Rừng xanh, đất lành
ĐBP - Lẽ ra hôm nay già làng Khoàng Chang Phạ, bản Tả Khoa Pá, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) vẫn cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn đi tuần tra, bảo vệ rừng như thường lệ, nhưng do có hẹn với khách nên ông ở nhà.
Tuần tra bảo vệ rừng là công việc thường xuyên của người dân xã Sen Thượng. Trong ảnh: Già làng Khoàng Chang Phạ cùng kiểm lâm địa bàn và dân bản kiểm tra rừng.
Trong căn nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì, già làng Khoàng Chang Phạ cho biết: Bản Tả Khoa Pá có 18 hộ, nhận quản lý, bảo vệ trên 500ha rừng phòng hộ. Năm 2019 bản được chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền 550 triệu đồng, năm nay bản đã nhận lần một được 351 triệu đồng. Dân bản Tả Khoa Pá luôn nghĩ việc bảo vệ rừng là trách nhiệm không của riêng ai. Vì thế mà mỗi ngày bản phân công một nhóm 5 người đi tuần tra, bảo vệ rừng, việc làm này được thực hiện luân phiên giữa các hộ trên tinh thần tự nguyện. Danh sách tuần tra rừng của mỗi nhóm được dán công khai trên vách nhà trưởng bản, những người đi tuần tra phải có sổ sách ghi chép đầy đủ, báo cáo kết quả, hiện trạng rừng với già làng, trưởng bản sau đó bàn giao cho nhóm tiếp theo. Do được giáo dục tình yêu với rừng từ nhỏ nên người Hà Nhì ở bản Tả Khoa Pá luôn ý thức những gì thuộc về rừng thì phải để lại rừng, có như vậy thì rừng mới lên xanh, mới bao bọc dân bản khỏi thiên tai.
Bản Tả Khoa Pá đã đề ra quy định nếu ai chặt một cây rừng bằng chuôi dao thì phải nộp phạt 100 nghìn đồng, trồng bù 10 cây; nếu chặt cây to, đã thành gỗ thì mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi, đồng thời bị báo cáo lên xã và cắt danh hiệu gia đình văn hóa. Quy định vậy nhưng bản cũng chưa phải phạt ai vì người nào cũng hiểu và thực hiện nghiêm.
Là một trong những bản được đánh giá có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất xã Sen Thượng, năm 2019 bản Tả Ló San, xã Sen Thượng được chi trả 2,762 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Thời điểm nhận tiền, bản Tả Ló San có 19 hộ, tính ra mỗi hộ được lĩnh trên 145 triệu đồng nhờ công giữ rừng. Rừng già bao bọc khu dân cư, không bị chặt phá bởi được bảo vệ bằng hương ước của bản. Hương ước bảo vệ rừng được dân bản thống nhất, truyền đời, từ khi còn nhỏ người Tả Ló San đã được cha mẹ, ông bà truyền dạy. Khoát tay chỉ lên phía cánh rừng có đàn chim bay lượn, trưởng bản Lỳ Xạ Cà nói trong tự hào: “Ðấy! Khu rừng của bản! Ở đó có cây to cả trăm tuổi, chim thú được người Tả Ló San bảo vệ như chính cuộc sống của mình. Không những giữ rừng, bảo vệ rừng, chúng tôi còn tổ chức lễ cúng rừng, tháng 3 hàng năm dân bản làm lễ cúng thần rừng che chở cho bà con, mùa màng tươi tốt, con cháu được khỏe mạnh, cuộc sống được no ấm.
Nói rồi ông Lỳ Xạ Cà dẫn chúng tôi tham quan khu rừng thiêng với nhiều cây gỗ quý, dây leo chằng chịt, có thân cây hai người ôm. “Ðã có nhiều vụ chúng tôi kịp thời phát hiện nhóm người lạ muốn vào khai thác gỗ, động vật hoang dã và báo cơ quan chức năng xử lý. Tự hào lắm vì không có người nào trong bản vi phạm hương ước!”- Trưởng bản Lỳ Xạ Cà tâm đắc.
Quá ngọ, những tia nắng cố len lỏi nhưng cũng chỉ đủ làm cho lá cây ở tầng thấp thêm lấp lánh như được dát bạc chứ không thể lọt tới mặt đất. Trên những cành cổ thụ, sóc đen thản nhiên chuyền cành.
Rời Sen Thượng khi trời chiều se lạnh, trên cao từng đàn chim nối nhau trở về sau một ngày sải cánh kiếm ăn, tôi chợt nghĩ tới lời của già làng bản Tả Khoa Pá Khoàng Chang Phạ “Nơi nào có đàn chim trở về, nơi đó có rừng xanh, đất lành!”.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183740/rung-xanh-dat-lanh