Rừng già bất động kêu cứu, chính quyền lặng thinh
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi công dân, đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, một số dự án khu sinh thái tại Minh Phú, Sóc Sơn lại xâm hại nặng rừng đặc dụng Hà Nội.
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi công dân
Việt Nam luôn tự hào là quốc gia có “rừng vàng, biển bạc”, với tài nguyên rừng phong phú, đa dạng về động - thực vật. Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm gần đây, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Việt Nam ngày càng thu hẹp, do hàng trăm vụ cháy rừng xảy ra hàng năm.
Khu du lịch Thiên Phú Lâm.
Trước tình trạng cấp bách để bảo vệ rừng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, nghị định về việc trách nhiệm bảo vệ rừng của công dân, đồng thời tăng cường trồng thêm hàng tỷ cây xanh mới mỗi năm.
Các văn bản pháp luật cũng quy định rất rõ về việc xử phạt những hành vi con người xâm hại tới rừng, như chặt phá rừng, hay đốt rừng.
Thế nhưng, ngay tại Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, tình trạng rừng bị xâm hại vẫn ngang nhiên diễn ra, vi phạm nghiêm trọng về pháp luật và làm trái với chỉ đạo của Nhà nước và Chính phủ.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn trong giai đoạn 2008 - 2018.
Thời điểm ấy, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, một số xã đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng và vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Kể từ khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra trên, chính quyền các cấp từ trung ương, thành phố cho tới cấp huyện, cấp xã đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, ban hành hàng trăm văn bản nhằm kiểm điểm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và yêu cầu xử lý triệt để các sai phạm đã nêu trong kết luận. Tuy nhiên, cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
“Đốt rừng” với giá 500.000 đồng
Tại dự án khu sinh thái Thiên Phú Lâm, nằm ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội được xây dựng rất sâu, bên trong phần lõi của rừng đặc dụng. Mặc dù từ năm 2018, lãnh đạo UBND xã Minh Phú có văn bản dừng xây dựng và trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, khu du lịch này tới vẫn hoạt động bình thường.
Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, dự án khu sinh thái Thiên Phú Lâm được xây dựng với tổng diện tích khoảng 3ha, và bắt đầu hoạt động từ năm 2017.
Theo quảng cáo trên một số website du lịch, giá vé vào cửa khu du lịch Thiên Phú Lâm là 60.000 đồng/người; khách đến tham quan, vui chơi được giới thiệu các dịch vụ khác của khu bao gồm ăn uống, nướng thịt, thuê lều trại, nhà gỗ nghỉ qua đêm…
Điểm đáng lưu ý, mặc dù được xây dựng bên trong phần lõi rừng đặc dụng, là lá phổi của Thủ đô Hà Nội với hàng triệu dân đang thở. Tuy nhiên, chủ khu du lịch này lại đưa ra dịch vụ rất dễ gây ra cháy rừng, như nướng thịt ngoài trời, hoặc “đốt lửa trại”.
Ngay trong phần đánh giá trên google, có thể thấy nhiều hình ảnh khách hàng, đứng tụm năm, tụm bảy sử dụng dịch vụ đốt lửa trong rừng.
Liên lạc với số điện thoại chăm sóc khách của Thiên Phú Lâm, đại diện của khu du lịch này khẳng định: Hiện tại, Thiên Phú Lâm vẫn đón khách vào thăm quan, nghỉ dưỡng bình thường, bất kể các ngày trong năm.
Dịch vụ đốt lửa trại của Thiên Phú Lâm được khách hàng phản hồi.
Bên cạnh giá vé vào cổng, Thiên Phú Lâm xác nhận mức phí đốt lửa trại từ 500.000 - 1 triệu đồng/lần. Với mức giá 1 triệu đồng, khách hàng sẽ được đốt lâu hơn, củi to hơn so với mức giá 500.000 đồng.
Vị này nhấn mạnh: Thời gian đốt lửa trại từ 18h - 20h giờ hàng ngày (đốt trong khoảng 3 tiếng). Sau 21h, dịch vụ đốt lửa trại không được hoạt động.
Giải thích rõ hơn về quy định này, đại diện Thiên Phú Lâm nói: “Bên mình không cho đốt qua đêm, hoặc đốt sau 21h, vì vấn đề an toàn cháy rừng. Nếu đốt muộn quá, có sự cố sẽ không gọi được cứu hộ đến giải quyết được”.
Không chỉ khu du lịch Thiên Phú Lâm, một số homestay, khu du lịch khác nằm ở gần khu vực bảo vệ rừng đặc dụng cũng có dịch vụ đốt lửa trại, gây nguy hiểm đến công tác bảo vệ rừng.
Chính quyền "bặt vô âm tín"
Hằng năm, Việt Nam phải gánh chịu hàng trăm vụ cháy rừng, gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế. Riêng trong 10 năm, giai đoạn từ 2009 - 2018, nạn cháy rừng đã thiêu hủy gần 22.000ha rừng của Việt Nam, khiến kinh tế trong nước thiệt hại hàng tỷ USD.
Khu du lịch sinh thái được xây trong phần lõi rừng đặc dụng Hà Nội.
Cháy rừng, không chỉ ảnh hưởng tới sinh thái, bảo tồn rừng, mà nó còn gây ra nhiều hậu quả cho kinh tế - xã hội, khiến tài nguyên rừng Việt Nam dần trở nên cạn kiệt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, chủ quan có, khách quan cũng có. Nhưng hiếm có nơi nào lại chủ động tìm đến nguy cơ cháy rừng.
Hiện tại, thời tiết Hà Nội đang vào hè, nền nhiệt độ có thể lên cao trên 40 độ C vào tháng 5, tháng 6. Với nền nhiệt độ cao, khô hanh, hơn ai hết, lãnh đạo các cấp của Hà Nội phải có trách nhiệm bảo vệ rừng. Bởi rừng chính là lá chắn môi trường, là lá phổi của hàng triệu dân Hà Nội.
Tuy nhiên, thay vào đó, không hiểu một lý do gì, các khu sinh thái tại Minh Phú, Sóc Sơn vẫn đưa ra dịch vụ đốt lửa trại, thu phí để sinh sôi lợi nhuận. Không chỉ xây dựng trái phép trên rừng, các khu sinh thái này còn chủ động tìm “cháy rừng”.
Để tìm câu trả lời cho nghịch lý này, PV Báo Nhà báo và Công luận đã chủ động liên lạc với 2 cơ quan quản lý, là UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội để tìm câu trả lời.
Đi ngược lại tinh thần và trách nhiệm của tầng lớp cán bộ quản lý, cả hai cơ quan Nhà nước này đều yêu cầu phóng viên đặt lịch làm việc theo trình tự của pháp luật. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, sau gần 2 tuần chờ đợi, cả UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội đều bặt vô âm tín.
Theo Điều 7, Nghị định 22/1995/NĐ-CP về quy định phòng cháy, chữa cháy rừng, nói rõ:
Cấm đốt lửa trong rừng với các trường hợp sau đây:
1- Đốt các khu rừng dễ cháy như rừng thông, rừng tràm, rừng khộp, tre nứa; rừng mới trồng, rừng non tái sinh trong mùa khô hanh; những đồi cỏ tranh, lau lách, năn sậy... dễ gây cháy lan vào rừng.
2- Đốt lửa ở khu vực bãi gỗ.
3- Đốt lửa trong các khu vực rừng đặc dụng.
4- Dùng lửa để săn bắt chim thú, bắt ong, hạ cây, lấy củi, dọn đường, đốt đồng cỏ để lấy cỏ non và các hành vi dùng lửa vô ý thức gây cháy rừng.