Các ETF đua nhau báo lỗ ở Việt Nam, đây là lý do khiến bị rút ròng 14 nghìn tỷ?
Tổng dòng vốn rút ròng của các ETF lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 14.030 tỷ đồng...
Các ETF Việt Nam tiếp tục ghi nhận ròng vốn rút ròng trong tháng 6/2024, với giá trị rút ròng là hơn 2.407 tỷ đồng. Tổng dòng vốn rút ròng lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 14.030 tỷ đồng, theo thống kê từ VnDirect.
Dòng vốn ETF bị rút ròng trong T6/2024 chủ yếu đến từ việc bị rút ròng của quỹ Fubon FTSE Vietnam bị rút ròng hơn 1.142 tỷ đồng, quỹ DCVFMVN Diamond ETF bị rút ròng hơn 918 tỷ đồng, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF bị rút ròng hơn 182 tỷ đồng, quỹ VanEck Vector Vietnam ETF bị rút ròng hơn 131 tỷ đồng và quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF bị rút ròng hơn 117 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, quỹ KIM Growth VN30 ETF ghi nhận dòng vốn vào ròng là hơn 130 tỷ đồng.
Về hiệu suất đầu tư, trong tháng vừa qua các ETF có hiệu suất kém hiệu quả. Fubon FTSE âm 1,88%; VanEck Vectors âm 3,43%; Xtrackers FTSE âm 2,73%; Premia MSCI Vietnam ETF âm 2,60%. Các quỹ còn lại như DCVFMVN Diamond ETF tăng 2,36%; DCVFM VN30 ETF tăng 1,04%; KIM Growth VN30 ETF tăng 1,07%.
VnDirect dự báo sẽ không có thay đổi về thành phần của rổ chỉ số VN30 trong kỳ rà soát Q2/2024.
Bộ chỉ số HOSE – Index bao gồm các chỉ số: VN30, VNMidcap, VNSmallcap, VN100, VNAllshare, VNAllshare Sector Indices cùng các chỉ số đầu tư bao gồm chỉ số VNDiamond và chỉ số VNFin Lead sẽ được rà soát định kỳ cho kỳ Q2/24 với các mốc thời gian như sau: ngày 15/07/2024 công bố kết quả xem xét định kỳ, ngày 05/08/2024 chỉ số mới sẽ có hiệu lực.
Trong kỳ rà soát này, chỉ số VN30 và chỉ số VNFin Lead sẽ được rà soát thay đổi về thành phần, trong khi chỉ số VNDiamond sẽ chỉ cập nhật số liệu và tính toán lại tỷ trọng danh mục.
Dựa trên dữ liệu tính đến ngày 28/06/2024, VnDirect dự báo sẽ không có thay đổi về thành phần của rổ chỉ số VN30 trong đợt rà soát định kỳ Q2/24 này, do các cổ phiếu trong rổ VN30 hiện tại vẫn thỏa mãn các tiêu chí về: giá trị giao lịch, khối lượng giao dịch và nằm trong top 40 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HoSE. Theo đó rổ chỉ số VN30 sẽ vẫn bao gồm 13 mã ngân hàng và 17 mã thuộc các nhóm ngành khác.
Các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 bao gồm các quỹ: DCVFM VN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, FUEMAV30 ETF và KIM Growth VN30 ETF. 4 quỹ ETF này hiện có tổng quy mô tài sản là hơn 8.900 tỷ đồng. Các quỹ ETF này sẽ thực hiện tái cân bằng danh mục từ ngày 16/07/2024 đến ngày 02/08/2024.
Ước tính trong kỳ tái cân bằng danh mục lần này các cổ phiếu sẽ được các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 mua nhiều nhất bao gồm TCB và MWG, với khối lượng tương ứng là 1,4 triệu cổ phiếu (~33 tỷ đồng) và 447 nghìn cổ phiếu (~27,9 tỷ đồng). Trong khi cổ phiếu FPT có thể là cổ phiếu được các quỹ ETF này bán ra nhiều nhất với khối lượng là 1,65 triệu cổ phiếu (~215,8 tỷ đồng).
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng bán ròng. Nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng mạnh trong tháng 6/2024 với giá trị bán ròng là hơn 16.738 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024 của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 49,7 nghìn tỷ đồng. Trong T6/24 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 16.591 tỷ đồng trên sàn HoSE và hơn 220 tỷ đồng trên sàn UPCoM, trong khi mua ròng hơn 74 tỷ đồng trên sàn HNX.
Những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong T6/2024 bao gồm MBB, MSN, HAH, PC1 và IDC. Ở chiều ngược lại, các mã được các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong T6/2024 là các mã FPT, CCQ FUEVFVND, VHM, MWG và VRE.
Trong 2 tháng bán ròng mạnh gần đây của nhà đầu tư nước ngoài, giá trị bán
ròng của các ETF chỉ tương đương khoảng 15% tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó có thể thấy việc bán ròng mạnh gần đây của nhà đầu tư nước ngoài không phải chủ yếu đến từ việc bán ròng của các ETF.
Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong thời gian gần đây có thể đến từ việc đồng USD vẫn đang mạnh lên tiếp tục gây áp lực mất giá lên VND. Và nguyên nhân thứ 2 có thể đến từ sự luân chuyển dòng vốn trên toàn cầu trong đó ròng vốn ngoại vẫn tiếp tục bị rút ra khỏi các thị trường tăng trưởng yếu như Trung Quốc và Việt Nam để phân bổ vào những thị trường hiệu quả hơn như thị trường Mỹ.