Rước cờ về làng

Sử sách thời xưa thường viết những người đỗ đạt từ học vị tiến sĩ trở lên trong các kỳ thi thời xưa đều được vua ban cờ, biển vinh quy bái tổ. Nhưng, nhiều vị quan có công trạng khi về hưu cũng được ban ân điển như vậy.

Các tài liệu và hiện vật để lại cho thấy, các vị tam khôi, tiến sĩ được vua ban biển có chữ “ân tứ vinh quy”, nhiều đền thờ các danh nhân hiện vẫn lưu giữ. Còn khi các tiến sĩ vinh quy thì được vua ban cho cờ gì? Các tài liệu thời nhà Nguyễn cũng cho biết các tân tiến sĩ được ban cho lá cờ thêu học vị đạt được trong kỳ thi vừa xong. Bên cạnh đó, sử sách cho biết, với nhiều vị quan có công trạng, khi về hưu, được triều đình ban thưởng cho những lá cờ “tuyên dương công trạng”.

Tể tướng Phạm Công Trứ với lá cờ thêu câu đối

Phạm Công Trứ (sinh khoảng năm 1600, mất năm 1675) quê ở huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ), Hưng Yên. Theo sách “Nhân vật chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì năm 27 tuổi, ông thi đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628), tức theo sách này ông sinh năm 1602. Lúc đầu, ông được bổ làm Thái thường tự khanh, quan chức phụ trách lĩnh vực nghi lễ, tế tự của triều đình. Sau đó, ông được cử làm Tán lý đạo Sơn Nam, rồi về triều làm Phó đô ngự sử, sau thăng Đô ngự sử. Năm 1657, ông được thăng Thượng thư Bộ Lễ, tước Yên quận công, gia hàm thiếu bảo, kiêm Đại học sĩ Đông các.

Lễ vinh quy bái tổ thời Nguyễn.

Lễ vinh quy bái tổ thời Nguyễn.

Ông có công biên soạn, tu bổ bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư”. Khi phụ trách trường Quốc tử giám, ông cho xây nhà Quốc học ở giữa hồ, mời các tao nhân mặc khách đến làm thơ ngâm vịnh, khiến “văn phong nổi dậy, thói tục của học trò ngày một mới”.

Từ đầu niên hiệu Cảnh Trị, đời Vua Lê Huyền Tông (1663-1671), ông được thăng Thượng thư Bộ Lại, vào làm Tham tụng (tể tướng) trong phủ chúa, được chúa Dương vương Trịnh Tạc tín nhiệm, nói gì cũng nghe theo. Sách “Nhân vật chí” đánh giá: “Ông ban bố các điều lệ giáo hóa, rõ phép khảo khóa (phép xét công trạng các quan chức để cất nhắc), nêu gương người hiếu đễ, khen thưởng người tiết nghĩa, kiểm xét lại sổ đinh điền, định lại ngạch thuế, chế độ quy mô đầy đủ, rõ rệt”.

Năm 1668, ông 69 tuổi, xin về hưu, chúa Trịnh Tạc quyến luyến cố lưu lại, ông xin nài mãi đến mấy lần, chúa mới cho. Chúa lại phong cho ông làm Thái bảo, quốc lão tham dự triều chính. Khi ông về làng, chúa ban cho đôi câu đối thêu vào lá cờ, viết: “Điều đĩnh nại, nhiếp âm dương, triều đình trụ thạch/ Hoàn quy mô, định hiệu lệnh, quốc gia đống lương”, nghĩa là: Nêm canh đỉnh vạc (chức trách của bậc tể tướng như người nấu canh trong cả chiếc đỉnh, chiếc vạc to, phải nêm nếm gia vị sao cho vừa vặn), điều hòa âm dương, làm cột cho triều đình. Hoàn thành được quy mô, định ra các hiệu lệnh, là rường cột của nhà nước.

Ngoài ra, chúa còn ban cho ông đôi câu đối khác: “Thượng thư ấn chưởng lục, thùy thân tấn hốt, cửu miện điện an/ Thiên hạ đạt ôm tam, vĩ tích gia ngôn, triều đình chuyên vọng”, nghĩa là: Làm thượng thư giữ sáu ấn, rủ đai cầm hốt, chín miếu được yên. Gồm cả ba thứ tôn quý nhất của thiên hạ (ba thức quý gồm chức tước, tuổi tác và đức độ), công to nói hay, triều đình tôn trọng. Đó đều là những lời khen ngợi quý trọng ông lên đến tột độ. Những lời khen ấy cũng không quá đáng, vì Phan Huy Chú đánh giá ông là “bậc tể tướng thứ nhất sau đời trung hưng”.

Khi ông về hưu có bài thơ lưu giản, triều thần có đến hơn 50 người ở các phủ bộ, tự, khoa, đạo, hàn, các đều họa lại, viết hết vào lụa, lại đặt tiệc tiễn đưa ông ở bờ sông, từ đó trở đi thành lệ.

Vũ Duy Chí với lá cờ ví với Tiêu Hà, Triệu Phố

Vũ Duy Chí (1604-1678) là công thần triều Lê trung hưng, đồng thời với Phạm Công Trứ và làm tể tướng sau ông Phạm một thời gian ngắn. Ông quê ở làng khoa bảng Mộ Trạch (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), anh em đều đỗ đại khoa, bản thân ông tuy không có khoa bảng, xuất thân từ chân nha lại, nhưng nhờ có văn học, tính cẩn thận kín đáo, có nhiều cơ mưu, nên được chúa Trịnh Tạc tin dùng.

Theo chúa chinh chiến, lập nhiều chiến công, đến niên hiệu Cảnh Trị, ông được thăng đến chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Phương quận công. Năm 1669, ông cùng với Trần Đăng Tuyển cùng được vào làm Tham tụng ở phủ chúa. Do không xuất thân khoa bảng mà được giữ chức tể tướng, triều đình có người chê ông từ chân lại viên xuất thân. Chúa Trịnh Tạc bênh vực ông, kể những câu chuyện các viên tể tướng trong lịch sử Trung Quốc, từ Tiêu Hà, Tào Tham đời Hán Cao Tổ, Phòng Huyền Linh, Đỗ Hối đời Đường Thái Tông, đều từ chức lại xuất thân, để yên những dị nghị của kẻ dưới.

Tranh dân gian “Vinh quy bái tổ”.

Tranh dân gian “Vinh quy bái tổ”.

Sử sách đời sau vẫn ca ngợi sự ngay thẳng của Vũ Duy Chí, khi ông phản đối việc các quan văn võ sau khi chầu vua xong thì để nguyên triều phục sang chầu phủ chúa. Khi đó, trăm quan đều sợ chúa Trịnh, mà ông dám bàn như vậy, nên được khen rằng: “Ông dám nói điều mà người khác không dám nói, phong độ như bậc gián thần đời xưa”.

Năm 1676, khi đã 73 tuổi, ông về hưu, được gia thăng chức Thượng thư Bộ Lại, quốc lão thiếu phó. Chúa Trịnh Tạc ban cho ông đôi câu đối thêu vào lá cờ rằng: “Nhất đại tông thần Tiêu tướng quốc/ Lưỡng triều nguyên lão Triệu Hàn vương”, nghĩa là: Làm quan đầu triều một đời, như tướng quốc Tiêu Hà/ Trải làm nguyên lão hai triều, như Hàn vương Triệu Phổ (Tể tướng của Tống Thái Tổ). Đôi câu đối này đem đến cho vị tể tướng họ Vũ vinh dự không không kém gì vị tiền nhiệm Phạm Công Trứ cả. Vũ Duy Chí mất năm 1678 ở tuổi 75, được triều đình tặng chức Thái phó.

Tể tướng Lê Hữu Kiều được ban 3 câu đối thêu cờ

Khi cả Phạm Công Trứ và Vũ Duy Chí đã mất, tiến sĩ Lê Hữu Kiều (1691-1760) mới ra đời. Ông cùng quê ở huyện Đường Hào với Phạm Công Trứ, là con của Hoàng giáp Lê Hữu Danh. Năm 25 tuổi, ông thi đỗ khoa hoành từ, đến năm 28 tuổi, ông đỗ Đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Vua Lê Dụ Tông. Ông lần lượt giữ các chức giám sát Thanh Hóa, quyền Hiến sát Kinh Bắc, làm quan các trấn Thái Nguyên, Cao Bằng rồi Phó đô ngự sử. Sau khi đi sứ Trung Quốc trở về, ông được thăng Tả thị lang Bộ Công, tước Liêu Đình bá. Ông được gọi vào phủ chúa làm Bồi tụng (Phó Tể tướng) năm 1740, nhiều lần được cử ra trấn Thanh Hóa, rồi thăng Tham tụng năm 1743.

Cuộc đời làm quan của Lê Hữu Kiều sau đó tiếp tục trải qua các trấn Thái Nguyên, Nghệ An, rồi vừa làm Tham tụng, vừa kiêm Thượng thư Bộ Lễ, rồi Bộ Binh. Ông còn được giao vào giảng trong Kinh Diên, để dạy học cho Thái tử.

Năm 1755, ông 65 tuổi, về hưu, được ngự ban cho tới 3 câu đối vào lá cờ thêu. Câu thứ nhất là: “Sứ mao, phiên cổn cẩn thi nhật/ Quỹ tịch, kinh vi lệ dực niên”, nghĩa là: Nhớ ngày cầm cờ mao đi sứ và ra trấn ngoài biên ải/ Tưởng những năm ra công giữ quyền tể tướng và vào hầu Kinh Diên.

Câu thứ hai là: “Tại triều, tại quận kiêm văn vũ/ Vu quốc, vu gia hiếu tố trung”, nghĩa là: Khi ở triều, khi ở quận, văn mà kiêm cả võ/ Với nước, với nhà, lấy hiếu làm trung.

Câu thứ ba là: “Ốc ưu quốc sủng cung tam mệnh/ Thanh bạch gia phong mỹ tứ tri”, nghĩa là: Ơn nước dồi dào, được ban mệnh làm tể tướng tới ba lần/ Nếp nhà thanh bạch, được tiếng tốt như câu trả lời tứ tri. Câu này lấy tích Dương Chấn trong sách “Hậu Hán thư”, khi ông từ chối việc nhận hối lộ, bảo rằng nếu nhận thì có “trời biết, đất biết, tôi biết, ông biết”.

Phan Huy Chú nhận xét: “Ông ra ngoài làm tướng võ, vào triều làm tướng văn, hơn 40 năm, công lao đức vọng rất long trọng, là người bề tôi giỏi lúc bấy giờ. Vậy nên, việc ông được triều đình ban cho tới 3 câu đối khi về làng nghỉ hưu cũng là chuyện dễ hiểu. Lê Hữu Kiều qua đời năm 1760, được tặng hàm thiếu phó, tước quận công.

Tể tướng Hà Tông Huân với 8 đội cờ lụa vinh quy

Ngoài các vị tể tướng nói trên, vị tể tướng dưới thời Vua Lê Hiển Tông là Hà Tông Huân (1697-1766) cũng được sách “Đại Việt sử ký tục biên” chép rằng khi về hưu năm 1761 ở tuổi 65, được triều đình phong hàm thiếu bảo, tước Huy quận công và cho “8 đội cờ lụa vinh quy”. Tuy nhiên, bộ sử này không ghi rõ là trên cờ có được ban cho câu đối gì không.

Trong “Nhân vật chí”, Phan Huy Chú khen rằng: “Ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt. Khi thi thố những công việc to tát, việc gì cũng xong”. Bảng nhãn họ Hà còn có công đào tạo nhiều học trò thành đạt, khi ông về hưu, nhiều người đã được cầm quyền trong tướng phủ. Do đó, buổi hội tiễn đưa ông về hưu ở cửa Đông kinh thành, các bậc đại khoa nô nức đến dự, được đánh giá là sự kiện “từ đời trung hưng về sau ít có”. Số thơ họa lại bài thơ của ông của sĩ phu cũng đến mấy chục bài, đều ghi vào trướng lụa, lại được phổ cả vào cung đàn, khiến cuộc đưa tiễn thêm phần long trọng.

Thời Nguyễn, cũng có câu chuyện về tiến sĩ Ngô Tiêm (1749-1818) thi đỗ thời Lê Hiển Tông, làm quan thời Nguyễn, vì tính cách trong sạch, ông được Vua Gia Long ban lá cờ có chữ “Thanh tiết như thượng” (khí tiết trong sạch đáng khen), đặc cách thăng Thái Hòa điện Đại học sĩ. Khi qua đời, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị viết văn bia khen ông rằng: “Đậu khoa cao, làm quan to, đại nhân đều làm được... Làm người hoàn thiện trong một đời người, đại nhân thật là người không chê vào đâu được”.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/ruoc-co-ve-lang-i749942/