Rượu bia nguy hiểm thế nào với người lái xe?
Theo nhiều cấp độ, sử dụng rượu, bia sẽ gây tổn hại đến sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
40% tai nạn liên quan đến rượu, bia
Theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn vào loại cao trên thế giới (thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 22 trên thế giới). Rượu, bia là một trong những chất có nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Đức Chính, Khoa Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó trưởng bộ môn Y học Cấp cứu ngoại Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia cho biết, khi con người uống một lượng rượu, bia (đồ uống có cồn) vào cơ thể thì 20% lượng cồn được hấp thụ tại dạ dày, 80% ruột non sẽ hấp thụ và sau 30 - 60 phút toàn bộ lượng rượu sẽ được cơ thể hấp thụ hết. Tiếp đó, rượu sẽ được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%) và một lượng nhỏ (5 - 10%) thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Đức Chính, qua nghiên cứu về hành vi của con người sau khi sử dụng đồ uống có cồn, ở những liều lượng khác nhau thì con người có hành vi rất khác nhau, điều này tùy thuộc vào cơ địa của từng người (khả năng đào thải, thời gian hấp thụ), cụ thể như sau:
- Từ 0,01 - 0,05g/100 mililit máu: Cơ thể, người uống có triệu chứng gần như bình thường;
-Từ 0,03 - 0,12g/100 mililit máu: Con người sẽ cảm giác sung sướng, đi kèm với hành vi thích giao tiếp và nói nhiều, giảm ức chế, giảm cảm giác, hiệu suất công việc thấp;
- Từ 0,18 - 0,30g/100 mililit máu: Con người sẽ ở trạng thái kích động, đi kèm cảm xúc không ổn định, mất thăng bằng, giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, giảm phản xạ, hạn chế tầm nhìn và vận động;
- Từ 0,18 - 0,30g/100 mililit máu: Con người rơi vào trạng thái lẫn lộn và có biểu hiện mất phương hướng, rối loạn, chóng mặt, rối loạn thị giác, hình dạng chuyển động, tăng ngưỡng đau, trương lực cơ, dáng đi lảo đảo, nói nhiều;
- Từ 0,25 - 0,40g/100 mililit máu: Người uống rơi vào tình trạng thần kinh, giảm hoặc mất chức năng vận động, mất cảm giác, nôn mửa, ngủ hoặc kích thích;
- Từ 0,35 - 0,50g/100 mililit máu: Con người vào giai đoạn mê, với các triệu chứng bất tỉnh, mất hết phản xạ, giảm thân nhiệt, suy hô hấp, nguy cơ tử vong;
- Từ trên ngưỡng 0,50g/100 mililit máu: Con người sẽ tử vong với triệu chứng ngưng hô hấp không kiểm soát.
PGS. TS. Nguyễn Đức Chính đặt vấn đề, vậy rượu, bia ảnh hưởng thế nào đối với người điều khiển phương tiện giao thông? Theo chuyên gia này, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu trên 30 nghìn nạn nhân do tai nạn thương tích, trong đó TNGT chiếm gần 1/3, hầu hết là tổn thương nặng dẫn đến tử vong. Mỗi ngày, trung bình từ 3 - 4 nạn nhân tử vong hoặc nặng xin về, đa số là bệnh nhân trẻ, đang độ tuổi lao động, trong đó nhiều vụ TNGT nạn nhân có sử dụng rượu, bia.
Qua phân tích, 40% vụ TNGT liên quan đến rượu, bia, trong đó 76% nạn nhân ở độ tuổi dưới 45, 80% các vụ tai nạn nạn nân sử dụng xe mô tô, 45% các nạn nhân chấn thương chi, 40% nạn nhân chấn thương sọ não và 62% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu cao.
"Đối với những người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia, tùy từng ngưỡng khác nhau sẽ có các hành vi khác nhau, nhưng cơ bản sẽ ở các hình thức: Bốc đồng - đi kèm với chạy tốc độ cao; kích thích - không làm chủ được hành vi; ức chế bộ não - buồn ngủ; giảm phản xạ và thị lực, giảm 10 - 30% phản xạ khi gặp các tình huống trên đường, ước lượng sai về khoảng cách và sẽ gây tai nạn", PGS. TS. Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh tác hại của việc lạm dụng rượu, bia khi lái xe.
Gánh nặng cho gia đình và xã hội
Đồng quan điểm, PGS. TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Cộng đồng cho rằng, rượu, bia sẽ làm cho người ta giảm sự ức chế và hạn chế khả năng phán đoán của người điều khiển phương tiện và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, đồng thời làm thay đổi tâm trạng, ảnh hưởng đến tiểu não (giúp điều chỉnh sự cân bằng) và vỏ não (chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin mới).
Điều này cho thấy ở một số vụ TNGT, chống người thi hành công vụ xảy ra gần đây hầu hết đều do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Ví dụ như vụ việc xảy ra tại Bắc Giang vào tối ngày 24/1, tổ công tác Công an huyện Tân Yên tiến hành dừng ô tô bán tải BKS 29H-551.42 để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh mà điều khiển ô tô đâm thẳng vào tổ công tác, làm Trung úy Nguyễn Văn Tấn bị thương. Sau khi bị bắt, tài xế khai nhận trước đó đã uống rượu sau đó lái xe về nhà.
Một vụ việc chống người thi hành công vụ điển hình khác xảy ra vào khoảng 20h ngày 21/1, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Thời điểm đó, tổ công tác thuộc Đội CSGT - TT (Công an TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn trên đường Trần Phú, yêu cầu tài xế ô tô BKS 37K-270.92 chạy hướng từ vòng xuyến Sen Vàng (TP. Vinh) đi Ngã sáu Lê Mao, điều khiển xe đi vào lề đường bên phải để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh, tiếp tục điều khiển xe lùi lại rồi quay đầu. Tổ công tác gồm 6 cán bộ chiến sỹ CSGT đứng xung quanh xe yêu cầu tài xế dừng xe, xuống làm việc nhưng tài xế vẫn đạp ga tông vào các thành viên tổ công tác. Sau đó, tài xế đi ngược chiều, bỏ chạy với tốc độ cao qua nhiều tuyến phố... mới bị lực lượng chức năng dừng xe. Quá trình xác minh, kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, tài xế điều khiển xe BKS 37K-270.92 đã sử dụng rượu, bia trước đó và vi phạm mức 0,399 mg/l khí thở.
Theo PGS. TS. Nguyễn Đức Chính, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông ngoài mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Rượu, bia làm trầm trọng thêm các chấn thương, khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, tăng tỷ lệ tử vong, đặc biệt là gánh nặng về kinh tế cho gia đình nạn nhân, y tế cho xã hội.
"Đừng để mất cơ hội sống do rượu, bia", PGS. TS. Nguyễn Đức Chính trải lòng.