Hàng trăm năm nay người dân tại xã An Ngãi, thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn thủy chung với cái nghề truyền đời từ xưa của cha ông là làm muối.
Đây là cái nghề cực khổ phải phụ thuộc vào thời tiết. Người dân làm việc theo ánh mặt trời, miêu tả qua 4 chữ “nắng làm, mát nghỉ”.
Độ mặn và kết tinh của muối Long Điền khác biệt so với nơi khác, phù hợp hơn cho việc ướp cá, làm nước mắm. Muối làm ra có thể tiêu thụ ngay tại Vũng Tàu, bán cho các hộ ngư dân, ngoài ra còn xuất khẩu đi các tỉnh Tây Nam Bộ.
Diêm dân nơi đây thường bắt đầu vụ muối vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 4 năm sau (theo lịch âm). Đây là mùa nắng tại Vũng Tàu, thuận lợi cho việc sản xuất muối.
Với diện tích lên đến trên 573ha, Long Điền trở thành vựa sản xuất muối lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản lượng hằng năm vượt 70.000 tấn.
Từ nước biển làm ra muối là cả một quá trình, mất từ 10 - 15 ngày. Việc đầu tiên là làm mặt ruộng sau đó dẫn nước biển vào.
Tùy vào thời tiết, sau vài ngày chuyển nước biển sang ô thứ hai để nuôi mặn rồi lại cho vào ô chịu lắng để nước bốc hơi, kết tủa. Sau khi muối lắng lại dưới đáy, người dân sẽ cào lại.
Làm muối là một nghề nhiều cơ cực, thu nhập lại thấp. Nhưng đây là nghề truyền thống bao đời nên bà con không ai bỏ mà chỉ mong muối được mùa, được giá để có thêm thu nhập và bám trụ với nghề truyền thống của cha ông.
Với người diêm dân đội nắng giữa đồng thì những hạt muối trắng tinh phủ khắp mặt nước kết tinh từ mồ hôi, công sức của họ giống như thứ châu báu lấp lánh không gì sánh được. Các gò muối lấp lánh dưới nắng vàng lại mang vị ngọt, làm mát lòng người diêm dân.
Bài: Y Thanh - Ảnh: Mây Trắng/ Vietnam Travel