Rùng mình hoa đẹp nhờ phun đậm thuốc trừ sâu
Người trồng hoa ven đô lại 'nhắm mắt, liều mình' lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây tác hại tới môi trường.
Độc nhưng “không phun không được”
Theo các chủ vựa hoa lớn tại Hà Nội, việc phun các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu bệnh là khâu quan trọng không thể thiếu khi chăm bón hoa. Trên cánh đồng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), vừa nhanh tay cắt hoa đem bán, chị Hoa nêu vắn tắt quy trình phun thuốc: “Nhiều loại thuốc lắm, không nhớ hết. Ngay từ khi hoa bắt đầu trồng đã phải có thuốc rồi. Đầu tiên là phun thuốc diệt cỏ trước khi trồng hoa, sau đó là phun thuốc định kì từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch”.
Được biết, thời điểm phun thuốc nhiều nhất là trước khi thu hoạch khoảng 1-2 tuần. Đây là lúc hoa đã bắt đầu phát nụ, hé bông, dễ bị sâu bọ tấn công. Theo tính toán của người trồng, mỗi sào hoa phải phun đến 4 bình thuốc trừ sâu bệnh (25 lít/bình). Đáng nói, để tăng mức “đậm đặc”, tiết kiệm thời gian, người dân thường đem trộn lẫn các loại thuốc với nhau.
“Mình đánh thuốc càng đậm hoa càng đẹp! Nếu không phun thuốc hoa sẽ bị mấy con “kin kin” (nấm, sâu bọ, nhền nhện-NV) ăn đen hết lá, làm nhạt cánh hoa, héo lá, hoa hỏng mất giá ngay. Tùy vào thời tiết với sâu bệnh để mình phun, trung bình từ 5-10 ngày phun 1 lần với hoa cúc, còn hoa hồng thì phun nhiều lắm, 1 tuần phải phun đến 2 lần.
6 tháng/lần, quận Bắc từ Liêm (Hà Nội) lại cử cán bộ xuống Tây Tựu phổ biến hỗ trợ kỹ thuật canh tác hoa an toàn. Phương pháp này được cho là sẽ giảm thiểu chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, song chi phí đầu tư ban đầu lại khá cao nên đa phần người dân không áp dụng.
Có khi phun hôm trước hôm sau đã cắt đi bán rồi”, chị Hoa nói tiếp.Nói về liều lượng pha chế thuốc, anh Hùng, một người trồng hoa khác thật thà: “Liều dùng thì cứ theo hướng dẫn của loại thuốc mình mua, nhưng phải tăng lên một chút vì dùng theo hướng dẫn thế sâu bệnh chẳng chết đâu. Thuốc này độc lắm, đi qua ngửi cũng ngại chứ đừng nói trực tiếp phun, có điều làm nghề phải chịu thôi”.
Không giống như trước kia, hiện đất trồng hoa mỗi năm chỉ canh tác được 1-2 vụ. “Chủ yếu là do mình phun thuốc nhiều, đất chai cứng. Phải để đất “nghỉ” một thời gian, sau đó mới trồng tiếp. Nếu mà cố trồng chỉ lỗ nặng, mất cả chì lẫn chài ngay vì chăm kiểu gì hoa cũng không phát triển như bình thường”, anh Hùng lý giải.
Nhà khoa học lo ngại, chính quyền “né” thông tin
Thời điểm hoa chuẩn bị thu hoạch được các hộ dân chăm sóc rất cẩn thận. Theo đó, nhiều loại thuốc được sử dụng như: thuốc đặc trị sâu bu News card 75WP, thuốc bảo vệ thực vật Toplusa 450SC, Emathion 25EC, thuốc Toplusa 450SC; thuốc chống rầy tinomo 100g, thuốc trừ sâu Nugor 40ec, Asimo 10 WP; thuốc kích thích tăng trưởng ATONIK...
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia hóa môi trường, PGS. TS. Trần Hồng Côn cảnh báo: “Việc dùng các loại thuốc hóa học không theo hướng dẫn, tự ý tăng liều lượng thuốc để phun, mà còn phun nhiều là rất nguy hiểm. Điều này gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của những người tiếp xúc trực tiếp với thuốc lẫn nguồn đất, nước và môi trường xung quanh”.
Trước thông tin người dân cắt hoa đem bán khi vừa phun thuốc xong, TS. Trần Hồng Côn khẳng định: Trên thị trường hiện nay chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật nào nằm trong danh mục mới phun cách 1, 2 ngày mà sản phẩm đã có thể đưa đi sử dụng. “Tùy vào loại thuốc nhưng ít nhất phải mất khoảng từ 5-7 ngày mới có thể sử dụng được. Mới phun xong mà đã mang đi bán ngay là rất tai hại, khi thuốc chưa thể phân hủy hết không may hít phải dễ dẫn tới ngộ độc, lâu dài còn là tác nhân gây ung thư.”
Theo ông Côn, để xảy ra thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng “vô tội vạ”, lỗi không chỉ ở người dân mà còn thuộc về những nhà quản lý.Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề trên, đại diện UBND phường Tây Tựu từ chối trả lời với lý do... bận công việc!?