Rùng rợn thị trấn mà số ngôi mộ còn nhiều hơn số người còn sống
Nhiều người đã gọi đây là thị trấn không thể trốn thoát khỏi cái chết, nếu tiếp tục ở lại. Hiện nay, số ngôi mộ trong nghĩa trang còn nhiều hơn số người còn sống.
Centralia là một thị trấn nhỏ ở Mỹ, cách Philadelphia, thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania 185km. Trước đây, nó từng rất sầm uất vì là thị trấn khai thác mỏ than, với hơn 1.000 cư dân. Ngày nay, Centralia là nhà của khoảng 10 người, những người luôn từ chối chuyển đi. Thậm chí, số ngôi mộ trong nghĩa trang còn nhiều hơn số người còn sống.
Du khách đến với Centralia thường e dè với những con đường nứt toác, khói bốc lên và phía dưới đỏ rực màu lửa. Nhiều ngôi nhà ở đây đã bị bỏ hoang, nhiều con đường chằng chịt nét vẽ graffiti như một lời cảnh báo du khách rằng, bạn sẽ bị nuốt chửng vào lòng đất, do lửa cháy ngầm phía dưới và đất có thể sụp xuống bất kỳ lúc nào.
Do vậy, nhiều người đã gọi Centralia là thị trấn không ai có thể trốn thoát nếu còn tiếp tục sống ở đây. Họ không biết lúc nào nền đất có thể sụp xuống và những chiếc hố sâu, nóng bỏng, đầy khói sẽ nuốt chửng họ.
Vào ngày Valentine năm 1981, Todd Domboski khi đó 12 tuổi, bị sụt xuống một chiếc hố sâu 40m khi đang ở nhà bà ngoại. Chú bé Todd ngày đó thoát chết nhờ bám vào rễ cây, và chờ đợi anh em họ đến cứu.
Được biết, thị trấn Centralia bắt đầu bốc cháy từ năm 1962. Cách ngọn lửa bùng lên vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng các nhà hoa học có thể giải thích tại sao ngọn lửa vẫn cháy liên tục.Centralia nằm trên một số mỏ than đá lớn nhất thế giới. Đây từng là phát hiện may mắn cho thị trấn ở thế kỷ 19 bởi than đá là một trong những nguồn năng lượng chính, cung cấp chất đốt cho cuộc Cách mạng Công nghiệp.
Vào những năm 1800, các thợ mỏ ở Centralia mở những đường hầm dưới đất bằng cách nổ mìn để khai thác than đá, nhưng vào giữa thế kỷ 20, nhiều khu mỏ bị bỏ hoang. Không ai biết chính xác ngọn lửa ở Centralia bốc lên như thế nào, nhưng giả thuyết lớn nhất là việc đốt rác ở một bãi rác gần đó vô tình đốt cháy than đá bên dưới lối vào khu mỏ. Sau đó, ngọn lửa lan rộng theo đường hầm xuyên qua các mỏ.
Than đá hình thành qua hàng triệu năm khi các đầm lầy chứa đầy vật chất hữu cơ như cây cối, rễ cây, vi khuẩn vùi dưới cát, bùn và những vật liệu tự nhiên khác. Áp lực tác động đến vật chất hữu cơ tăng dần khi lớp đất bên trên dày lên theo thời gian, trong khi toàn bộ nước và hợp chất từ thực vật, cây cối bị chôn vùi khô kiệt, tạo nên than đá với thành phần chủ yếu là các-bon. Các-bon chiếm khoảng 40-90% trọng lượng than đá.
Khi các-bon bên trong than đá tiếp xúc với oxy, nó bốc cháy. Thậm chí, việc bốc cháy xảy ra ngay lập tức mà không cần ngọn lửa khác ở gần. Những đường hầm do các thợ mỏ đào vào thế kỷ 19 giúp duy trì ngọn lửa bằng cách hút oxy từ mặt đất. Càng nhiều than đá bốc cháy, ngọn lửa càng ăn sâu vào khu vực xung quanh với độ sâu lớn nhất là 91 m.
Than đá cháy chậm và ổn định, có nghĩa cần một thời gian dài để nó cháy hết. Chỉ cần có đủ nhiệt, nhiên liệu và oxy để duy trì, ngọn lửa sẽ không tắt. Đó là lý do tại sao ngọn lửa bốc lên từ mỏ than đá có thể cháy dữ dội trong nhiều thập kỷ.