Ruộng 'khát' nước cạnh kênh dẫn nước
Hàng chục hecta đất sản xuất nông nghiệp của người dân ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) dù nằm cạnh kênh dẫn nước nhưng 'khát' nước, trong khi ruộng đồng thì trông chờ vào nước trời.
Nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại xã Cẩm Thịnh, ghi nhận nhiều khu vực cánh đồng các thôn Sơn Trung, Tiến Thắng, Sơn Nam... của xã Cẩm Thịnh nằm ở địa thế bằng phẳng, màu mỡ, lại gần các tuyến đường giao thông nông thôn, đi lại thuận lợi, đặc biệt là cạnh tuyến kênh dẫn nước N2 thuộc hệ thống tưới nước của hồ Kẻ Gỗ. Tuy nhiên, tréo ngoe ở chỗ, hàng chục năm nay, những cánh đồng này không có nguồn nước tưới tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên phải bỏ hoang hóa lãng phí một vụ lúa, cỏ dại mọc um tùm, làm nơi chăn thả trâu bò.
Dẫn chúng tôi xuống kiểm tra đất ruộng bỏ hoang, ông Nguyễn Đình Hoàn, trưởng thôn Sơn Trung (xã Cẩm Thịnh) cho biết, toàn thôn có 158 hộ dân, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hàng chục năm nay, có ít nhất 5ha đất ruộng của 130 hộ dân ở khu vực cánh đồng Đồng Trằm và đồng Vực Su nằm cạnh tuyến kênh dẫn nước N2 phải bỏ hoang hóa một vụ lúa do không có nguồn nước tưới.
Theo ông Nguyễn Đình Hoàn, trước đây, khi triển khai xây dựng tuyến kênh dẫn nước N2, các đơn vị chức năng liên quan đã không tính toán đến việc tách làm kênh nhánh nên dù trên lòng kênh N2 nước dồi dào nhưng không thể dẫn nước xuống đồng ruộng ngay bên cạnh. Còn vụ lúa Đông Xuân tuy có sản xuất nhưng phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời nên diện tích đưa vào sản xuất cũng rất hạn chế. Rất mong chính quyền, cơ quan, ban ngành các cấp quan tâm, đầu tư hoàn thiện hệ thống mương tưới để hồi sinh những cánh đồng bỏ hoang này, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho biết, các thôn Sơn Trung, Tiến Thắng, Sơn Nam có hơn 50ha đất sản xuất nông nghiệp của khoảng 450 hộ dân (nằm ở vị trí đẹp, cạnh tuyến kênh dẫn nước N2) phải bỏ hoang một vụ lúa do không có nguồn nước tưới tiêu nên rất lãng phí quỹ đất. Chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần có ý kiến tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, làm tờ trình lên các cấp, cơ quan chức năng, trước mắt đề xuất hỗ trợ, đầu tư mở hệ thống mương tưới chính dài gần 1km đấu nối với kênh N2, làm trạm bơm tạo nước đầu nguồn và mở khoảng 2-3km mương nhánh nhỏ để chủ động cung cấp nước tưới tiêu, cứu số diện tích đất này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Cách xã Cẩm Thịnh khoảng hơn 60km, khoảng 40ha đất trồng lúa của 280 hộ dân ở thôn Thanh Hòa và 60 hộ dân ở thôn Mỹ Hòa (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nằm cuối tuyến kênh dẫn nước trục sông Nghèn cũng trong tình trạng bỏ hoang lãng phí vì không có nguồn nước tưới tiêu. Trong đó, vụ lúa Hè Thu bỏ hoang 100%, vụ lúa Đông Xuân do tận dụng được nguồn nước trời nên chỉ bỏ hoang khoảng 20-30%.
Ông Nguyễn Đức Quang, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, khoảng 40ha đất ruộng bỏ hoang từ hàng chục năm nay ở thôn Thanh Hòa và Mỹ Hòa đã khiến đời sống của người dân địa phương gặp ảnh hưởng không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là do trạm bơm và hệ thống kênh tưới có những bất cập.
Khi trạm bơm bơm nước cho xã Thạch Mỹ và xã Phù Lưu thì phía kênh ở đầu nguồn có hiện tượng nước tràn ra ngoài, vì vậy phải tắt máy bơm nếu không nước sẽ làm xói lở bờ kênh nổi, gây ngập lụt cục bộ những vùng xung quanh, thậm chí nguy cơ vỡ bờ kênh. Việc tắt máy bơm này đã khiến vùng cuối kênh ở xã Phù Lưu không có nguồn nước để tưới phục vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Đức Quang, tuyến kênh dẫn nước trục sông Nghèn từ xã Thạch Mỹ đến xã Phù Lưu kéo dài hơn 2km, được đầu tư xây dựng từ khoảng năm 2018. Tuy nhiên, thời gian qua, đoạn kênh đi qua địa bàn xã Phù Lưu không phát huy hiệu quả nên người dân và chính quyền đã kiến nghị, đề xuất lên cấp trên có giải pháp đầu tư nâng cao phía kênh đầu nguồn lên khoảng 30-40cm, chiều dài khoảng 400-600m để đảm bảo phục vụ nước tưới cho vùng cuối kênh nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ruong-khat-nuoc-canh-kenh-dan-nuoc-post768922.html