Rượu pha chế từ cồn công nghiệp gây chết 10 người ở TPHCM nguy hiểm ra sao?
Trong số hơn 20 nạn nhân nhập viện đã có 10 người tử vong liên quan đến rượu pha chế từ cồn công nghiệp methanol. Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cảnh báo, loại rượu này khi đi vào cơ thể sẽ trở thành chất kịch độc, nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi ghi nhận các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, đặc biệt làm 10 người uống tử vong, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực Phẩm, TPHCM cho biết, Ban đang khẩn trương phối hợp với các lực lượng liên quan của chính quyền địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân.
Đến nay, số ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Thống Nhất là hơn 20 trường hợp. Sau khi ghi nhận các yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca ngộ độc thực phẩm, Ban đang tiến hành kiểm tra, truy xuất, ngăn chặn các sản phẩm rượu không đảm bảo an toàn lưu thông ngoài thị trường.
Sáng 14/10, thông tin từ Ban quản lý An toàn Thực phẩm cho biết, quá trình điều tra bước đầu, Ban đã phát hiện một số đơn vị nghi ngờ và đang lấy mẫu phân tích hàm lượng methanol để củng cố hồ sơ, xử lý hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ban An toàn Thực phẩm Thành phố cảnh báo, tình trạng ngộ độc rượu xảy ra là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm. Phương pháp sản xuất rượu bằng cách lên men thủ công dễ tạo ra methanol. Nguy hiểm hơn vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đang sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha chế thành rượu bán cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, có tình trạng người nghiện rượu có mức thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, không đủ điều kiện mua rượu có nguồn gốc xuất xứ đã tự mua cồn công nghiệp về pha chế thành rượu để thỏa mãn cơn say. Ngoài ra, ngộ độc rượu còn có thể đến từ những loại rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật có chứa các độc tố tự nhiên.
Riêng loại rượu pha chế từ cồn công nghiệp methanol, chất được phát hiện gây ngộ độc và tử vong cho các nạn nhân trên địa bàn Thành phố thời gian qua được xác định là chất kịch độc khi đi vào cơ thể.
Theo phân tích của TS. BS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Thống nhất, ở điều kiện bình thường khi tiếp xúc methenol không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, khi đi vào cơ thể qua đường uống, methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, oxy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong.
Độc tính của Methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt… Trên thực tế, 2 bệnh nhân đã được điều trị qua giai đoạn nguy kịch sau ngộ độc methanol tại Bệnh viện Thống Nhất đang đối mặt với nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.
Những trường hợp ngộ độc methanol nhẹ thường có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Ngộ độc rượu pha chế từ methanol thường gây nhiều khó khăn trong điều trị, nguy cơ tử vong cao, những trường hợp may mắn qua khỏi cũng có thể đối mặt với những di chứng nặng nề. Để tránh tình trạng trên, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.