Rừng xanh mơ ước

Hơn 30 ha keo được ông Âu Văn Vùng, thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) quy hoạch khá quy củ, bạt ngàn rừng, là ao chuôm, khu chăn nuôi tách biệt hẳn với bên ngoài. Khoảnh nọ nối khoảnh kia, cứ trùng trùng điệp điệp xanh ngợp cả một khoảng trời Kháng Nhật.

Để tiền... trong rừng

- Mưa thế này, ông đi đâu?

- Đi rừng đấy!

Ông Vùng thường trả lời gọn vậy mỗi khi được hỏi. Chiếc áo mưa khoác chẳng che hết người, để lộ màu xanh áo lính bạc sờn theo thời gian. Ông cặm cụi chiếc gậy cùng con dao phát nương trên tay. Đấy là dụng cụ đi rừng đã gắn bó với ông suốt từ những ngày rời chiến dịch biên giới năm 1989 trở về địa phương.

Trời vào xuân, vẫn còn se lạnh nhưng cũng có lúc mưa rào khiến cả khu rừng chìm trong màn hơi sương mờ ảo. Khó khăn về thời tiết, nhưng ông ấy chẳng khi nào quên thăm rừng - bà con Khuôn Phầy, Kháng Nhật nhận định về ông như vậy. Với ông Vùng, rừng là máu thịt, không chỉ là nguồn sống đem nguồn lợi kinh tế cho gia đình mà rừng còn mang đến khí hậu trong lành, như “lá phổi xanh” vậy.

Có lẽ cái khí chất kiên cường của người lính vẫn luôn khiến ông trụ vững qua bao khó nhọc. Ông nhớ cái ngày nhận tin mừng bà Đỗ Thị Loan, vợ ông sinh con trai đầu lòng năm 1995. Cả làng xúm vào chúc mừng nhưng chỉ vài tháng sau hai vợ chồng ông nhận cú sốc khi hai mắt của người con trai mờ đi và giờ chỉ nhận biết được tối và sáng. Ông tự nhủ, chính ông phải làm khoảng sáng cho con trai mình, làm điểm tựa để người vợ có thêm nghị lực, chung lưng đấu cật cùng ông dựng xây cuộc sống.

Rừng cây hơn 30 ha của gia đình ông Âu Văn Vùng, thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Rừng cây hơn 30 ha của gia đình ông Âu Văn Vùng, thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Phong trào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc lan tỏa sang ông, lan tỏa sang bà con vùng núi cao này. Giờ rừng xanh tốt, rừng cho người của cải, đó là một ân huệ từ rừng. Sẵn vốn đất của cha ông hàng năm vẫn trồng sắn, cả đồi sắn khi đó ông bán tuốt đi chỉ thu được vài trăm nghìn đồng, đong gạo là hết, lấy đâu tiền lo thuốc thang chạy chữa cho con. Rồi ông quyết bỏ đồi sắn trồng keo, vợ ông và không ít người lo lắng. Nhưng ông nhìn thấy ngay hiệu quả từ rừng. Kháng Nhật đất ruộng chả có, trồng sắn thì theo mùa vụ, năm được năm chăng, chỉ có rừng là bền vững trên nhiều mặt. Bởi, đây là chủ trương lớn của tỉnh, với nhiều nhà máy được xây dựng, thì đây là cây nguyên liệu thuận về đầu ra. Thế là vợ chồng ông bắt tay phát quang cây tạp, cuốc hố trồng keo. Cây hợp đất, hợp khí hậu bén rễ và khép tán nhanh. Do địa hình phức tạp đất dốc nên ông làm đất cục bộ, cuốc hố 40 x 40 x 40 cm theo đường đồng mức. Khi đào hố trồng cây, ông cuốc để riêng lớp đất mặt sang một bên, đào hố trước khi trồng từ 20-30 ngày, khi lấp kín hố, dùng đất mặt lấp lên trên cao hơn miệng hố 2-3 cm.

Ông Vùng chia sẻ, thời gian rừng chưa khép tán, ông “ăn ngủ cùng rừng”, nào phát dọn thực bì, bón thúc phân, xới xáo vun gốc, tỉa cành, tạo tán, chặt bỏ cây sâu bệnh, cong queo... Rồi cả chuyện chống cho cây khỏi đổ mỗi khi gió táp mưa rào cũng choán hết công việc cả ngày. Lúc nhàn hơn là rừng từ năm thứ 4 trở đi, chủ yếu ông chỉ phát dọn thực bì, chặt tỉa thưa, tỉa cành, tạo tán. Ông bảo, 30 ha rừng còn phải đặc biệt chú trọng đến khâu phòng sâu bệnh hại và cháy rừng. Đa số bà con nông dân mình trồng thuần loài, dễ phát sinh sâu bệnh hại, nhất là bệnh keo chết héo. Vì vậy, ông luôn kiểm tra rừng thường xuyên để có phương pháp phòng trị kịp thời. Ông cũng học cách trồng rừng hỗn giao theo lô, theo khoảnh để hạn chế cháy rừng, khi chăm sóc phát dọn thực bì chú ý các vật liệu dễ cháy.

Ban đầu là vài trăm mét vuông rồi ông nhân lên vài ha, cho đến giờ diện tích rừng đã lên tới gần 30 ha. Nay cây vào tuổi khai thác, mỗi năm gia đình ông cũng thu về từ 100 đến 500 triệu đồng. Ông Vùng chia sẻ, năm 2019 vừa khai thác 1 khoảnh rừng thu về gần 500 triệu đồng. Hai vợ chồng lại thuê lao động địa phương làm đất, phát nương, đào hố trồng vụ mới. Ông bảo, đúng là tiền để trong rừng, có rừng cuộc sống khá hơn.

Cho mai sau

Trang trại tổng hợp của ông Vùng bà Loan trở thành điểm đến học tập của những bạn trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp từ rừng, từ những tiềm năng lợi thế của địa phương. Ông Vùng vẫn bảo với họ, trí trẻ luôn cần nghị lực vươn lên, khi nhìn ra thế mạnh rồi thì hãy nỗ lực đến cùng.

Trong mô hình trang trại, ông hướng họ không chỉ làm giàu từ rừng mà phải biết “lấy ngắn nuôi dài”. Nơi đất bãi, pha chút đất đỏ ông dành để trồng hơn 1.400 gốc chuối tiêu hồng. Giống cây này ông từng được người bạn kể qua về chuyện hợp đất bãi, tỉ tê mãi về cách trồng, ông nghiệm ra giống chuối không ưa nơi nước nhiều, cứ thuộc làu bài này là ăn “điểm” chắc. Ông thường trồng vào vụ thu tháng 8, 9, 10. Ông chỉ cấp đủ nước ngay sau khi trồng cho cây, sau đó cây tự phát triển mà không cần công tưới tắm, chăm bẵm nhiều. Sau khi chuối trổ hoa ra khoảng 10 đến 13 nải, ông bẻ bắp, lấy cột chống buồng chuối tránh gió, bão. Một năm mỗi gốc chuối cho gia đình ông thu khoảng 90 nghìn đồng, cả vụ cũng thu về trên 100 triệu đồng. Ông khoe, ưu điểm của giống chuối tiêu hồng này không bị “bánh nẳng” khi chín nên rất được thị trường ưa chuộng. Hàng năm, khi đến vụ thu hoạch, lái thương khắp nơi đến thu mua sạch cả vườn ý chứ - Ông Vùng phấn khởi về thị trường tiêu thụ chuối thuận lợi.

Rừng keo, rừng bạch đàn bao trọn xung quanh trang trại, ở giữa lũng ông dành lại hơn 2 mẫu mặt nước để ương nuôi cá, những giống cá dễ nuôi như cá rô phi ta, rô phi Đường Nghiệp, cá chép cứ lớn đều giúp tăng thêm nguồn thu mỗi năm cho gia đình. Bên cạnh đó là khu nuôi bò, nuôi gà cũng được ông quy hoạch gọn gàng, quy củ.

Ông Vùng bảo, rừng là của để dành, như tài sản vô giá ông để cho thế hệ sau, đó không chỉ là tiền bạc mà còn là môi trường sống trong lành, tươi đẹp hơn.

Phóng sự: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/rung-xanh-mo-uoc-129291.html