Dựa trên thí nghiệm "Con chó của Pavlov" do nhà tâm lý học người Nga Ivan Pavlov tiến hành trên loài chó để xây dựng định luật cơ bản về hiện tượng phản xạ có điều kiện của động vật, nhà tâm lý học hành vi John B. Watson đã thực hiện thí nghiệm "Albert bé nhỏ" để chứng minh phản xạ (cảm xúc) có điều kiện cũng có thể xảy ra ở con người
Thí nghiệm tiến hành vào năm 1920 trên một đứa trẻ 9 tháng tuổi có tên Albert. Watson đã cho cậu bé tiếp xúc với một loạt tác nhân kích thích: Một con chuột trắng, một con thỏ, một con khỉ, những chiếc mặt nạ và những tờ báo đang cháy. Ban đầu, Albert không hề tỏ ra sợ hãi những tác nhân này
Lần tiếp theo, khi Albert được cho tiếp xúc với một con chuột thì Watson lấy một cái búa đập xuống ống kim loại tạo ra một âm thanh chói tai. Đương nhiên, cậu bé òa khóc khi nghe thấy tiếng động lớn. Sau khi hành động này được lặp lại nhiều lần thì chỉ cần nhìn thấy con chuột là Albert đã bật khóc
Watson cũng tạo ra phản xạ có điều kiện tương tự với các động vật, vật thể còn lại cho đến khi Albert sợ tất cả, điều này chứng minh sự hiện diện điều kiện hóa cổ điển ở con người
Thí nghiệm "Albert bé nhỏ" của John B. Watson gây nên nhiều tranh cãi và chỉ trích. Đầu tiên, thiết kế thí nghiệm và quy trình không được xây dựng một cách cẩn thận. Nhà khoa học đã không đánh giá phản ứng của Albert một cách khách quan và thay vào đó là dựa trên những diễn giải chủ quan của riêng mình
Thứ hai, thí nghiệm vi phạm chuẩn mực đạo đức khi khiến Albert phải chịu những tổn thương tâm lý và thể xác khi cậu còn quá nhỏ. Thậm chí, thí nghiệm có thể khiến cậu bé phải gánh chịu những nỗi sợ hãi vô lý suốt đời
Tuy nhiên, điều gì đã xảy ra tiếp theo với Albert thì mãi là một ẩn số. Bởi, nhà khoa học Watson đã không thể loại bỏ được nỗi sợ hãi có điều kiện của cậu bé vì Albert đã chuyển đi cùng mẹ ngay sau khi thí nghiệm kết thúc
Ngày 22-8-1965, Bruce Reimer chào đời cùng người anh song sinh của mình là Brian Reimer tại Canada. Đến năm 1966, bác sĩ chẩn đoán Bruce mắc chứng hẹp bao quy đầu và phải tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, ca phẫu thuật thất bại khiến cậu mất đi dương vật
Lo lắng cho tương lai của Bruce, cha mẹ cậu đến gặp nhà tâm lý học John Money - người tiên phong trong lĩnh vực phát triển giới tính và bản sắc giới - để tìm giải pháp. Money đã đề xuất việc chuyển đổi giới tính cho cậu bé
Ban đầu, bố mẹ cậu phản đối nhưng sau cùng cũng đồng ý. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng Money đã nhân cơ hội này để biến Bruce thành một phần trong thí nghiệm của ông nhằm chứng tỏ quan điểm giới tính không phải bẩm sinh mà quyết định bởi nuôi dưỡng, giáo dục
Sau đó, Bruce được đổi tên thành Brenda, phẫu thuật để có âm đạo và bổ sung thêm hoocmon nữ. Gia đình cậu phải giữ bí mật về điều này và nuôi nấng Bruce như một bé gái bình thường
Mỗi năm, cha mẹ của cậu phải đưa cặp song sinh đến gặp tiến sĩ John Money để kiểm tra và đánh giá. Trong báo cáo của mình, Money mô tả quá trình chuyển đổi của Bruce/Brenda là một ca thành công và tuyên bố rằng hành vi nữ tính của Bruce đối lập hoàn toàn với sự nam tính của anh trai
Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Khi sống với thân phận Brenda, Bruce vẫn có những hành động như một bé trai, cảm xúc thì trở nên bất ổn dẫn đến trầm cảm. Đối diện với sự đau khổ của con mình, gia đình đã quyết định nói ra sự thật vào năm Brenda 14 tuổi. Sau đó, Brenda chuyển giới về nam và đổi tên thành David
Cuộc đời của David về sau không được suôn sẻ. Mối quan hệ với cha mẹ không mấy tốt đẹp, người anh song sinh chết do sử dụng thuốc trầm cảm quá liều. Bản thân anh lại thất nghiệp, hôn nhân tan vỡ. Đến ngày 4-5-2004, ở tuổi 38 tuổi, David tự bắn vào đầu, kết thúc cuộc đời đầy biến cố của mình
Liên quan tới giới tính, những thử nghiệm tâm lý chữa "bệnh" đồng tính ở thế kỷ 19 cũng gây nhiều tranh luận. Thời điểm đó, đồng tính luyến ái bị coi là bệnh tâm thần và nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách điều trị
Một trong những hình thức chữa trị gây tranh cãi nhất là "liệu pháp ác cảm". Ý tưởng tiền đề là nếu để người thuộc cộng đồng LGBT trở nên chán ghét xu hướng tình dục của mình, họ sẽ không còn có ham muốn với người đồng giới
Theo đó, những người tham gia vừa phải xem hình ảnh về đồng tính vừa bị giật điện hoặc tiêm thuốc để gây nôn mửa. Những hành động đó nhằm mục đích bệnh nhân sẽ gắn liền đồng tính với nỗi đau đớn, kinh tởm. Tuy nhiên, thay vì “chữa” đồng tính, thí nghiệm chỉ khiến người tham gia bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng
Năm 1971, dưới sự tài trợ của Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ, giáo sư tâm lý học Philip Zimbardo đã tiến hành thí nghiệm "Nhà tù Stanford" nhằm trả lời câu hỏi: Sự tàn bạo là do bản tính con người hay do môi trường. Đồng thời, cuộc thử nghiệm cũng nhằm tìm hiểu tác động của quyền lực tới con người
Theo đó, các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm sẽ chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm là "cai ngục" và "tù nhân". Hai nhóm đối tượng này sẽ cùng được đưa đến một môi trường nhà tù mô phỏng. Các tình huống sau đó được đưa ra như tù nhân nổi loạn, có ý định đào tẩu... còn các cai ngục thì phải xây dựng hệ thống các phần thưởng và hình phạt để quản lý tù nhân
Trong quá trình thí nghiệm, một số cai ngục trở nên tàn nhẫn và chuyên chế, trong khi một số tù nhân bị sang chấn tâm lý nặng. Họ đã nhập vai quá sâu đến mức ngỡ mình chính là "cai ngục" hoặc "tù nhân" thật sự
Thí nghiệm dự định diễn ra trong hai tuần, nhưng vào ngày thứ sáu đã chấm dứt do sự ngược đãi tù nhân tăng cao đến mức báo động. Zimbardo sau đó tuyên bố "những áp lực xã hội và sự ngẫu nhiên mang tính hoàn cảnh" khiến những người đóng vai "cai ngục" cư xử tồi tệ
Dù củng cổ cho một điều là hành vi chịu tác động của hoàn cảnh hơn là do tính cách bẩm sinh, tuy nhiên thí nghiệm "Nhà tù Stanford" nhận về nhiều phê phán vì phương pháp và đạo đức
Như Quỳnh