Rượu Hà Nội bước vào năm thua lỗ thứ 8
Trong quý đầu tiên của năm 2023, Halico vẫn tiếp tục báo lỗ ròng 1,2 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ sang năm thứ 8 liên tiếp.
Theo báo cáo tài chính quý I, Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico - HNR) vẫn thu về 28,3 tỷ đồng doanh thu thuần, không chênh lệch đáng kể so với con số 28,6 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ sản phẩm rượu vẫn chiếm 93%, tương đương hơn 26 tỷ đồng, phần còn lại là doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và doanh thu khác.
Dù doanh thu thuần giảm nhẹ, việc điều chỉnh giá vốn hàng bán cùng hàng loạt đầu mục chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm đã giúp lỗ sau thuế của Halico thu hẹp từ 3,6 tỷ đồng kỳ trước xuống còn 1,2 tỷ đồng.
Dẫu vậy, đây vẫn là quý thua lỗ thứ 24 liên tiếp của doanh nghiệp sản xuất rượu này kể từ quý II/2017. Đến nay, Halico đã lỗ lũy kế 471 tỷ đồng.
Việc tiếp tục thua lỗ trong quý I năm nay cũng khiến ông chủ thương hiệu rượu Vodka Hà Nội bước sang năm thua lỗ thứ 8 liên tiếp.
Theo báo cáo tài chính của Halico, tài sản của công ty không thay đổi nhiều so với đầu năm, vẫn ở mức 365 tỷ đồng. Trong, phần lớn nằm ở tài sản ngắn hạn (chiếm 63,5%). Các khoản tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp đã tăng gấp đôi từ 9,7 tỷ đồng lên 18,1 tỷ đồng.
Mặt khác, khoản tiền gửi trong ngân hàng của doanh nghiệp giảm từ 5,7 tỷ đồng xuống 2,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Halico cũng có khoản tiền gửi ngắn hạn dưới 12 tháng trị giá 105,9 tỷ đồng và một khoản phải thu quá hạn thanh toán khó đòi trị giá 10,5 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng.
Khoản nợ phải trả của Halico tăng nhẹ lên 23,2 tỷ đồng vào cuối tháng 3, tất cả đều là nợ ngắn hạn. Trong đó, khoản nợ lớn nhất là tiền thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Công ty cũng đang nắm quỹ đầu tư phát triển trị giá 613 tỷ đồng.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 126 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2022. Lỗ trước thuế kỳ vọng giảm từ gần 17 tỷ đồng xuống 15 tỷ đồng.
Công ty Rượu Hà Nội tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội xây dựng từ năm 1898, là nhà máy sản xuất cồn rượu đầu tiên tại Việt Nam.
Ở thời hoàng kim, nhà máy này chiếm đa số thị phần rượu phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Hãng thậm chí từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất thị trường, với mức tăng bình quân 25%/năm.
Tuy nhiên, bước ngoặt kinh doanh của công ty đến sau khi hoạt động buôn lậu rượu bị phanh phui với chuyến hàng rỗng xuất khẩu sang Lào ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Kết quả là hàng loạt lãnh đạo công ty bị khởi tố hình sự và hoạt động kinh doanh lao dốc.
Ban lãnh đạo công ty cũng từng thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục là do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, bao bì.
Trong khi đó, hãng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất rượu trong và ngoài nước. Đặc biệt, các nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm giả của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ruou-ha-noi-buoc-vao-nam-thua-lo-thu-8-post1422730.html