Rùng mình những trường hợp người chết bật cửa nhà xác sống dậy
Mặc dù đã trút hơi thở cuối cùng và được các bác sỹ kết luận tử vong nhưng có không ít những chuyện thật như đùa đã xảy ra: Xác sống dậy, như chưa có chuyện gì xảy ra.
Hàng loạt trường hợp chết đi sống lại khiến bác sĩ giật mình
Vụ việc hi hữu nhưng có thật 100% “xác chết bất ngờ sống lại” vừa xảy ra tại thị trấn Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khiến nhân viên nhà xác hoảng hồn và cả gia đình hoảng sợ.
Theo đó, sau thời gian điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, người đàn ông tên là Huang bị bệnh viện trả về vì "không thể qua khỏi". Vào một buổi sáng, vợ ông Huang đánh thức chồng và phát hiện ông không thở, nằm bất động trên giường. Cho rằng chồng qua đời trong lúc ngủ, người vợ gọi cho dịch vụ tang lễ để chuẩn bị mai táng cho chồng. Tuy nhiên, vài giờ sau đó, khi thay đồ và trang điểm cho thi thể, nhân viên nhà tang lễ phát hiện miệng và ngón tay của ông Huang co lại một chút.
Sau khi kiểm tra và xác nhận ông Huang còn sống, nhà tang lễ lập tức gọi cấp cứu. Tuy nhiên, thời điểm nhóm y tế đến, ông Huang đã trút hơi thở cuối cùng.
Một câu chuyện ghê rợn như trong phim kinh dị cũng vừa xảy ra tại bệnh viện huyện Idukki thuộc bang Kerala, miền nam Ấn Độ khi một người phụ nữ được kết luận là đã chết bất ngờ tỉnh dậy sau một giờ đồng hồ nằm trong phòng lạnh.
Theo đó, người phụ nữ 40 tuổi tên Rathnam đã trải qua 2 tháng điều trị bệnh vàng da tại bệnh viện Madurai. Cơn bạo bệnh đã khiến cho toàn bộ nội tạng của cô bị hoại tử nghiêm trọng. Các bác sĩ lắc đầu tuyên bố bệnh của cô đã vô phương cứu chữa rồi trả nữ bệnh nhân về nhà.
Gia đình đã thuê xe cấp cứu để đón cô về quê tại làng Vandanmed. Trên đường, Rathnam không động đậy cũng như không còn chút biểu hiện sống. Người thân cho rằng cô đã qua đời nên đã đưa thi thể cô tới nhà xác để bảo quản lạnh. Không lâu sau, một vài người nhà của Rathnam tới gần cô để thực hiện nghi lễ cầu siêu của đạo Thiên chúa thì phát hiện cô vẫn còn thở yếu ớt.
Sự việc hi hữu nêu trên không phải dừng lại ở đó, vào tháng 3/2015, một bác sỹ người Đức đã kết luận một cụ bà bệnh nặng tại nhà dưỡng lão đã tử vong, sau khi các điều dưỡng viên kiểm tra phát hiện cụ bà ngừng thở và không bắt được mạch. Thi thể bà cụ được chuyển đến phòng lạnh của nhà tang lễ. Tuy nhiên, đêm hôm đó, nhân viên của nhà tang lễ đã tá hỏa khi phát hiện bà cụ sống lại trong phòng lạnh.
Bác sỹ xác định cụ bà đã tử vong, sau khi tim bệnh nhân ngừng đập và không bắt được mạch. Ảnh: The Journal.
Theo lời nhân viên này, họ nghe thấy một tiếng hét lớn từ phía phòng lạnh. Khi chạy tới kiểm tra, nhân viên này phát hiện bà cụ đã "sống lại".Được biết, 2 ngày sau đó cụ bà kể trên đã qua đời thực sự do bệnh tim, hoàn toàn không liên quan gì đến sự việc trên.
Một người phụ nữ vô danh ở Nam Phi mới đây cũng được cứu thoát khỏi bàn tay của tử thần khi nhân viên nhà xác phát hiện cô này vẫn còn thở mặc dù đã nằm trong tủ lạnh nhiều giờ đồng hồ.Theo đó, người phụ nữ này gặp tai nạn xe hơi. Vụ tai nạn xảy ra bên ngoài thị trấn Carletonville, gần thành phố Johannesburg.
Cú chạm mạnh khiến cho chiếc xe của cô bị lật hoàn toàn, hai trong tổng số ba người ngồi trên chiếc xe được xác định là đã chết. Nữ nạn nhân này cũng được các nhân viên cấp cứu của Công ty xe cứu thương tư nhân Distress Alert cho rằng đã chết, khi họ tuyên bố rằng không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của sự sống.
Nhưng khi một nhân viên nhà xác kiểm tra cơ thể của cô, anh này thấy cô vẫn còn thở. Ngay lập tức, cô được đưa đến một bệnh viện ở phía đông Johannesburg và một cuộc điều tra được mở ra nhằm xác minh vụ việc ngay sau đó.
Gerrit Bradnick, quản lý hoạt động của Distress Alert cho biết, các nhân viên y tế của ông hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt theo các thủ tục mới khẳng định người phụ nữ không còn sống, bao gồm cả việc đo nhịp tim và hơi thở.
Vào năm 2016, một người đàn ông ở KwaMashu được cho là đã chết tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, nhưng ngày hôm sau thì lại được phát hiện vẫn còn hơi thở khi gia đình anh đến nhìn mặt con trai lần cuối. Ngay lập tức, anh này được đưa đến bệnh viện nhưng rồi tắt thở khoảng năm giờ sau đó.
Nhà khoa học nói gì về hiện tượng chết đi sống lại
Cái chết là sự chấm dứt một số quá trình và cơ chế hoạt động khác nhau trong cơ thể, từ nhịp tim cho đến tế bào thần kinh. Khi một số cơ chế đã dừng lại, một số khác vẫn có thể hoạt động. Theo các nhà khoa học, đây là lý do chính khiến một số tình huống liên quan đến chết não trở nên phức tạp và định nghĩa về cái chết không hoàn toàn rõ ràng. Nó có thể được lý giải theo nhiều cách khác nhau, theo văn hóa hoặc dựa trên nền tảng khoa học.
Thông thường, các quá trình dẫn đến cái chết bắt đầu khi tim ngừng đập. Cơ quan trong cơ thể người sử dụng hết lượng oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, trong khi tích tụ cả chất thải độc hại. Quá trình này bắt đầu ở cấp độ tế bào riêng lẻ, mở rộng đến phổi, cơ, thận và cuối cùng là mọi hệ cơ quan. Bộ não đặc biệt nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy, do đó chỉ trong vòng 4-6 phút thiếu oxy, tế bào thần kinh sẽ chết dần.
Một giả thuyết có thể giải thích cho hiện tượng bất ngờ "chết đi sống lại" là quy trình làm lạnh trong nhà xác. Nó có thể làm chậm các quá trình đã đề cập ở trên và tăng khả năng phục hồi nhanh chóng đủ để khiến bệnh nhân tỉnh dậy.
Rất có thể tại thời điểm bác sĩ kiểm tra, những bệnh nhân này rơi vào trạng thái vô thức hoặc mạch đập cực yếu nên được xác định là đã chết. Theo giáo sư thần kinh học Stephan Mayer của Đại học Columbia, Mỹ, khi tim ngừng đập, quá trình chết chỉ đang bắt đầu. Tổn thương não do thiếu oxy sẽ xuất hiện theo giai đoạn.
Giáo sư Lance Becker của Đại học Pennsylvania cho rằng khi cơ thể không có oxy, toàn bộ tín hiệu sẽ truyền thông tin đến các tế bào rằng đã đến lúc bệnh nhân ra đi. Tuy nhiên, cơ hội "hãm phanh" có thể xảy ra ở bệnh nhân ít hoặc không tổn thương não nhờ tình trạng hạ thân nhiệt. Đây là trạng thái mà nhiệt độ cơ thể giảm thấp hơn một vài độ so với thân nhiệt trung bình 37 độ C.
Nếu nhiệt độ giảm, não sẽ cần ít oxy và năng lượng cần thiết hơn. Trong phẫu thuật não, bộ não có thể được bảo vệ bằng cách làm lạnh bệnh nhân trong khi họ ngủ bằng phương pháp gây mê.
Để xác định tim còn đập hay không, nhân viên y tế có thể kiểm tra mạch đập ở cổ tay hoặc động mạch cảnh ở trước cổ. Kiểm tra bằng chứng hô hấp, mắt và phản ứng với ánh sáng cũng có thể cung cấp thông tin quan trọng về khả năng sống sót của bệnh nhân.