Tháng 5/2012, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với giá trị lớn lao của kho mộc bản, nhiều nhà nghiên cứu Hán-Nôm và những người yêu mến Thiền phái Trúc Lâm, những người làm công tác nghiên cứu đã dày công lược thuật toàn bộ kho mộc bản.
Tiêu biểu trong kho mộc bản này phải nói tới "Thiền tông bản hạnh" - một tập hợp các tác phẩm Nôm có giá trị được sáng tác từ thời Trần, Lê và được sưu tầm khắc in lại vào thời Nguyễn, đặc biệt có bài Cư trần lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông. Đây là nguồn tư liệu quý, minh chứng xác thực góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu tìm hiểu chữ Nôm thời Trần, thời Lê - Nguyễn trong kho tàng thơ văn Phật giáo Việt Nam.
Cư trần lạc đạo phú được lưu giữ cẩn thận tại chùa Vĩnh Nghiêm. Vật liệu để làm nên những mộc bản này là gỗ thị. Kích thước mỗi mộc bản khoảng 35 cmx22 cm, kiểu chữ trên mộc bản là chữ Nôm, viết chân phương, có chỗ xen cả những đoạn văn bằng chữ Hán khắc ngược, khi in ra giấy dó trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt là một trang sách có đầy đủ tiêu đề, số trang.
Qua in dập và xem xét, mộc bản Cư trần lạc đạo phú gồm 6 mặt khắc chữ Nôm để diễn ca nói về Thiền phái Trúc Lâm mà tác giả chính là vị Thiền sư (Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, thời Trần thế kỷ XIII-XIV). Qua xem xét, tìm hiểu một số nét cơ bản của tác phẩm Cư trần lạc đạo phú lưu tại kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có thể nói, tác phẩm này có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển văn tự và văn học Nôm của Việt Nam.
Bài phú Cư trần lạc đạo (tức: Ở đời vui với đạo) dài 160 vế. Tác phẩm Cư trần lạc đạo phú được viết theo lối phú luật hay phú cận thể của thời thịnh Đường, gồm 10 hội dài bằng chữ Nôm và một bài kệ bằng chữ Hán kết thúc bài. Mười hội dài phu diễn những quan điểm của người tu giữa chốn trần ai, cùng các điểm khai ngộ lý thiền. Thi kệ yết hậu chính là phần kết luận của bài phú, tóm lược lại tất cả tinh yếu của toàn bài.
Hàng nghìn người tham dự Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử.
Tư tưởng bài phú Cư trần lạc đạo được đúc kết trong một bài kệ theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. “Ở đời vui với đạo hãy tùy duyên/ Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh mà vô tâm thì chớ có hỏi Thiền”.
Đại ý của bài kệ này nói nên rằng: Mỗi con người hãy nên sống hòa mình với đời, không câu chấp, hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên, tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực, không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật.
Nguyễn Thắng