Rừng ở bán đảo Cà Mau - Bài 1: Vườn quốc gia tầm cỡ quốc tế
Trong các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau, Kiên Giang và Cà Mau là hai địa phương có những Vườn quốc gia tầm cỡ quốc tế.
Bán đảo Cà Mau là vùng đất cực nam ĐBSCL. Bán đảo này gồm: thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang. Diện tích bán đảo Cà Mau khoảng 16.000km2.
Đây là vùng đất có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất nước, tiêu biểu nhất trong số đó là rừng U Minh ở tây bắc Cà Mau và tây nam Kiên Giang, vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Tuy nhiên, từ năm 1979 đến nay, diện tích rừng ngập mặn có thể đã giảm tới 74%, chủ yếu do các hoạt động phá rừng để phát triển các trại nuôi thủy sản.
Rừng U Minh Thượng là rừng úng phèn, vốn được người bản địa đặt tên từ lâu đời là "Hồ rừng". Rừng tập trung ở phía tây bán đảo Cà Mau, tiếp giáp với dải rừng ngập mặn ven biển vịnh Thái Lan, trên địa bàn hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Diện tích rừng U Minh vào những năm trước 1950 khoảng 400.000ha, đến năm 1970 còn gần 200.000ha và ở thời điểm 1990 chỉ còn khoảng 100.000ha. U Minh là kiểu rừng đặc thù được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới.
Ngày nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng đang được đầu tư, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn các nguồn giống, gien sinh học quý hiếm, đồng thời thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và truyền thống.
Vườn quốc gia U Minh Thượng cách TP.Rạch Giá hơn 60km, ở phía tây nam. Đây là một trong 3 khu vực được bảo tồn của Khu bảo tồn sinh quyển thế giới ở tỉnh Kiên Giang. Vườn quốc gia U Minh Thượng được thành lập theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 14.1.2002 của Thủ tướng Chính phủ.
U Minh Thượng là vùng rừng ngập nước phèn đặc biệt ở Việt Nam, thậm chí còn được công nhận vào danh sách các loại rừng độc đáo và quý hiếm trên thế giới. Vườn quốc gia U Minh Thượng được bao bọc bởi hệ thống đê bao khép kín có chiều dài 60km, với 21.122ha thuộc diện tích tại các xã An Minh, Minh Thuận Bắc (huyện U Minh Thượng)... Trong đó 8.053ha vùng lõi và 13.069ha vùng đệm.
Nằm ở cực nam của đất nước, tỉnh Cà Mau có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 143.683ha, trong đó diện tích rừng tạp 94.081ha. Tại Cà Mau Vườn quốc gia mũi Cà Mau là vùng trọng điểm của “Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Cà Mau”. Đây là vườn quốc có ý nghĩa chính trị, quốc phòng to lớn. Đồng thời, đây cũng là nơi bảo tồn nguồn gien, bảo vệ các hệ sinh thái đa dạng với hơn 400 loài, trong đó có hơn 40 loài quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng như rái cá, mèo cá, trăn gấm.
Vườn quốc gia mũi Cà Mau một trong khu RAMSAR (đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới) của Việt Nam. Vườn quốc gia này thành lập năm 2003 với diện tích 41.862ha. Trong đó 15.262ha là đất liền, còn lại 26.600ha vùng bờ biển và các bãi bồi, không chỉ là khu dự trữ sinh quyển thứ 5 ở Việt Nam được UNESCO công nhận cho đến hiện tại mà còn là khu dự trữ lớn thứ 2 trong tổng số 8 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam.
Hoạt động khoanh nuôi, trồng rừng tại Vườn quốc gia mũi Cà Mau giúp biến các khu vực bãi bồi rộng lớn thành rừng ngập mặn và dần dần sẽ trở thành đất liền, giúp đẩy lùi nước mặn ra biển. Năm 2020, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đã đạt mức kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong khu vực. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng xâm nhập mặn này, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết trước đây diện tích rừng U Minh rất lớn, khoảng 400.000ha, tuy nhiên, đến năm 1990 diện tích rừng U Minh giảm chỉ còn khoảng 100.000ha. Trước thực trạng khai thác quá đà của con người nuôi thủy sản, trong các năm qua tỉnh Cà Mau tăng cường công tác trồng cây gây rừng.
Chương trình Trồng rừng Cà Mau, gọi chính xác là khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng Cà Mau nhằm tăng diện tích rừng, đẩy đất liền ra biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, tăng khả năng chắn sóng bảo vệ bờ biển, và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng. Nơi đây cũng là nơi nuôi dưỡng ấu trùng thủy hải sản, tạo môi trường sống cho nhiều loài quý hiếm, phát huy các giá trị giáo dục, nghỉ dưỡng và khoa học của khu rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, theo quyết định được UBND tỉnh ban hành, trong giai đoạn 2021-2025, Cà Mau đầu tư 2.014 tỉ đồng để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 220 tỉ đồng, vốn đầu tư phát triển 144 tỉ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 76 tỉ đồng, còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chương trình nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ban theo Quyết định số 809/QĐ-TTg (ngày 12/7/2022) về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, nhằm quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025.