ông Đĩnh bị hạ chức bằng cách điều về Viện Khoa học quân sự, trở thành người duy nhất trong số 7 tư lệnh quân khu phải “ngồi chơi xơi nước” sau khi ông Tập Cận Bình tiến hành cải cách quân đội. Có tin cho rằng ông Đĩnh bị giáng chức là do có người đứng ra tố giác.
Ông Thái Anh Đĩnh, cựu Tư lệnh Quân khu Nam Kinh.
Ngày 16.5.2018, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin: Thượng tướng về hưu Thái Anh Đĩnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Trung Quốc đã bị Quân ủy kỷ luật giáng 8 cấp, từ cấp 2 (bậc trưởng quân khu) xuống cấp 10 (bậc trưởng tiểu đoàn). Nguyên nhân chính thức của việc tướng Đĩnh bị kỷ luật được cho là đã che giấu việc cô con gái lấy chồng người Pháp và nhập quốc tịch Pháp.
Nguồn tin cho biết, Thái Anh Đĩnh đã bị một cán bộ viết thư tố giác việc ông có con gái lấy chồng và nhập quốc tịch Pháp nhưng không báo cáo tổ chức về mối quan hệ với người nước ngoài. Sau khi thông tin này được xác thực, lãnh đạo rất tức giận và ông Đĩnh đã mất đi sự tín nhiệm từ Quân ủy cùng ông Tập Cận Bình. Sau đó, trên mạng lan truyền bức ảnh chụp đại gia đình Thái Anh Đĩnh, trong ảnh, hai vợ chồng ông chụp cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại khi họ đang cùng nhau đi du lịch tại Thanh Nguyên Sơn, Phúc Kiến.
Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng chuyện có chàng rể ngoại chỉ là cái cớ khiến Thái Anh Đĩnh bị giáng cấp. Nguyên nhân thực sự là Thái Anh Đĩnh có quan hệ thân thiết với 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy đã bị quật ngã là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và rất được ông Giang Trạch Dân ưu ái, được cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trương Vạn Niên đề bạt.
Tại một hội nghị trung ương khóa 16 năm 2002, hơn 20 cán bộ quân đội cao cấp do Trương Vạn Niên cầm đầu đã ký tên vào một văn bản kiến nghị “bức quan”, yêu cầu tân Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào để ông Giang Trạch Dân tiếp tục ở lại giữ chức Chủ tịch Quân ủy thêm 2 năm, lật ngược lại nghị quyết về việc Giang Trạch Dân thôi giữ mọi chức vụ trước đó. Trong tình thế bị bức bách, ông Hồ Cẩm Đào buộc phải đồng ý. Cùng năm đó, Thái Anh Đĩnh được Trương Vạn Niên đề bạt cấp tốc, từ Thư ký riêng, Phó Văn phòng Quân ủy điều đi Quân khu Nam Kinh giữ chức Phó Tham mưu trưởng. Năm 2004, Trương Vạn Niên nghỉ hưu, Thái Anh Đĩnh được đề bạt Tư lệnh Tập đoàn quân 31 đóng ở Phúc Kiến, 3 năm sau được đề bạt Tham mưu trưởng Quân khu Nam Kinh.
Bức ảnh được cho là cái cớ khiến ông Thái Anh Đĩnh bị ngã ngựa.
Mặt khác, nếu như trước Đại hội 19, sai lầm của Thái Anh Đĩnh không phải là điều gì to tát, nhưng nay ông ta bị xử lý nặng dù đã nghỉ hưu thể hiện việc ông Tập Cận Bình kiên quyết quản chặt quân đội, loại bỏ những người mà ông không tin tưởng.
Thái Anh Đĩnh sinh năm 1954, quê tỉnh Phúc Kiến, nhập ngũ năm 1970, từng là thư ký riêng của Phó chủ tịch Quân ủy Trương Vạn Niên, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy. Năm 2002, được giao giữ chức Phó Tham mưu trưởng Quân khu Nam Kinh; năm 2004 là Tư lệnh Tập đoàn quân 31; năm 2007 là Tham mưu trưởng Quân khu Nam Kinh. Năm 2011, ông Đĩnh được giao giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội; tháng 10/2012 làm Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, tháng 7/2013 nhận quân hàm Thượng tướng – là Thượng tướng trẻ nhất toàn quân khi đó. Đến tháng 2/2016, ông về làm Viện trưởng Khoa học quân sự, nhưng chưa đầy 1 năm sau, vào tháng 1/2017 ông đã buộc phải nghỉ hưu trước quy định 2 năm.
Thái Anh Đĩnh là Ủy viên dự khuyết trung ương khóa 17 và Ủy viên trung ương khóa 18.
Tờ Đa Chiều cho biết, có một dạo Thái Anh Đĩnh từng được coi là “ngựa ô”, thậm chí có tin đồn ông sẽ giữ chức vụ cao nhất chủ quản về mặt quân sự sau khi cải cách quân đội. Nhưng ông ta bất ngờ bị “ra rìa” khi bị điều chuyển từ Tư lệnh Quân khu Nam Kinh về làm Viện trưởng Khoa học quân sự rồi nghỉ hưu trước thời hạn 2 năm.
Ông Vương Hồng Nghiêu năm nay 67 tuổi, đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 1.2017. Tháng 3.2017 được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường của Quốc hội. Trong thời gian Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng nắm quyền lãnh đạo Quân ủy, ông được đề bạt chủ quản công tác đảng, công tác chính trị của Quân khu Thẩm Dương và Tổng bộ Trang bị. Có tin, ông Nghiêu bị ngã ngựa do dính líu đến vấn đề của 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy đã bị xử lý nói trên.
Cựu Chính Ủy Bộ Phát triển trang bị Quân ủy Vương Hồng Nghiêu.
Tư liệu công khai cho biết, Vương Hồng Nghiêu sinh tháng 11.1951, quê Sơn Đông, nhập ngũ 1969, từng tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy chiến dịch, Đại học Quốc phòng, đã giữ các chức vụ ở Tập đoàn quân 67 và 54. Năm 2000 là Chủ nhiệm Chính trị TĐQ 54, năm 2003 thăng chức Chính ủy. Năm 2007, ông được thăng chức Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thẩm Dương, năm 2010 là Phó Chính ủy. Năm 2011 thăng chức Chính ủy Tổng bộ Trang bị. Tháng 1.2016 sau cải cách quân đội được bổ nhiệm làm Chính ủy đầu tiên của Bộ Phát triển trang bị Quân ủy.
Vương Hồng Nghiêu được phong hàm Thiếu tướng năm 2002, thăng Trung tướng năm 2009 và Thượng tướng năm 2013. Ông là Ủy viên Trung ương khóa 18 và đại biểu Quốc hội khóa 11.
Từ sau Đại hội 18 (11.2012) đến nay, đã có khoảng 160 tướng quân đội Trung Quốc bị ông Tập Cận Bình xử lý trong các chiến dịch “đả Hổ”, trong đó có 7 Thượng tướng – cấp quân hàm cao nhất trong quân đội Trung Quốc – gồm các ông: Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu (nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy), Phòng Phong Huy (nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy), Trương Dương (nguyên Chủ nhiệm Bộ công tác Chính trị Quân ủy), Điền Tu Tư (nguyên Chính ủy Không quân), Vương Kiến Bình (nguyên Tư lệnh Cảnh sát vũ trang), Vương Hỉ Bân (nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng). Ngoài Vương Kiến Bình được coi là tâm phúc của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương Chu Vĩnh Khang, những người còn lại đều là người của Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.