Rừng phòng hộ đang kêu cứu

Vài tháng nay, hơn 1,5ha rừng phòng hộ ven biển ở xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) bị xuống lá và chết khô, nhiều người dân lo lắng nếu tình trạng nắng nóng và thiếu nước kéo dài sẽ không thể cứu vãn được diện tích rừng đang bị ảnh hưởng. Hiện nay, UBND TX. Vĩnh Châu và ngành chức năng đã nghiên cứu nhiều giải pháp để cứu rừng...

Xót xa khi rừng phòng hộ đang chết dần

Với chức năng phòng hộ, chắn sóng và tích tụ phù sa, nhiều năm qua, rừng ngập mặn ven biển ở xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) đã phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác động do biến đổi khí hậu gây ra và góp phần tạo sinh kế cho người dân vùng ven biển. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, khoảng 1,5ha rừng (thuộc khu rừng do UBND TX. Vĩnh Châu quản lý) đang dần chết khô. Ngoài ra, một phần diện tích rừng thuộc khu vực do Chi cục Kiểm lâm quản lý đang trong tình trạng chết cục bộ và đang thống kê lại diện tích.

Chứng kiến rừng phòng hộ bị chết khô, nhiều cụ cao niên gắn bó với rừng không khỏi xót xa. Ảnh: Quốc Kha

Chứng kiến rừng phòng hộ bị chết khô, nhiều cụ cao niên gắn bó với rừng không khỏi xót xa. Ảnh: Quốc Kha

Nhiều người dân gắn bó, sinh sống lâu năm nơi đây không khỏi xót xa khi phải chứng kiến hiện tượng này. Ông Đinh Văn Hoàng ở xã Vĩnh Hải - Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng cho biết: “Trước đây, khu rừng hơn 10 năm tuổi này lúc nào cũng có nước. Khi chúng tôi vào rừng, mực nước lúc thấp nhất cũng từ mắt cá chân, cao thì đến đầu gối. Nhờ vậy mà rừng phát triển tốt và là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản, bà con sinh sống quanh đây cũng vào rừng khai thác để phát triển sinh kế. Thế nhưng hiện nay, một phần khu rừng thiếu nước đã lâu, rễ cây trong rừng đã mục, nhiều cây xuống lá và chết khô, thủy sản cũng không còn”.

Theo nhiều người dân địa phương, thời gian trước, 2 khu rừng trên phát triển tốt do có nước dẫn lên thông qua rạch Hồ Bể - Giồng Chùa và cống Năm Đoàn. Từ khi đơn vị thi công công trình nâng cấp đê biển đắp con đập ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa và xây dựng lại cống Năm Đoàn đến nay đã làm nước từ biển không vô được, nước chủ yếu được dẫn lên từ sông Mỹ Thanh thông qua kênh Giồng Chùa nhưng không đủ để nuôi rừng.

Khu vực con rạch Hồ Bể - Giồng Chùa bị đắp để thi công công trình nâng cấp đê biển. Ảnh: Quốc Kha

Khu vực con rạch Hồ Bể - Giồng Chùa bị đắp để thi công công trình nâng cấp đê biển. Ảnh: Quốc Kha

Ông Lâm Minh Hải - Bí thư Chi bộ ấp Giồng Nổi kiêm thành viên của Tổ Quản lý rừng cho rằng: “Sau khi đơn vị thi công đê biển đắp con đập để chắn ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa tới nay làm nguồn nước không đủ cung cấp cho rừng thì các loại cây như: đước, mắm và nhiều cây tạp khác dần thiếu nước và chết. Mong sao trời mưa sớm chứ nắng thế này thì thiệt hại sẽ ngày càng nặng thêm. Chúng tôi mong chính quyền địa phương có giải pháp xem xét mở con đập cứu rừng”.

Theo lực lượng kiểm lâm địa phương, trước đây ở Vĩnh Châu, rừng ngập mặn không có nguy cơ cháy nên không làm phương án phòng cháy chữa cháy như rừng sản xuất, nhưng hiện nay nguy cơ cháy đang hiện hữu. Anh Võ Văn Tường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Vĩnh Châu cho biết: “Nếu không có giải pháp cứu rừng ngay thì ngoài diện tích rừng chết hiện tại, thời gian tới sẽ lan ra thêm. Đặc biệt là, một phần diện tích rừng bị chết thuộc khu vực kiểm lâm quản lý có lớp thực bì dày và đang trong mùa nắng hạn thì có nguy cơ cháy cao. Hiện tại, lực lượng kiểm lâm đã phổ biến cho tổ bảo vệ rừng để tuần tra hàng ngày, nhắc nhở người dân không sử dụng lửa trong rừng”.

Lực lượng kiểm lâm Vĩnh Châu và thành viên tổ bảo vệ rừng khảo sát diện tích rừng bị chết. Ảnh: Quốc Kha

Lực lượng kiểm lâm Vĩnh Châu và thành viên tổ bảo vệ rừng khảo sát diện tích rừng bị chết. Ảnh: Quốc Kha

Xác định nguyên nhân để cứu rừng

Trước tình hình trên, lực lượng kiểm lâm tại TX. Vĩnh Châu đã phối hợp với các ngành chức năng thị xã khảo sát hiện trường và xác định nguyên nhân để có giải pháp cứu rừng kịp thời. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu và đánh giá của ngành chức năng, diện tích rừng chết hiện tại do đang mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài, không có mưa và nước từ rạch Hồ Bể - Giồng Chùa đưa lên không tới làm cho vùng đất gò cao ở khu rừng khô nhanh, một số rừng già không đủ sức chịu đựng nên chết dần. Ngoài nguyên nhân này, ngành chức năng cũng ghi nhận ý kiến từ người dân không loại trừ là do đắp đập ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa gây ra tình trạng thiếu nước.

UBND TX. Vĩnh Châu họp với ngành chuyên môn bàn giải pháp cứu rừng phòng hộ. Ảnh: Quốc Kha

UBND TX. Vĩnh Châu họp với ngành chuyên môn bàn giải pháp cứu rừng phòng hộ. Ảnh: Quốc Kha

Theo Chủ tịch UBND TX. Vĩnh Châu Trần Hoàng Thắng, rừng là nguồn tài nguyên quý nên khi nhận được thông tin rừng bị chết, UBND TX. Châu đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tìm hiểu nguyên nhân. Qua cuộc họp với ngành chuyên môn để xác định các nguyên nhân gây chết rừng và đưa ra các giải pháp tình thế, căn cơ để cứu rừng. Về ý kiến của người dân là do đắp đập ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa, UBND thị xã ghi nhận và tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh để nghiên cứu, đánh giá và có báo cáo đề xuất.

Về những giải pháp để cứu rừng phòng hộ, đồng chí Trần Hoàng Thắng cho biết thêm: “Trước mắt, thị xã sẽ dẫn nước từ cống 16 để tăng thêm nguồn nước vào rừng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn cho biết sẽ khảo sát thực tế để có kế hoạch, biện pháp nạo vét, đào thêm một số kênh trong hệ thống thủy lợi để tăng thêm nguồn nước cứu rừng. Chúng tôi cũng nghiên cứu để lấy nước ở cống khác nhằm đủ thủy lực cung cấp cho rừng phòng hộ. Về lâu dài, nếu rừng còn thiếu nước, thị xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu đào thêm kênh dẫn nước”.

Quốc Kha

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/rung-phong-ho-dang-keu-cuu-37040.html