Rừng phòng hộ ven biển mới trồng ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng do khai thác nghêu, sò huyết giống
Dưới ảnh hưởng ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu, qua từng năm, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã bị xói lở nghiêm trọng. Đặc biệt, những năm gần đây, tình trạng khai thác nghêu giống, sò huyết giống tại các bãi bồi, khu vực có diện tích rừng phòng hộ mới trồng, đã khiến diện tích rừng bị thiệt hại nặng nề.
Ghi nhận tại các địa phương trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu như: Lạc Hòa, Vĩnh Hải, Phường 2... dễ dàng nhận thấy, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí đến cả trăm phương tiện tập trung khai thác tại các bãi nghêu và sò huyết giống. Nhiều người còn vào tận phía trong của dải rừng phòng hộ mới được trồng, chỉ khoảng 1 năm tuổi, để cào bắt nghêu, sò huyết giống... bằng nhiều hình thức từ đánh bắt thô sơ đến sử dụng động cơ có công suất lớn. Việc làm này dẫn đến hậu quả là tại những dải rừng còn non tuổi, nhiều cây đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt đã bật gốc, diện tích rừng bị phá hủy ngày càng tăng dần.
Theo chia sẻ của các hộ dân khai thác nghêu giống trên địa phận phường Vĩnh Hải, Lạc Hòa, ngư dân địa phương thường dùng dụng cụ thô sơ nên chỉ có thể đánh bắt nghêu, sò huyết giống ở phía ngoài dải rừng phòng hộ. Để đánh bắt sò huyết giống ở phía trong dải rừng phòng hộ mới trồng khoảng 1 năm tuổi phải có phương tiện cơ giới lớn. Khu vực này chủ yếu do người ngoài tỉnh đến đánh bắt, họ sục tới đâu, rừng non bị ảnh hưởng tới đó.
Ông Võ Văn Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, người dân bắt đầu khai thác nghêu từ cuối tuần trước. Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện một số phương tiện đã vào trong khu vực rừng phòng hộ để khai thác. Theo ông Võ Văn Tường, nếu những phương tiện này vào phía trong khu vực rừng non mới trồng khoảng 1 năm tuổi để khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến rừng. Nguyên nhân là do người dân sử dụng những phương tiện có công suất lớn hút bùn với cường độ mạnh và sâu; trong khi đó những cánh rừng phòng hộ mới trồng nên cây còn non, bộ rễ yếu... sẽ làm bong tróc rễ.
Mùa nghêu, sò huyết giống trên địa bàn thị xã ven biển Vĩnh Châu thường bắt đầu từ khoảng tháng 5,6 đến tháng 8,9 hằng năm. Những người khai thác nghêu, sò huyết giống nơi đây thường khai thác bằng phương tiện thủ công khi thủy triều xuống. Khi thủy triều lên, người khai thác phải sử dụng máy hút công suất lớn hoặc dùng ghe cào trực tiếp.
Sóc Trăng đã xây dựng nhiều công trình để giảm thiểu sức tác động của sóng biển, góp phần bảo vệ bờ biển, rừng và đời sống của người dân vùng ven biển. Cùng với các công trình được thực hiện, tỉnh Sóc Trăng còn kết hợp các giải pháp như: trồng mới rừng, triển khai mô hình đồng quản lý (người dân ký kết với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm cùng quản lý bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên từ rừng), xây dựng hàng rào chữ T để giữ đất bãi bồi cho rừng non phát triển…
Ông Trương Văn Mưa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nhiều khu vực rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Sóc Trăng là rừng được trồng mới. Hiện nay, đang trong mùa khai thác nghêu, sò huyết giống, người dân địa phương và cả nơi khác đến khai thác rất đông gây ảnh hưởng đến các khu vực rừng phòng hộ mới trồng. Để bảo vệ rừng, những ngày qua, lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan xuống các bãi khai thác để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở trực tiếp người dân hạn chế và không khai thác nghêu trong khu vực rừng phòng hộ; đặc biệt là rừng vừa trồng mới.
Ông Trương Văn Mưa chia sẻ: "Qua khảo sát thực tế, nhiều phương tiện khai thác nghêu, sò huyết trong khu vực rừng phòng hộ bằng các phương tiện có công suất lớn. Lực lượng Kiểm lâm chưa có phương tiện để bám sát và ngăn chặn các phương tiện khai thác mang tính tận diện này".
Thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng sẽ tiến hành rà soát những hộ trên địa bàn có phương tiện cào, bắt nghêu giống; đề nghị ngư dân cam kết khi khai thác đánh bắt thủy, hải sản không làm ảnh hưởng đến khu vực có rừng phòng hộ mới trồng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phát huy hiệu quả đối với bà con ngư dân tại địa phương. Những ngư dân từ tỉnh ngoài đến khai thác thường sử dụng phương tiện có công suất lớn, khai thác lén lút, không theo khung giờ nhất định gây khó khăn cho lực lượng Kiểm lâm địa phương trong việc tuyên truyền, tuần tra, quản lý bảo vệ rừng.