Rùng mình với những 'cỗ quan tài nổi' vượt biển Địa Trung Hải
Đó là những con tàu cá chở quá tải, nhồi nhét người lênh đênh trên biển Địa Trung Hải với hy vọng một ngày có thể may mắn cập bến châu Âu.
"Những cỗ quan tài nổi"
Một trong số đó là tàu cá chở quá tải, chìm ngoài khơi thị trấn Pylos, miền Nam Hy Lạp vào sáng sớm 14/6. Đến thời điểm này, giới chức Hy Lạp xác nhận có 78 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Cảnh sát Hy Lạp lo ngại có khoảng 500 người vẫn mất tích vì một số người sống sót sau thảm kịch cho biết, có khoảng 100 trẻ em bị nhồi dưới hầm tàu.
Theo thông tin mới nhất, ngày 15/6, hãng truyền thông Skai TV dẫn lời giới chức Hy Lạp cho hay đã có 9 nghi phạm buôn người trong vụ việc này bị bắt giữ. Tất cả đều là nam giới gốc Ai Cập.
Theo hãng tin Guardian, nhóm nghi phạm này đối mặt với các cáo buộc giết người hàng loạt.
Hãng Guardian dẫn một số nguồn tin thuộc Chính phủ Hy Lạp cho biết, hoạt động tìm kiếm cứu hộ sẽ được tiếp tục cho tới ít nhất sáng 16/6. Tuy nhiên, cơ hội trục vớt con tàu là rất thấp vì khu vực xảy ra tai nạn nằm trong vùng biển quốc tế có mực nước sâu.
Đánh giá về cơ hội tìm thấy người sống sót, ông Nikos Spanos - cựu Đô đốc thuộc lực lượng tuần duyên Hy Lạp, cho biết: “Chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp tàu cá cũ như thế này tìm cách vượt Địa Trung Hải từ Libya. Những con tàu này hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn đi biển mà chẳng khác nào những cỗ quan tài nổi”, ông Spanos nói.
Cũng theo Guardian, giới chức Hy Lạp đã giải cứu 104 người trong vụ đắm tàu. Tất cả đều là nam giới trong độ tuổi 16 - 40.
Phó thị trưởng TP Kalamata - ông Giorgos Farvas cho biết những người này tới từ Afghanistan, Pakistan, Syria và Ai Cập. Nhiều người bị sốc tâm lý và kiệt sức. Khoảng 30 người đã được điều trị tại bệnh viện do viêm phổi và kiệt sức nhưng không gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Quyền Bộ trưởng Di cư Hy Lạp Daniel Esdras cho biết, quốc gia này sẽ xem xét yêu cầu tị nạn của những người sống sót nhưng những người không thuộc diện được bảo hộ sẽ buộc phải về nước.
Tranh cãi về trách nhiệm
Theo hãng tin Guardian, giới chức Hy Lạp đã bị chỉ trích vì không hành động kịp thời để giải cứu người di cư trong vụ đắm tàu ngày 14/6.
Trong khi một số nhà hoạt động về vấn đề người di cư cho biết, họ nhận được rất nhiều cuộc gọi khẩn cấp từ con tàu vào thời điểm tai nạn xảy ra, các quan chức Hy Lạp lại khẳng định con tàu đã nhiều lần từ chối đề nghị giúp đỡ và khăng khăng tiếp tục hành trình tới Italy.
Lực lượng tuần duyên Hy Lạp cho biết, họ nhận được thông báo về tàu chở người di cư ở vùng biển ngoài khơi nước này vào sáng 13/6. Sau đó, các quan chức thuộc cơ quan tìm kiếm cứu hộ của Hy Lạp đã liên lạc với một số người có mặt trên tàu bằng điện thoại vệ tinh.
Những người này cho biết, hành khách trên tàu rất cần thực phẩm, nước uống nhưng vẫn muốn tiếp tục hành trình tới Italy.
Ông Nikos Alexiou - phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Hy Lạp cho biết: “Chúng tôi đã theo sát đề phòng trường hợp họ cần hỗ trợ nhưng họ đã từ chối”.
Một số tàu buôn gần đó đã tiếp tế thực phẩm, nước uống và theo dõi tàu cá cho tới sáng sớm ngày 14/6. Đến lúc đó, một người trên tàu dùng điện thoại vệ tinh báo cáo động cơ gặp trục trặc. Khoảng 40 phút sau, con tàu bắt đầu rung lắc dữ dội rồi chìm xuống biển.
Liên quan tới sự việc này, đêm 15/6, hàng nghìn người biểu tình đã tham gia mít tinh tại Thủ đô Athens và TP Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp, kêu gọi Liên minh châu Âu nới lỏng các chính sách về nhập cư và tị nạn nhằm ngăn chặn thảm kịch tái diễn. Một nhóm người biểu tình tại Thủ đô Athens đã ném bom xăng vào cảnh sát, khiến lực lượng chức năng phải sử dụng hơi cay để trấn áp.
Trong chuyến thăm TP Kalamata ngày 15/6, cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đưa ra quan điểm: “Chính sách di cư mà châu Âu thực hiện trong nhiều năm qua đã biến Địa Trung Hải và một số vùng biển khác thành những nấm mồ dưới nước”.
Dự án Người di cư mất tích của Liên hợp quốc đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp tử vong và mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014, khiến đây trở thành một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.