Rừng và Tây Nguyên

Trải qua hàng ngàn năm, Tây Nguyên như một 'vùng trũng' ngập giữa rừng già. Rừng bao phủ lấy đất. Rừng bao phủ lấy người. Bước ra khỏi làng đã là rừng, là suối. Rừng làm nên một nền văn minh khác lạ; văn minh rừng rẫy.

Sản xuất nương rẫy diễn ra ở những khu rừng thấp, ven những con suối. Cây lúa dài ngày phát triển tự nhiên suốt mùa mưa, sang mùa khô thì chín. Dù ít dù nhiều, người Tây Nguyên xưa chỉ sản xuất 1 vụ, dùng ăn trọn trong 1 năm. Lương thực để hết trong rừng, coi như Yàng rừng trông hộ.

Ngày xưa, lúa là lương thực chủ yếu của cư dân vùng rừng núi, cơ bản chỉ đủ khoảng 50% khẩu phần ăn trong năm. Phần lớn lương thực được ưu tiên cho việc ủ men, làm rượu cần, kể từ gạo, bắp, mì… để phục vụ các lễ hội, cuộc vui. Làm đủ rượu rồi là xong, chẳng mệt sức phải căn cơ cái ăn cho khổ. Cần nhất vẫn là những ghè rượu ủ nhiều ngày, nhiều tháng.

Rừng cho người Tây Nguyên chất men, những củ riềng tươi, khổ qua rừng, quả boh pang (quả cứt quạ), rễ yă krok (cây su sa), rễ mun ngyă (cây dưa chuột rừng, bát bát), vỏ cây yam (cây men)… Đó là tất thảy tinh túy, hương vị nồng nàn của núi rừng giúp làm nên những ghè rượu cần thơm nồng, đắm đuối.

Trong năm, rất nhiều thứ khác của nhu cầu cuộc sống đều dựa hết vào rừng. Đầu tiên là cái ăn. Mùa giáp hạt, người Tây Nguyên vào rừng đào củ mài, đào măng, săn chim thú, đánh bắt cá nơi sông suối… Sản vật rừng không đến nỗi để cho họ phải chịu đói. Cái ăn được biến tấu theo từng thời điểm cho phù hợp với điều kiện sống.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: C.T.V

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: C.T.V

Ở Tây Nguyên, mọi người đều tin cây có Yàng, là ngôi nhà của Yàng trú ngụ; tin rừng có Yàng, vào rừng, người ta lặng lẽ, không nói tục, không nói bậy. Trước lúc đi săn bắt, người Tây Nguyên thường im lặng đến 3 ngày, gọi là “ngày không nói”. Có lúc như là cấm làng. Họ sợ Yàng nghe được ý đồ của mình.

Rừng cây nhỏ thì cho đất làm nương rẫy. Rừng cổ thụ thì cho môi sinh, nơi săn bắn, hái lượm.

Ngày trước, rừng là nơi cho lâm thổ sản như vỏ quế, trầm hương, gạc nai, sừng tê, ngà voi… thứ mà người văn minh rất quý. Đó là những hàng hóa đặc biệt, người Tây Nguyên có thể đem đổi về nhiều thứ quý giá như chiêng ché, muối ăn, vải…

Rừng nuôi cây. Cây cho gỗ làm nhà, làm thuyền độc mộc, làm cầu qua sông, làm cây nêu, làm tượng mồ, làm quan tài… Cây cho củi đốt lửa bếp đun nấu, đốt lửa rừng mở hội. Nghĩa là, người Tây Nguyên luôn gắn bó với rừng. Một số họ của người Jrai dường như cũng có mối quan hệ mật thiết với rừng, với môi trường rừng: Họ Rơ Ô là cây lồ ô, họ Siu là con mối, họ Rơ Mah là con tê giác, họ Rơ Chăm là nơi khô ráo, họ Ksor là đất rẫy hưu canh (rẫy hoang)…

Để chặt hạ một gốc cây đại thụ, người ta phải cúng xin Yàng, có nơi đổ máu chó vào gốc cây cho Yàng bỏ đi rồi mới dám chặt. Nghĩa là, chẳng thể chặt cây rừng bừa bãi.

Con người sống nhờ rừng. Con heo cũng sống nhờ rừng. Con trâu, con bò cũng sống nhờ rừng…

Rừng như mái nhà lớn của Tây Nguyên.

Rừng là cuộc sống, là tâm linh.

Rừng là một thế giới bí hiểm.

Rừng Tây Nguyên không chỉ cho Tây Nguyên mà còn là mái nhà che cho cả miền Trung, cả miền Đông Nam Bộ, rồi nơi trữ nước cân bằng cho hệ thủy văn dòng Mê Kông đổ về đồng bằng sông Cửu Long, nơi có vựa lúa lớn nhất Việt Nam.

Ngày nay, giao thông của khu vực Tây Nguyên đã rất thuận lợi. Đời sống của người dân đã sung túc, hiện đại hơn nhiều. Tuy vậy, cái giá phải trả là rừng nguyên sinh đã và đang bị thu hẹp đến mức báo động. Những khu đất bằng, khu vực đồi thấp đã thành những vùng cây nông nghiệp hàng hóa chuyên canh đem đến cho con người nhiều tiền của, nhưng cũng đã làm tàn phai đi không ít môi sinh, văn hóa.

Từ xa xưa, con người đã biết, sống thuận tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên là cách sống tốt nhất, bền vững nhất. Theo nghĩa đó, núi rừng là biểu hiện tự nhiên nhất của cuộc sống. Với Tây Nguyên, giữ được núi rừng càng có ý nghĩa gấp đôi: Môi sinh và văn hóa tâm linh! Rất mong một ngày, những ngọn núi trọc trơ được hồi sinh. Và, Tây Nguyên lại bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh như một thời từng xanh, tầng tầng lớp lớp.

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202208/rung-va-tay-nguyen-5786991/