Rút BHXH một lần: Đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi ích tương lai

Theo các chuyên gia, cần tuyên truyền để người lao động hiểu rằng khi rút BHXH một lần sẽ gây ra bất lợi kép về hiện tại và tương lai. Bởi, khi rút ra người lao động không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn và tương lai không còn được đảm bảo.

Độ tuổi rút BHXH một lần ngày càng trẻ hóa

Tại hội thảo “Tương lai nào cho người lao động – nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?” ngày 10/6 do báo Tiền Phong tổ chức, PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, qua độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Một nghiên cứu từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là 2 năm trở lại đây có 4,8 triệu người rút một lần.

PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Nguồn: BTC

Bài liên quan

BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19

Cảnh báo tình trạng mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH

Lợi ích thiết thực của việc hưởng lương hưu khi tham gia BHXH

Tham gia BHXH: Người lao động yên tâm vì lương hưu luôn được điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống

Năm 2021, qua khảo sát nhóm người 30 đến 40 tuổi - nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong dân số Việt Nam và cũng là nhóm người lao động chính thì chỉ 15% số người được khảo sát có tiết kiệm; có 22% đang có một khoản đầu tư và thu nhập chủ yếu dựa vào tiền công, tiền lương. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, có đến 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm 20-30% so với trước dịch.

"Vấn đề mức lương đóng BHXH cũng đang là một vấn đề cần quan tâm và thanh tra, giám sát chặt chẽ bởi hiện nay mức đóng BHXH đang là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Đa số doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động không đúng với mức lương mà thấp hơn rất nhiều. Do đó, cần tuyên truyền, phân tích để người lao động hiểu rõ về mức đóng và thụ hưởng bảo hiểm sau này, không nên vì lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi ích trong tương lai", PGS.TS Giang Thanh Long nêu.

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Nguồn: BTC

Trong khi đó, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ trọng rất cao đến 95-97%. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất (người thu nhập thấp, người nghèo) thì lại không tham gia.

TS. Minh Tiến cũng nêu lên một thực trạng đáng lo ngại là theo đánh giá chung, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…

"Hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng phải rút BHXH một lần do cuộc sống quá khó khăn trước mắt. Đồng thời, cũng vì họ lo sợ chính sách BHXH thay đổi và thiệt thòi hơn về sau", TS. Minh Tiến nói.

Cần tuyên truyền đúng đắn để người dân hiểu rõ

Do đó, ông Tiến đề nghị cần có công tác tuyên truyền đúng đắn cho người dân để hiểu rõ vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động trong thời gian tới.

Hội thảo “Tương lai nào cho người lao động – nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?” - Nguồn: BTC

PGS.TS Thanh Long đồng thời cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của người lao động là điều rất quan trọng. Dẫn chứng một số nước Châu Phi cho thấy, việc hỗ trợ trẻ em giúp cho các gia đình bớt đi gánh nặng, bố mẹ trẻ sẽ có nguồn lực để tham gia BHXH. Hay như Thái Lan hiện cũng đang thúc đẩy phát triển quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em mới sinh ra trong mỗi gia đình và mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 trẻ em, đảm bảo vấn đề nuôi con cái trong thời gian đầu, để bố mẹ trẻ có thu nhập thấp có thể tham gia BHXH.

“Việc rút bảo hiểm một lần là quyền của người lao động nhưng tuyên truyền để người lao động hiểu là khi rút một lần thì gây ra bất lợi kép về hiện tại và tương lai, bởi khi rút ra thì không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn và tương lai không còn được đảm bảo. Đề xuất phải cố gắng chuyển từ bảo trợ xã hội sang BHXH, ngay từ khi còn trẻ phải được tham gia BHXH để tích lũy cho chính mình và sau này tránh phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người khác”, PGS.TS Thanh Long nói.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP. HCM - Nguồn: BTC

Đại diện Liên đoàn Lao động TP. HCM, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật cho biết, trong thời gian tới, liên đoàn sẽ chủ động giám sát về thực hiện các chế độ chính sách về lao động, bảo hiểm, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên người lao động, tăng cường thêm ít nhất 10% giá trị bữa ăn ca cho người lao động, hỗ trợ kịp thời các gia đình công nhân nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn…

Tổ chức Tài chính vi mô CEP xây dựng các sản phẩm tài chính phù hợp, chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn, đa dạng mở thêm các gói sản phẩm mới với mức vay ít (10-20 triệu đồng), thủ tục đơn giản, tăng cường phát vay hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động, chống tín dụng đen.

"Liên đoàn Lao động TP. HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022, chỉ đạo các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, để có tiền lương đủ sống cho người lao động", ông Nguyễn Thành Đô trình bày.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/rut-bhxh-mot-lan-dung-vi-loi-ich-truoc-mat-ma-danh-mat-loi-ich-tuong-lai-post198530.html