Rước bệnh vì hải sản 'độc, lạ'

Hiện nay, một số 'chợ' trên mạng xã hội chuyên kinh doanh các loại hải sản rao bán các loại cá, cua, ốc... có hình thù đặc biệt, kích cỡ lớn, được quảng cáo là hàng tươi sống đánh bắt tự nhiên, có vị lạ miệng, hấp dẫn. Song, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, được xác định là có liên quan đến những loại hải sản 'độc, lạ' này.

Anh Đỗ Văn Ch (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) bị ngộ độc nặng sau khi ăn cua “mặt quỷ”.

Sở thích ăn “tái” các loại hải sản “độc, lạ”

Một số món hải sản chế biến kiểu ăn gỏi sống, hoặc chỉ hấp sơ qua, đã và đang được nhiều người yêu thích vì cho rằng cách chế biến như vậy khiến hải sản giữ được vị tươi ngon nhất. Tuy nhiên, người dùng cần biết cách lựa chọn hải sản tươi ngon, an toàn để phòng tránh nguy cơ ngộ độc từ loại thực phẩm này.

Viện Hải dương học Nha Trang đã công bố 41 loài sinh vật mang độc tố gây tử vong, gồm 39 loài sinh vật ở biển và 2 loài cá nóc nước ngọt ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều loại cá như cá nóc, cá chứa độc tố ciguatera phân bố rộng rãi trên toàn bộ các vùng biển từ 35 vĩ độ Bắc xuống 34 vĩ độ Nam, tập trung nhiều nhất vùng biển Caribe và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Hiện nay, với xu hướng gia tăng việc nhập khẩu các loài cá “lạ”, nguy cơ ngộ độc ciguatera cũng tăng lên.

Nhiều loại ốc, cua biển có kích cỡ “khủng”, vỏ có hình thù kỳ dị cũng là món ăn được nhiều người ưa thích; ít người biết rằng trong đó lại có một số loài khá độc. Chất độc của những loại sò biển, ốc biển này có thể làm tê liệt các chi, ức chế hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong, như ốc cối hoa lưới, ốc cối địa lý, ốc mặt trăng, cua mặt quỷ...

Đặc biệt, các loại so biển và sam biển có hình thù hơi giống nhau, sam biển thì ăn được nhưng so biển lại chứa nhiều độc tố, chủ yếu nằm trong trứng và thịt. Độc tố của so biển tương tự như độc tố trong cá nóc, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy (dù nấu chín hay phơi, sấy khô thì độc chất vẫn tồn tại). Đã có một số trường hợp tử vong do ăn thịt so vì nhầm với sam.

Đáng chú ý, hầu hết các độc tố trong hải sản là độc tố có tính bền vững với nhiệt nên ngay cả khi được nấu chín thì các độc tố vẫn không bị thay đổi. Do đó, nếu vô tình ăn phải loại hải sản có chứa độc tố thì dù là ăn sống hay chín thì cũng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm đều ghi nhận số lượng bệnh nhân ngộ độc hải sản. Có trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn ốc biển với biểu hiện giống với ngộ độc tetrodotoxin. Độc tố này khi xâm nhập vào cơ thể, ban đầu có biểu hiện tê bì môi lưỡi chân tay, sau đó là liệt tất cả các cơ, đồng tử giãn, có thể co giật, tụt huyết áp, loạn nhịp tim.

Tháng 3-2021, một ngư dân 46 tuổi ở Thanh Hóa được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngộ độc nặng, ngừng tim sau khi ăn cua “mặt quỷ”. Diễn biến ngộ độc cua “mặt quỷ” rất nhanh, có thể xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi ăn. Đã có những trường hợp bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, trên đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ thì không kịp cứu chữa, tử vong trên đường tới bệnh viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, cần thực hiện các bước sơ cứu nhanh như cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng; gây nôn; gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại hải sản “lạ”, kỳ dị, hình hài khác thường; chỉ nên ăn các loại hải sản như cua, mực, tôm, ghẹ... quen thuộc. Ngoài ra, do môi trường biển bị ô nhiễm, nhiều loài hải sản đánh bắt tự nhiên có thể trở thành “kho chứa độc”. Trong thịt cua ở những khu vực nước bị ô nhiễm, các nhà khoa học thấy nhiều nhất là 2 loại độc tố Dioxin và PCBs (Polychlorinated biphenyls), gây phát ban ở da, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn thần kinh, làm tổn thương gan, làm tăng nguy cơ ung thư, thậm chí tăng nguy cơ sinh con khuyết tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai, và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Phương Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1015229/ruoc-benh-vi-hai-san-doc-la