Rượu chuột bao tử, thứ đồ uống khiến nhiều người tái mặt có thật sự đại bổ?
Nhiều du khách khi đến các nước châu Á vô cùng kinh ngạc khi thấy rượu chuột bao tử. Người sợ hãi tránh xa trong khi có người lại muốn thử loại đồ uống kinh dị này.
Chuột bao tử ngâm rượu được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhiều người tin rằng đem những con chuột đỏ hỏn vừa sinh ra đi ngâm rượu, khi uống sẽ rất bổ, có tác dụng khu phong, bổ huyết, rất tốt đối với bệnh nhân bị phong thấp, thấp khớp. Họ quả quyết việc dùng rượu ngâm chuột, đặc biệt là loại chuột bao tử còn chưa mở mắt rất tốt cho sức khỏe.
Theo các thầy thuốc thời xưa, chuột bao tử, các loại bào thai hoặc con non mới sinh của một số loài vật rất giàu đạm và bổ dưỡng. Chúng thường được dùng làm thuốc bổ khí, dưỡng huyết, chữa các chứng hư lao, suy nhược, thận hư tinh kém, đau lưng, mỏi gối.
Tương truyền, thời xưa người dân không mua được các loại thuốc đắt tiền để chữa bệnh nên đã sử dụng loại rượu này điều trị. Tuy nhiên cho đến nay hiệu quả của rượu chuột vẫn không được các nhà khoa học công nhận và xác thực. Mặc dù vậy, ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác rượu ngâm chuột bao tử vẫn tồn tại và được ưa chuộng.
Những người từng nếm loại rượu này cho biết, rượu chuột bao tử có nồng độ cồn tương đối cao và vị khá giống xăng. Trong bình rượu bạn thực sự có thể nhìn thấy hình hài của những con chuột non.
Theo tìm hiểu, loại chuột dùng để ngâm rượu phải là chuột mới sinh, tối đa chỉ 3 ngày tuổi, tốt nhất là loại chuột chưa mở mắt, được dùng rượu rửa sơ qua rồi cho vào bình ngâm. Chuột càng ít ngày tuổi được cho là càng bổ dưỡng. Thời gian ngâm rượu cũng khá dài, khoảng 12-14 tháng. Chuột ngâm trong rượu, protein trong cơ thể chúng sẽ dần bị phân hủy thành các axit amin hòa tan trong rượu, nhờ đó, người uống dễ dàng hấp thụ hơn.
Tuy nhiên, trái với niềm tin của một số người vào tác dụng thần kỳ của rượu chuột bao tử, nhiều bác sĩ khẳng định bản thân chuột không phải là thực phẩm an toàn và mang rất nhiều vi khuẩn, virus, ký sinh trùng cũng như bệnh dịch hạch. Dùng để ngâm rượu, chúng vẫn có khả năng lây mầm bệnh cho con người.
TS.BS Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cho biết, “rượu chuột” không phải là món mới lạ gì. Không chỉ Việt Nam, cư dân nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều ăn thịt chuột vì loài vật này có lượng mỡ ít và độ đạm cao. Trong Đông y, những sách cổ của các danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đều ghi rõ, thịt chuột tính ngọt và âm, có tác dụng làm lành vết thương và liền xương gãy.
“Tuy nhiên, việc ăn thịt chuột tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì chúng mang nhiều mầm bệnh như dịch hạch, phó thương hàn, virus Hanta… ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người”, bác sĩ Tuyến cho biết.
Chuột bao tử cũng không phải là nguyên liệu lạ trong Đông y, điển hình là món “sâm thử” đã được Từ Hy Thái Hậu (nhà Thanh, Trung Quốc) sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Chuột được nuôi bằng nhân sâm và nhiều loại chất bổ khác, gọi là đời F1. Cho F1 sinh sản, người ta tiếp tục nuôi F2 trong môi trường bổ dưỡng như trên, đến thế hệ chuột thứ 3 sinh ra mới được sử dụng làm thức ăn.
Từ Hy Thái Hậu còn thả chuột vào bát nhân sâm, để chuột uống sâm rồi mới ăn. “Sách vở không nói về việc chuột bao tử có tác dụng làm tăng cường sinh lý cho phái mạnh, chỉ xem là một món ăn bổ dưỡng. Thật ra, các chất bổ ở đây chính là từ nhân sâm, chuột “bao tử” chỉ như một công cụ để chuyển hóa, cho cơ thể con người dễ hấp thu hơn”, bác sĩ Tuyến phân tích.
Chuột là loài động vậttiềm ẩn đầy nguy cơ với sức khỏe con người nên việc dùng chuột bao tử để bồi bổ là rất vô lý, vì chúng không khác gì nhiều động vật khác nhưng lại không đủ an toàn. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chuột chủ yếu qua đường nước tiểu và chứa trong gan, nội tạng, nên dù chưa bị nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, chuột vẫn có thể mắc từ chuột mẹ.
Không chỉ phủ nhận tác dụng của chuột bao tử, bác sĩ Tuyến còn nhấn mạnh, mọi thông tin cho rằng rượu chuột là thuốc bổ, thuốc tăng cường sinh lý… đều không có căn cứ: “Trước đây, từng rộ lên phong trào rượu ngâm cây bao báp, rượu ngâm mật bò tót… nhằm cải thiện sinh lực nhưng thực tế đều không có tác dụng. Bản thân rượu đã là chất độc hại, ảnh hưởng tới gan, thận. Nếu người sử dụng cứ chạy theo phong trào thì không những không được bồi bổ mà còn có tác dụng ngược”.
Minh Hoa (t/h)