Rừng luồng khuyến học ở xứ Thanh
Đều đặn từ 1 đến 2 năm lại thu hoạch luồng 1 lần, số tiền thu hoạch được sẽ được sử dụng để làm quỹ khuyến học của dòng họ. Đến mùa măng mọc, tất cả các thành viên phải chia nhau đi bảo vệ măng theo 'quy ước bảo vệ rừng luồng' mà dòng họ đề ra...
Trồng luồng làm quỹ khuyến học
Gia đình ông Bùi Văn Dương có con làm giảng viên đại học, gia đình ông Bùi Văn Lân có con đang học đại học Dược… Ông Bùi Thanh Tâm (56 tuổi, trưởng dòng họ Bùi, thôn Môn Tía, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) giới thiệu với tôi sơ qua về một số gương mặt điển hình khuyến học ở địa phương như thế.
Nguyệt Ấn, một trong những địa phương có diện tích tự nhiên khá rộng của huyện Ngọc Lặc. Đây là vùng đất thích hợp với phát triển rừng luồng. Những năm qua, cây luồng được người dân trồng trên diện rộng, đây được ví như một trong những “sản vật” giúp người dân phát triển kinh tế. Cũng chính vì thế mà một mô hình khuyến học khá mới lạ được hình thành, mô hình “Rừng luồng khuyến học”.
Mô hình này xuất phát từ dòng họ Bùi, một dòng họ có truyền thống lâu đời ở địa phương. Mô hình được ông Bùi Công Nhân (Trưởng họ Bùi ngày ấy) sáng lập với mong muốn hỗ trợ các thế hệ con cháu của dòng họ có được những điều kiện tốt để phấn đấu trong quá trình học tập. Đến nay, mô hình này đã duy trì được 13 năm với nhiều thành tích nổi bật.
Ông Tâm là người tiếp theo của dòng họ có trách nhiệm tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động khuyến học. Trong những buổi sinh hoạt của dòng họ, ông luôn sang sảng những ý kiến để làm sao đó quỹ khuyến học ngày một lớn mạnh, con cháu của dòng họ ngày một thông minh, tài giỏi, đời sống của các thành viên cũng từ đó mà đi lên.
Ông kể, “rừng luồng được trồng từ năm 2007, đó là một diện tích đất rừng chung của toàn dòng họ, không ai được xâm phạm. Cho đến bây giờ thì tổng diện tích khoảng 3ha, mỗi đợt thu hoạch khoảng 1.500 bụi luồng để làm quỹ. Đợt tháng 4 – 2020 vừa qua, chúng tôi vừa tiến hành thu hoạch một đợt, tổng thu về hơn 70 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên được xung vào quỹ để hỗ trợ các cháu có thành tích học tập tốt của dòng họ. Bình quân một năm cũng chi từ 20 – 30 triệu đồng cho các cháu”.
Tính đến thời điểm hiện tại, dòng họ Bùi có tổng số 5 chi với 105 hộ (522 nhân khẩu). Hội viên hội khuyến học của dòng họ cũng được lấy theo hộ, mỗi hộ là một hội viên. Để thuận tiện trong quá trình chăm sóc và bảo vệ, ban cán bộ của rừng luồng cũng được thành lập với các chức vụ: 1 trưởng ban, 1 phó ban, 1 kế toán, tài chính và 5 chi của dòng họ là thành viên ban tổ chức. Tất cả các hoạt động của dòng họ phải được bàn thảo và thống nhất rồi mới tiến hành triển khai.
Quy ước bảo vệ rừng luồng
Người ta trồng luồng để làm kinh tế, nhưng ở đây, mỗi một cây luồng lại chứa đựng được những nét nhân văn cao cả. Theo ông Tâm, việc tạo ra “Rừng luồng khuyến học” đã khó, công tác bảo vệ và chăm sóc để duy trì nó về lâu dài còn khó hơn gấp bội. Vì thế, dòng họ đã có những quy ước chung để mọi thành viên của dòng họ tuân thủ và thực hiện.
Nhật ký dòng họ về Quỹ khuyến học rừng luồng.
“Tất cả các thành viên của dòng họ không được phép sử dụng bất kỳ một cây luồng nào của rừng luồng khuyến học. Mặt khác, phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng luồng. Theo quy định, có tổng số 5 chi, mỗi chi phải có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của chi mình, có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ. Cứ lần lượt theo tháng, luân phiên mỗi chi một lần”. Vị trưởng họ sơ lược qua về quy ước của dòng họ.
Việc trồng luồng không quá khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, để bảo vệ rừng luồng là điều rất quan trọng. Thông thường mỗi một đợt măng lên sẽ kéo dài 3 tháng. Trong 3 tháng này, công tác bảo vệ cũng được quán triệt rất sát sao. Mỗi thành viên của dòng họ phải túc trực, thay phiên nhau bảo vệ toàn bộ diện tích rừng luồng.
Theo quy ước, trong 3 tháng măng lên, 5 chi thành viên của dòng họ sẽ luân phiên nhau canh gác, bảo vệ. Việc trực canh gác này sẽ được thực hiện cả ngày lẫn đêm. “Giả sử có chi 30 người thì sẽ chia làm sao cho đủ 30 ngày, chi nào ít thì chia ít ngày hơn. Vì đây là diện tích rộng, nếu mùa măng mọc không canh gác thì người lạ sẽ bẻ trộm đem bán. Lúc đó rừng luồng sẽ không phát triển được lứa mới. Có thời điểm phải đùm cả cơm nắm vào để canh gác”. Ông tâm bật mí.
Hơn 10 năm qua, rừng luồng khuyến học của dòng họ Bùi ấy vẫn không ngừng phát triển. Nhiều thế hệ học trò của quê hương này đã thành danh và trưởng thành. Nhưng những ký ức về một rừng luồng đáng quý của quê hương vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của những cậu học trò nghèo.
“Cũng như tre, tre già thì măng sẽ mọc. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi đang ở đây để bảo vệ rừng luồng chỉ với một mong muốn, con em của dòng họ rồi mai đây sẽ khác, chúng sẽ có được những điều kiện tốt nhất để theo đuổi những ước mơ của mình. Chúng giống như cây măng đang trổ giữa rừng xanh kia, rồi sẽ lại trở thành những cây luồng xanh tốt” - Trưởng họ Bùi chia sẻ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/rung-luong-khuyen-hoc-o-xu-thanh/124605.htm