Ruộng đồng Hà Tĩnh 'ngóng' mưa - cứu hơn 44.000 ha lúa hè thu khô hạn
Thông tin về đợt mưa sắp sửa trong vài ngày tới khiến nông dân Hà Tĩnh phấn khởi, mong chờ 'giải nhiệt' cơn hạn hè thu...
Dòng kênh dẫn nước chính của thôn Thống Nhất (Phù Việt) chỉ còn lại nước chết, để lại trạm bơm "treo ngược"... chờ mưa.
Dòng kênh chính dẫn nước tưới của thôn Thống Nhất, xã Phù Việt (Thạch Hà) về mực nước chết, để lại trạm bơm "treo ngược". Cuối con kênh này, bèo tây đã phủ kín một nửa. Hai ngày nay, ông Phan Văn Thơ (thôn Thống Nhất) đã tranh thủ hết các hồ trũng xung quanh để lấy nước vào chân ruộng nhưng vẫn không hết lo lắng. “Hiện tại, cơ bản các chân ruộng nhà tôi đã có độ ẩm chứ không khô khốc như trước. Nhưng, thời điểm này, cây lúa cần nước ở cả gốc lẫn ngọn để ôm đòng, trổ bông chắc hạt. Vài ngày tới mà có mưa như dự báo thì nước còn quý hơn vàng”.
Ông Phan Văn Thơ lo lắng, sợ cơn mưa đến không kịp nước trổ của lúa.
So với các xã thuộc vùng khó khăn về nguồn nước thì Phù Việt vào loại "căng" nhất. Xã nằm ở cuối kênh tưới Kẻ Gỗ, có khi phải mất 15 ngày nước mới đến được chân ruộng. Nguồn tưới chính là từ các lòng rào, sông rạch thì nhiều năm nay bị bèo tây lấn chiếm, khó khăn dự trữ nguồn nước. Không còn cách nào khác, xã đã phải liên tục nạo vét để tìm kiếm nguồn nước, tạo nguồn bơm về ruộng.
Ông Nguyễn Đăng Thuần - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Việt cho biết: “Những nơi có thể nạo vét, xã đã tiến hành tận dụng hết rồi, bây giờ chỉ còn có thể chờ mưa thôi. Đến thời điểm này, các nguồn đã chạm "mực nước chết", không bơm tưới được nữa. Hiện có khoảng 8 ha "khát" nước nhưng bất khả kháng. Nắng to cộng với hiệu ứng gió phơn Tây - Nam thổi mạnh, một số diện tích đã xuất hiện hiện tượng khô bông khi vừa trổ. Nếu trong vài ngày tới có mưa thì hơn 280 ha lúa hè thu của xã sẽ qua được thời kỳ khó khăn nhất của mùa sản xuất năm nay".
Nhiều kênh mương đã cạn khô đáy.
Trong khi đó, ở xã Xuân Trường (Nghi Xuân), đáng lẽ thời điểm này 82 ha lúa mùa đã gieo cấy xong. Thế nhưng, ruộng khô cứng, không một giọt nước về đã khiến xã vùng biển này lỡ nhịp thời vụ. Ông Dương Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết: “Mặc dù xã đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ 100% giống lúa mùa nhưng bà con vẫn không gieo cấy được vì đất khô cứng. Dự báo sẽ có mưa trong vài ngày tới nhưng thời vụ thì đã “lỡ nhịp” rồi, không thể làm kịp nữa”.
Mặc dù một số thống kê về tình hình hạn hán của khu vực Bắc Trung bộ trong thời gian qua đã không “điểm danh” Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ở những vùng cục bộ, tình trạng thiếu nước vẫn khá căng thẳng trong diễn biến không mưa kéo dài suốt gần 1 tháng qua, nhiều con kênh khô cạn, hồ đập trơ đáy. Điển hình như các địa phương: Hà Linh, Phương Mỹ, Phương Điền (Hương Khê); Xuân Trường, Xuân Lĩnh (Nghi Xuân), một số xã phía Bắc và Tây Nam của Thạch Hà…
Chân ruộng không đủ độ ẩm cho lúa đơm bông.
Vào thời điểm này, mực nước hồ Kẻ Gỗ - hồ chứa lớn nhất tỉnh ở vào khoảng 17,36m với dung tích hơn 46 triệu m3, chỉ đạt 13,5% so với thiết kế; sông Rác (13,47m), thấp hơn thiết kế 7,3m; hồ Ngàn Trươi (33m), thấp hơn mực nước thiết kế 18,3m. Các hồ đập nhỏ chỉ còn lại khoảng 20 - 40% mực nước thiết kế. Hồ đập, kênh mương Hà Tĩnh gần như đã đi đến cực điểm của khắc nghiệt.
Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, khu vực biển Đông đang hình thành vùng áp thấp, khả năng mạnh lên thành bão. Vài ngày tới, thời tiết Hà Tĩnh sẽ được chuyển sang mát mẻ, dịu nóng và khả năng gây mưa. Các nhà chức năng kỳ vọng, đây sẽ là đợt “mưa vàng” giải nhiệt cho đồng ruộng, đúng vào thời điểm lúa hè thu trổ bông tập trung, cứu hơn 44.000 ha lúa hè thu Hà Tĩnh.