Rúng động vụ 'tham nhũng chính sách' ở Trà Vinh
Một vụ'tham nhũng chính sách'liên quan nhiều quan chức ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đang gây rúng động dư luận địa phương. Thay vì người dân, không ít cán bộ lại hưởng lợi từ chủ trương chính sách vốn chỉ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, làm thất thoát ngân sách 24 tỷ đồng.
Ðất “chạy” vòng vo vào nhà cán bộ
Lợi dụng chính sách của Chính phủ (Nghị định số 45/2014/NĐ-CP) về miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) đối với đồng bào dân tộc), một số cán bộ địa phương huyện Trà Cú đã cấu kết với “cò đất” mượn giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu của người đồng bào dân tộc để lập Hợp đồng chuyển nhượng đất “giúp” bà con. Sau đó làm thủ tục xin chuyển mục đích SDĐ từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, đất ở...
Khi hồ sơ hoàn tất, các đối tượ̣ng tiếp tục “qui trình” lập hồ sơ cho đồng bào dân tộc tặng lại thửa đất trên cho chính… cán bộ và người nhà của họ. Hồ sơ được UBND xã chứng thực, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoàn thiện thủ tục trình lãnh đạo UBND huyện Trà Cú ký.
Qua tố giác của quần chúng, cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh vào cuộc. Kết quả điều tra xác minh cho thấy: Trong tổng số 348 hồ sơ chuyển mục đích SDĐ từ năm 2011 đến năm 2019 trên địa bàn huyện Trà Cú phát hiện 153 hồ sơ hộ dân tộc thiểu số bị 83 đối tượng lợi dụng gây thất thoát ngân sách với số tiền gần 24 tỷ đồng. Trong đó, tại xã Thanh Sơn với 104 hồ sơ được miễn giảm tiền sử dụng đất thì có tới 70 hồ sơ bị các đối tượng lợi dụng gây thất thoát ngân sách gần 12,5 tỷ đồng.
Trong số các phi vụ “tham nhũng chính sách” thì hồ sơ đất từ bà Thạch Thị KRưm “chạy” đến ông Lê Thanh Vũ - Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Trà Cú là li kỳ nhất. Ngày 2/4/2018, bà KRưm (làm nghề bán vé số) ở ấp Giồng Chanh A, xã Long Hiệp được UBND huyện Trà Cú ban hành quyết định về việc công nhận quyền SDĐ và được giảm 50% theo chủ trương của chính phủ đối với người dân tộc, diện tích 147,8m2.
Ngay ngày hôm sau (3/4/2018), bà KRưm được chính quyền địa phương lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh. Một tuần sau (ngày 9/4/2018) hộ bà KRưm được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Ngày 12/4/2018, thửa đất này được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Khả Mạnh tại thị trấn Trà Cú, và ngay trong ngày ông Mạnh được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ.
4 ngày sau ông Mạnh làm thủ tục chuyển nhượng cho ông Lê Thanh Vũ - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Trà Cú. Ngày 19/6/2018 ông Vũ được cấp giấy Chứng nhận quyền SDĐ đối với thửa đất nói trên.
Đây là một trong nhiều vụ thể hiện cán bộ thiếu lương tâm, đã cấu kết với nhau để lấy đất dân nghèo, lợi dụng chính sách của Chính phủ để trục lợi, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Chủ tịch huyện bị đề nghị kiểm điểm
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Thạch Phước Bình - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Cú); Kiến nghị UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với ông Lê Hồng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Trà Cù ký 77 hồ sơ làm thất thoát hơn 12,3 tỷ đồng; ông Nhan NaNi - Phó chủ tịch UBND huyện ký 73 hồ sơ gây thất thoát hơn 11 tỷ đồng.
Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh (nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Cú); Kiến nghị UBND huyện Trà Cú kiểm điểm, có hình thức kỷ luật đối với nhiều cán bộ đã lợi dụng chính sách đối đồng bào dân tộc để trục lợi…
Vì sao không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc các đối tượng đã thể hiện rõ hành vi vi phạm pháp luật, có tổ chức trong vụ “tham nhũng chính sách” đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Trà Cú, nhưng vì sao không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét khởi tố hình sự?
Một cán bộ trả lời “xuề xòa” rằng: Các cán bộ đã thừa nhận vi phạm, và đã nhận lỗi, khắc phục hậu quả. Hiện số tiền khắc phục đã hơn 18 tỷ đồng. Một số đối tượng không có khả năng khắc phục đã tự nguyện xin hủy hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong khi đó, nhiều người dân mỉa mai rằng: Chẳng lẽ ăn trộm xong, bị phát hiện rồi mang đồ đến trả cho “bị hại” là được… phủi tay sao?
Huyện Trà Cú có 17 đơn vị hành chính cấp xã dân số 152.199 người, trong đó, đồng bào dân tộc Khơmer chiếm gần 63%. Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số và là huyện nghèo nhất tỉnh.