Rượu lậu, rượu giả lộng hành thị trường tết

Tết Nguyên đán đang rất gần, buôn bán rượu ngoại lại 'nóng' hơn bao giờ hết. Và một thực tế là nguy cơ xâm lấn thị trường của nạn rượu lậu, rượu giả...

1.900 chai rượu nhãn hiệu Chivas 18, không có hóa đơn chứng từ

1.900 chai rượu nhãn hiệu Chivas 18, không có hóa đơn chứng từ

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết 1.900 chai rượu nhãn hiệu Chivas 18, không có hóa đơn chứng từ vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện và thu giữ khi đang lưu thông theo hướng bắc nam qua địa bàn tỉnh Phú Yên. Đây là vụ vận chuyển rượu quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện và thu giữ.

Kiểm tra 1.900 chai rượu nhãn hiệu Chivas 18 không có hóa đơn chứng từ

Kiểm tra 1.900 chai rượu nhãn hiệu Chivas 18 không có hóa đơn chứng từ

Lực lượng chức năng đã kiểm tra xe mang BKS 75C- 052.98 do tài xế Nguyễn Thanh Tuấn, trú quán tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế điều khiển lưu thông qua tỉnh theo hướng bắc nam.

Qua kiểm tra phát hiện trên phương tiện vận chuyển 318 thùng với 1.908 chai rượu Chivas 18 trị giá 2,8 tỉ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Tuấn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số rượu này.

Làm việc với lực lượng chức năng, bước đầu tài xế khai nhận, số rượu này Tuấn nhận tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, chở đi giao tại TP.HCM. Toàn bộ số rượu nhãn mác nước ngoài, nhưng không có tem nhập khẩu.

Công an TP.Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình mới đây cũng phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh bắt giữ ô tô tải lưu thông theo hướng nam bắc vận chuyển 885 chai rượu do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Người vận chuyển đã cất giấu những chai rượu vào trong các thùng trái cây nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.

Trước đó, lực lượng chức năng huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũng phát hiện một cơ sở kinh doanh rượu lậu số lượng lớn. Bên cạnh việc xử lý nghiêm theo quy định, số hàng hóa này cũng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật về môi trường.

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý, riêng về mặt hàng rượu là 336 vụ, phạt tiền 4.272.000.000 đồng; số lượng hàng hóa vi phạm 6.470 chai rượu nhập lậu; 1.277 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ; 4.285 chai vi phạm nhãn; 2.745 chai vi phạm hợp quy; 13.353 chai vi phạm khác.

Đối với mặt hàng bia, đã xử lý 101 vụ, phạt tiền 1.104.000.000 đồng, số lượng hàng hóa vi phạm: 272.616 chai bia nhập lậu; 1.360 chai quá hạn sử dụng; 39.300 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ.

"Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng rượu bia bất hợp pháp càng gia tăng do sức mua ngày càng tăng. Hơn nữa nguồn cung trên thế giới bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân, lượng hàng hóa bị hạn chế, sẽ dẫn đến các sản phẩm "thay thế" như hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tràn vào", ông Lê nói.

Ông cũng cho biết, tình trạng rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, gây thất thu thuế cho nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính và đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

"Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng, đặc biệt buôn bán online. Thậm chí, có những nhóm người thuê nhân viên dán tem nhãn giả hoàn thiện sản phẩm và giao bán cho những người có nhu cầu sử dụng qua giao dịch trên mạng internet...", ông Lê nói thêm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng thông tin, trong năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm đã giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm với hậu quả tương đối lớn như, ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trường học. Đặc biệt, càng gần Tết Nguyên đán, số bệnh nhân ngộ độc rượu lại có xu hướng gia tăng. Do đó, các tỉnh thành như Hà Nam, Bắc Ninh... cũng đã có kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm ngăn chặn các vụ rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp bán ra thị trường.

"Cục An toàn thực phẩm sẽ công bố công khai danh tính, địa chỉ các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng nắm được. Các địa phương sẽ công bố công khai trên hệ thống thông tin của xã, phường. Ở cấp trung ương sẽ đăng tải trên các website của bộ, ngành.

Theo quan điểm của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, các đoàn đi thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm phải lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay để nhanh chóng có kết quả và thông tin đến người tiêu dùng sớm nhất. Đảm bảo trước Tết các thông tin về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm phải được công khai để người tiêu dùng biết", đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ruou-lau-ruou-gia-long-hanh-thi-truong-tet-213477.html