Rừng gió

Đêm nay gió đại ngàn lại trở về nhiều hơn, tiếng gió cứ lồng lên rin rít từng tiếng một như đang cố luồn lách vào trong nhà chị, như muốn nhăm nhe hất tung đi ngôi nhà làm tạm của chị, mà hai mẹ con vẫn chưa làm quen được với nó. Những tiếng rít riết ngày càng hoang dại hơn của gió làm đứa con năm tuổi ôm siết chặt chị hơn trong giấc ngủ mê.

Qua đêm gió, những miếng tôn đóng tạm trên mái nhà chị đều bị bật tung, cứ đập lên đập xuống, va vào nhau tạo ra những âm thanh chát chúa. Chị leo lên mái nhà, loay hoay đóng từng cây đinh xuống tấm tôn cứng ngắt.

- Cô Hai để đó Chúy làm cho - Không để cho chị kịp trả lời, chú Chúy bên cạnh nhà đã thoăn thoát nhảy qua bờ rào và leo lên mái chỗ chị đang đứng.

Minh họa: LÊ HẢI

Minh họa: LÊ HẢI

Chị nhìn chú Chúy đóng mà không nói tiếng nào. Từ ngày chị chuyển về làng Kon Von 2 này thì chú Chúy là người giúp đỡ mẹ con chị nhiều nhất. Chú Chúy là người của làng, tính tình hiền lành, hay giúp đỡ bà con chòm xóm. Chú Chúy sống một mình nuôi hai đứa con nhỏ.

Nhìn đứa con gái nhỏ của chị đang chơi cùng với những đứa trẻ Ba Na trong làng, ánh mắt ánh lên niềm vui mà tim chị chợt thắt lại. Có lẽ con bé đã quên đi quá khứ buồn thương để thích nghi với cuộc sống mới.

Chị và chồng quen nhau khi học đại học, rồi cùng nhau chung tay xây dựng tổ ấm. Chị nghĩ thế là hạnh phúc. Nhưng chị chưa bao giờ nghĩ mình phải sống cùng những người xa lạ, phải thích nghi và yêu thương người xa lạ đó như là người thân của mình. Chị đâu biết rằng, mỗi gia đình mỗi cách sống và hơn hết, dù chị có cố gắng thế nào, họ cũng không coi chị là người trong gia đình. Và chị nghĩ chị chỉ cần có anh là đủ.

***

Chú Chúy, chị gọi là "chú" theo cách gọi của con gái nhưng thật ra chú Chúy lớn hơn chị một tuổi. Công việc của chú cũng giống như bao thanh niên khác trong làng là giữ rừng, ngoài ra công việc chính là trồng nương phát rẫy để bảo đảm nguồn lương thực cho gia đình.

Chúy những tưởng cuộc sống hai vợ chồng sẽ cùng nhau đi cho đến khi về với Giàng, nhưng hạnh phúc mỏng mảnh như cây tầm gửi trong rừng, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ mang cây tầm gửi đi. Chúy chỉ thấy đôi mắt của hai con thơ mãi rong ruổi tìm mẹ ở con đường mòn dẫn ra ngoài bìa rừng nơi tít tắp của làng, nơi mà Chúy bảo có những con ma đang chờn vờn ở đấy. Nhưng hai đứa trẻ nó chẳng sợ ma nữa, nó cần mẹ, ngày nào nó cũng ra đầu làng, nơi có khu nhà mã để khóc mẹ, tìm mẹ. Nhưng mẹ nó đã đi xa theo tiếng cưa máy phá rừng của những người đàn ông lạ, của sự văn minh hiện đại kia, áo váy đẹp, những tờ tiền và những lời dụ dỗ ngon ngọt trước bông hoa thuần khiết của rừng. Vợ Chúy đã bỏ nhà ra đi. Sự tự ái của người đàn ông, Chúy không tha thứ cho vợ, Chúy sẽ yêu thương và bù đắp những tình cảm mất mát của hai đứa con thay cho mẹ của chúng. Thời gian rảnh, Chúy làm bạn với rượu để xua tan nỗi nhớ, xua tan đi nỗi buồn đang đóng thành từng mảng trong tâm trí của Chúy.

Từ khi có chủ trương của Nhà nước trong việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng, già làng Đinh Pách đã đứng ra vận động dân làng cùng tham gia. Ban đầu chỉ một nhóm hộ tham gia giữ rừng, đến nay mọi người trong làng đều là các thành viên quản lý, bảo vệ diện tích rừng hơn 500ha, được nhận khoán thuộc lâm phần của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Không chỉ tích cực trong việc giữ rừng trước những lâm tặc bên ngoài, người dân làng Kon Von 2 còn ý thức trong việc làm sao để không tác động tiêu cực đến rừng trong mọi sinh hoạt. Chúy tự hứa với lòng mình sẽ không để cho rừng bị chặt phá vô nghĩa nữa, và cũng không để cho những kẻ đầy lòng tham ngoài kia làm giàu bằng cách hủy hoại môi trường nguyên sinh, lá phổi của dân làng.

***

Làng quê nhà chị nghèo, nhà chị nghèo nên từ lúc đặt chân về nhà chồng, chị đã nhận thấy sự đối xử phân biệt của mẹ chồng. Chồng chị đi làm xa, một tháng mới về nhà một lần. Thời gian đầu chưa có bé Nấm, chị còn đi làm nên thời gian chạm mặt với mẹ chồng ít. Nhưng khi mang bầu, chị bị thai thấp, tránh vận động nên chồng chị bảo nghỉ việc ở hẳn nhà để dưỡng thai. Những tưởng chị ở nhà được nghỉ ngơi, nhưng chị còn phải làm nhiều việc hơn cả lúc đi làm, từ nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp, không việc nào không đến tay chị. Mẹ chồng thì suốt ngày nói chị là thứ ăn bám tốn kém. Nhiều lần chị bị ngất vì làm việc quá sức, không có một lời hỏi thăm, động viên của mẹ chồng, thay vào đó là lời đay nghiến bảo chị giả bộ để khỏi làm việc nhà. Chị chỉ biết khóc, chẳng thể nói để cho mẹ hiểu chị hơn.

Bé Nấm được sinh ra nhưng chẳng nhận được tình thương từ bà nội, vì bà chỉ thích cháu trai, cháu gái đối với bà chỉ là con nhà người ta. Chồng chị lâu ngày về, chị muốn nói với anh nhưng anh bảo chuyện đàn bà, mấy mẹ con tự giải quyết. Thế là chị lại im lặng, mọi dồn nén của chị lại bó chặt thêm, chị sống lặng lẽ như chiếc bóng.

Đêm mưa như một định mệnh, anh đưa một người phụ nữ về nhà, trên tay là một đứa trẻ tầm một tháng tuổi. Mẹ chồng mừng cuống quýt, đó là đứa cháu trai mà bà hằng mong đợi. Chị như giọt nước tràn ly lao vào anh, lao vào đứa trẻ. Chị nhận được cái tát như trời giáng của mẹ, nụ cười khinh bỉ của kẻ thứ ba cùng sự im lặng của chồng trước ánh mắt cầu cứu của chị. Hai mẹ con chị bị ném ra khỏi nhà, như một túi rác, không còn sử dụng được nên bị ném đi. Bé Nấm khóc nấc lên, gào lên: “Ba ơi, ba ơi!", nhưng chẳng có tiếng ai vọng lại, chỉ nghe tiếng đóng cửa khô khốc, lạnh ngắt trong đêm mưa tầm tã, như cuốn trôi đi mọi thứ.

***

Những chuyến xe cứ đi mãi, rồi cũng đưa chị đến nơi chị cần đến. Chị đến Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Anh cán bộ xã niềm nở đón tiếp hai mẹ con chị và đưa chị đi tham quan rừng.

Theo lời giới thiệu của một người bạn, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đang cần một kỹ sư lâm nghiệp, và may mắn là chị được nhận vào vị trí đang khuyết. Chị xin ở hẳn trong làng, ngôi làng duy nhất nằm trong lõi khu bảo tồn với hơn 60 hộ gia đình người Ba Na. Chỉ có chị là người Kinh duy nhất ở đây. Những ngày đầu sống trong làng, chị mới thấm được tình nghĩa của bà con trong làng, mọi người đều coi nhau như gia đình, chuyện của nhà này cũng là chuyện của nhà kia, cùng nhau giúp đỡ, chia sẻ.

Chị yêu những cây cối xanh mơn man, mầm xanh trồi lên từ đất, tiếng chim hót vào những sáng ban mai, không khí trong lành. Chú Chúy dắt chị tới thác 50, hang Én… những thác nước tuyệt đẹp, nước trong văn vắt của tạo hóa ban tặng cho con người. Đi theo chú Chúy, chị còn tận mắt chứng kiến những loại thú quý hiếm và các loài thực vật quý từ thảo mộc đến đại thụ, những loại gỗ quý cao hàng chục mét, phải mấy người ôm mới hết. Chị nhìn những cây gỗ bị cưa bỏ ngổn ngang trong rừng mà lòng không khỏi xót xa, tất cả chỉ vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại đến cuộc sống của cả ngàn loài sinh vật, trong đó có cả con người và con cháu mai sau.

***

Thời gian chị đến khu bảo tồn cũng đã được một năm. Chị đã quen với rừng, quen với những người Ba Na, chị sống như một người Ba Na thật sự, chị hiểu về cuộc sống cũng như tập tục của họ. Những bữa cơm chị cũng nấu nhiều món từ các loại lá cây có sẵn trong rừng, ăn rất ngon, vị rất lạ, đặc biệt là các món ăn truyền thống của họ. Mỗi bữa cơm, chị đều dành thêm phần cho cha con nhà chú Chúy. Con chị và con của chú Chúy, những đứa trẻ dường như quý nhau hơn, đi đâu cũng líu ríu cùng nhau.

Chú Chúy đi rừng về thì bữa dành cho chị một ít măng rừng, bữa trái cây rừng, hay đôi khi một vài con gà rừng để cải thiện bữa ăn, có lúc lại là một vài cành lan rừng được đặt ở cửa sổ phòng chị.

Từ ngày chị về sống bên cạnh nhà, chú Chúy đã không còn uống rượu nữa, đôi lúc chị thấy chú Chúy nhìn chị với đôi mắt xa xăm. Hai đứa con của anh cũng quấn lấy chị nhiều hơn, chị hay chải đầu, cột tóc cho chúng, chị thích mái tóc nâu đầy mùi khét nắng của chúng. Hai con người cô đơn sống lặng lẽ bên nhau. Chẳng ai nói với nhau câu nào, nhưng lại rất hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ về cuộc sống. Có lẽ sự vấp ngã trong hôn nhân giúp cho chị và anh cảm thông cho nhau nhiều hơn.

Đi qua những ngày mưa sẽ đến những ngày nắng, chị thấy tâm hồn mình đã dịu nhẹ hơn, chị đã thôi nghĩ về gã chồng bội bạc, về gia đình chồng khắc nghiệt. Giờ hòa mình vào thiên nhiên bao la, những cây gỗ bị chặt hạ đã mọc lên những cây non mới, rừng sẽ tiếp tục sinh sôi nếu chúng ta biết bảo vệ nó, chị lại thấy mình chọn đúng con đường đi. Chị sẽ gắn bó với Khu bảo tồn Kon Chư Răng, nơi đây cần chị và chị cũng cần nơi đây, như một mối quan hệ cộng sinh để cùng nhau tiến về phía trước.

Truyện ngắn của LÊ VI THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/rung-gio-619878