Rừng ngập mặn tạo sinh kế cho nhiều người dân địa phương

Ngoài vai trò chắn sóng gió, những khu rừng ngập mặn ven biển còn góp phần bảo vệ đê điều, khu sản xuất, khu dân cư ven biển. Hiện nay trên địa bàn các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn có nhiều diện tích rừng ngập mặn được chăm sóc và bảo vệ tốt, còn mang lại sinh kế cho người dân địa phương.

Rừng ngập mặn chạy dọc sông Lạch Trường, đoạn qua xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) với sinh khối lớn. Đây là điểm đầu của cánh rừng lớn bậc nhất tỉnh hiện nay, kéo dài từ Hòa Lộc, đến Hải Lộc, Minh Lộc. Ngoài ra, trê địa bàn huyện Hậu Lộc còn cánh rừng ngập mặn ven biển hàng trăm héc - ta tại xã Đa Lộc.

Hàng triệu triệu cây bần chua, sú, vẹt đã che chở, tạo thành “ngôi nhà” cho các loài thủy sinh như cáy, cua... sinh sống.

Những khu rừng ngập mặn đã trở thành nơi bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi mưu sinh, tạo sinh kế cho nhiều người dân địa phương.

Ốc dùi nước lợ nằm dày đặc dưới lớp bùn lầy các khu rừng ngập mặn, giúp nhiều người dân có việc làm nhờ hoạt động khai thác.

Bên phía huyện Nga Sơn, một khu rừng ngập mặn với sự đa dạng sinh học cao, chạy dài khoảng 5 km dọc các xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thái và Nga Thủy. “Bức tường xanh” nơi cửa biển này được trồng từ những năm 1995-1996 theo chương trình tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đến những năm 2005-2006, rừng tiếp tục được trồng xen và mở rộng bởi dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng của Chính phủ. Riêng xã Nga Thủy có diện tích rừng lớn nhất với 290 ha.

Hằng ngày, có nhiều phụ nữ ở các xã Nga Liên, Nga Thủy, Nga Tân... đến đây khai thác cá kèo, cua bấy...

Cua bấy từ rừng ngập mặn Nga Sơn trở thành món ăn dân dã được nhiều người ưa thích.

Nhiều phụ nữ địa phương có thu nhập từ 200 đến 300 nghìn đồng mỗi buổi lao động dưới tán rừng.

Cua tự nhiên được khai thác trong rừng ngập mặn Nga Sơn.

Ngao đất có nhiều trong các khu rừng ngập mặn Nga Sơn và Hậu Lộc.

Nhiều người khai thác bán được sản phẩm tự khai thác ngay ven rừng.

Thành quả sau nhiều giờ lao động của một phụ nữ xã Nga Liên.

Từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, các loài hoa rừng ngập mặn đua nở, thuận lợi cho hoạt động nuôi ong mật. Hàng chục nghìn đàn ong của người dân các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc được phát triển ven rừng để tận dụng nguồn nhụy hoa khổng lồ này.

Có gia đình ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) phát triển đến 500 đàn ong ven rừng ngập mặn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/rung-ngap-man-tao-sinh-ke-cho-nhieu-nguoi-dan-dia-phuong/20372.htm