Rượu, dưới góc nhìn của bác sĩ

Ngày tết không thể thiếu được chén rượu đó là quan niệm của rất nhiều người. Thế nhưng ngày tết cũng có rất nhiều câu chuyện những hệ lụy đau lòng từ rượu mà ra.

Nhiều người uống rượu say rồi đi tìm thuốc giải rượu, người thì nghe theo lời mách uống nước chanh muối, nước cam… để nhanh giã rượu…

Để hiểu rõ về thực hư của tác dụng giải rượu như trên đến đâu, mời bạn đọc cùng tìm hiểu về rượu dưới góc nhìn của bác sĩ chuyên khoa cấp cứu Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.

Rượu vốn là món đồ uống tồn tại song hành cùng quá trình phát triển loài người, chúng được làm ra từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều là sản phẩm của quá trình lên men và kết quả thành phần chính có chứa ethanol (nôm na gọi là cồn).

Về mặt dinh dưỡng, Ethanol được xếp vào nhóm khẩu phần ăn sinh năng lượng. Khi vào cơ thể, chúng mang lại số Calo còn cao hơn cả cơm và thịt. Đó là lý do những người uống bia thường xuyên, lại ít tập luyện sẽ có nguy cơ tích lũy năng lượng thành mỡ, làm bụng tròn to, riêng những người nghiện rượu quá nặng, chỉ uống mà không ăn nên thiếu năng lượng và sự cân bằng dưỡng chất, nên người gầy.

Lượng calo có trong thực phẩm dưới đây cho thấy rượu chứa rất nhiều calo

1g Glucid (đường, tinh bột) cho 4 Calo
1g Protid (thịt) cho 4 Calo
1g Lipid (mỡ) cho 9 Calo
Còn 1g Ethanol (rượu, bia) cho 7 Calo

Khi vào máu, 90% rượu sẽ được chuyển hóa qua gan rồi thải ra ngoài, 10% còn lại thải nguyên qua hơi thở, da và nước tiểu. Nhiều người luôn có cảm giác rất sợ khi ngồi cạnh ai đó uống nhiều rượu vì hơi thở họ phả ra. Bạn có biết đó là gì không?, đó là mùi ceton và các chất trung gian qua chuyển hóa rượu cùng 1 phần bản thân rượu bay qua hơi thở tạo ra.

Nhiều người có quan niệm uống xong đi Karaoke sẽ giải được rượu là sai hoàn toàn. Hò hát nhiều gây tăng thông khí, khiến CO2 hòa tan trong máu bị giảm xuống gây tình trạng kiềm hô hấp( pH máu tăng vọt lên gây ra rất nhiều hệ lụy như mỏi cơ, chuột rút...).

Cũng có nhiều người uống rượu say được người nhà pha nước chanh, nước cam hay các loại nước được truyền miệng là để giải rượu…sự thực là về cơ bản chúng không có tác dụng giải rượu gì cả. Việc uống nước chanh, nước cam, cà chua… chỉ cho thêm acid vào máu mà thôi và như vậy làm cho cơ thể càng mỏi.

Ethanol sẽ gây tăng áp lực thẩm thấu cho máu, do đó dù có uống hàng chục cốc bia, về nhà vẫn có cảm giác khát và háo nước. Kèm theo lá gan nỗ lực gấp rút chuyển hóa rượu rồi thải ra ngoài dưới dạng acid lactic cùng 1 số sản phẩm trung gian, nên các tế bào sẽ bị nhiễm toan chuyển hóa nhẹ. Toan chuyển hóa cùng kiềm hô hấp kết hợp với nhau sẽ khiến cơ nhão ra và đó là nguyên nhân vì sao uống rượu hôm nay mà say đến hôm sau người mệt rũ.

Đáng sợ nhất là uống liên tục mà không ăn gì, hoặc uống say quá nôn thốc tháo, về nhà nằm ngất, lúc ấy nguy cơ hạ đường huyết sẽ xuất hiện và sẽ triệu chứng bị che mờ bởi cơn say. Nhiều người tử vong trong trường hợp này. Vậy nên nếu có say không nên đi ngủ ngay nên uống 1 chút nước đường trước khi đi ngủ để tránh hạ đường huyết.

Người ta đã khuyến cáo 1 ngày 1 người chỉ nên uống 1 lon bia, 1 ly rượu vang tiêu chuẩn khoảng 120ml, hoặc ly rượu mạnh thì khoảng 40ml. Vì sao người ta lại khuyến cáo như vậy?. Bởi vì, cơ thể 1 người lớn bình thường 1 ngày chuyển hóa được khoảng 14g ethanol. Vậy khuyến cáo để an toàn khỏe mạnh thì chỉ nên uống khoảng chừng đó mà thôi.

1 lon bia 5% 330ml có khoảng 16g cồn.
1 ly rượu vang 11-14% rót đúng tiêu chuẩn khoảng 120 ml cho khoảng 13-16g cồn.
1 ly rượu mạnh 40ml cũng cho khoảng 16g cồn.

Rượu sẽ hấp thu 20% ở dạ dày, còn lại ở hệ thống đường ruột. Vậy nên nếu không thể từ chối được thì bạn cần làm đầy cái dạ dày trước . Để 'câu giờ' cho lá gan hoạt động cật lực chuyển hóa bớt cồn ngấm vào trong máu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo 1 ngày không nên dùng quá 2 đơn vị tiêu chuẩn cồn, nghĩa là không quá 26g để lá gan làm việc không quá tải.

Việc lấy bia ra để uống cho giải rượu, chỉ làm nặng thêm tình trạng mà thôi.

Methanol, là cồn công nghiệp, uống vào sẽ gây độc thần kinh và chết người.

Đa phần những ngày tết mọi người đều 'tặc lưỡi' thôi uống cho vui và hậu quả là ngộ độc, tai nạn… tăng vọt lên.

Những vấn đề tôi vừa viết ở trên là vấn đề về chuyển hóa cơ bản. Còn tác dụng sinh học của rượu lên chuyển hóa tế bào và hệ thần kinh ngay lập tức và lâu dài thế nào sẽ để dành cho bài khác.

BS. Ngô Đức Hùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ruou-duoi-goc-nhin-cua-bac-si-cap-cuu-169230115152835092.htm