Rút gọn quy định văn bằng, chứng chỉ trong công tác tổ chức, cán bộ: Việc cần làm ngay

Chưa khi nào tại Hội trường Quốc hội, vấn đề quy định bằng cấp, chứng chỉ trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, nâng lương, thi nâng ngạch lại được các đại biểu thảo luận sôi nổi và tỏ ra không hài lòng với 'rừng' văn bản hiện tại. Tựu chung, các đại biểu đề nghị đã đến lúc cũng phải 'cải cách hành chính' trong công tác cán bộ, nâng lương, thi nâng ngạch công chức, viên chức theo hướng gọn nhẹ để đạt mức 'hồng- chuyên'.

Câu chuyện của hiện tại

Quy đinh bằng cấp là cần thiết, song quy định thế nào để giữ đúng nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”, không phức tạp hóa quy trình chuẩn hóa, bổ nhiệm mà vẫn có được cán bộ quản lý, đội ngũ chuyên môn giỏi là điều cần xem xét.

Hiện nay công chức, viên chức đang phải tham gia các lớp học để đáp ứng yêu cầu văn bằng, chứng chỉ (ảnh mang tính minh họa)

Hiện nay công chức, viên chức đang phải tham gia các lớp học để đáp ứng yêu cầu văn bằng, chứng chỉ (ảnh mang tính minh họa)

Có một thức tế ở nước ta hiện nay, đa số ở các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, ngoài bằng đại học, muốn được bổ nhiệm ở vị trí quản lý (không xét các cơ quan nghiên cứu, đào tạo), điều kiện cần là viên chức, công chức phải nên có thêm văn bằng thạc sĩ, có khi đến bậc tiến sĩ. Còn ở góc độ chính trị, để được đề bạt, quy hoạch và sắp xếp cán bộ quản lý, lãnh đạo ở cấp phòng, ban thì điều kiện đủ phải có thêm bằng trung cấp lý luận chính trị…

Chưa hết, trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, còn quy định cả các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và bằng quản lý chuyên ngành (lĩnh vực được bổ nhiệm). Ngay đến thi nâng ngạch lương, những người được biên chế (viên chức, công chức) trong cơ quan đòi hỏi phải có bằng tiếng Anh A1, bằng quản lý chuyên ngành, trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đấy là chưa kể những bằng câp tự học để “đánh bóng” hồ sơ như cử nhân luật, cử nhân kinh tế, quản lý này, quản lý kia…

Ngay tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo sửa đổi một số điều Luật cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho hay: “Trong công tác cán bộ hiện nay vẫn đòi hỏi đến 7 chứng chỉ, bằng cấp, điều kiện liên quan. Một là bằng đại học, hai là lý luận chính trị, ba là quản lý nhà nước, tư là chứng chỉ bồi dưỡng chức danh, năm là chứng chỉ tin học, sáu là chứng chỉ ngoại ngữ, bảy là chứng chỉ quốc phòng".

Lời hứa của Bộ trưởng về “bãi bỏ” những rườm rà

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc quy định nhiều văn bằng, chứng chỉ gây phiền hà, thủ tục rườm rà, thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi quy định. Về hướng sửa đổi, Bộ trưởng Tân cho biết, Bộ Nội vụ sẽ sửa theo hướng đơn giản thủ tục. Chẳng hạn, nếu tuyển dụng công chức, viên chức đầu vào thì sẽ có nhiều cách khác nhau, như có thể thi viết hoặc thi trên máy. Kiểm tra trình độ tin học và ngoại ngữ cũng đều trên máy, chứ không yêu cầu phải nộp kèm chứng chỉ trong hồ sơ. Cụ thể, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ, chúng ta sẽ thành lập hệ thống kiểm định chất lượng đầu vào thống nhất trong phạm vi cả nước, hoặc theo khu vực.

Ví dụ sẽ kiểm tra về kiến thức chuyên môn, hay kiểm tra trình độ ngoại ngữ, tin học. Khi kiểm định thì sẽ làm trên máy tính. Người đã nhận được chứng nhận đạt chất lượng đầu vào thì về địa phương chỉ cần phỏng vấn để phù hợp với từng vị trí việc làm, chứ không có việc thực hiện quy trình tuyển dụng hai lần. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đây sẽ là cách sắp xếp quy trình thủ tục, phương pháp làm, thành lập một trung tâm để kiểm định chung cho cả khu vực, hoặc trung tâm kiểm định theo lĩnh vực cho từng ngành nghề.

Từng bước bỏ việc thi, xét nâng ngạch

Có một thực tế hiện nay, theo chiến lược về công tác quản lý nhà nước liên quan đến cán bộ và chính sách tiền lương của Chính phủ, thì đến năm 2021 sẽ không còn chế độ phụ cấp chức vụ mà trả lương theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ văn bản từ phía Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng, dẫn đến việc các bộ, ngành, địa phương vẫn cứ tổ chức xét nâng ngạch lương; thi chuyên viên chính.

Còn về phía Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thì hứa, các loại văn bằng chứng chỉ để thực hiện quy trình nâng lương, nâng ngạch sẽ yêu cầu theo từng vị trí việc làm cụ thể, chứ không cào bằng như hiện nay. Ví dụ như vị trí vụ trưởng, cục trưởng, thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế thì tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ là bắt buộc. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện Bộ đã phê duyệt về vị trí việc làm với công chức trong các cơ quan hành chính.

Sinh thời, Bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, bởi vậy việc áp dụng các tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ thời gian qua không ngoài mục đích nào hơn là để siết chặt công tác quản lý cũng như nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm ưu việt, xét trong bối cảnh hiện nay khi toàn hệ thống chính trị từ Đảng, đến Chính phủ đang tích cực triển khai công tác “đơn giản hóa thủ tục hành chính”, tiến tới xây dựng nền hành chính phục vụ, nền hành chính liêm chính, lấy chất lượng thay số lượng, lấy hiệu quả công việc thay số lượng bằng cấp, chứng chỉ, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng đã đến lúc ngành Tổ chức của Đảng và Bộ Nội vụ phải tổng rà soát lại các quy định văn bằng, chứng chỉ hiện tại để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho ý kiến. Tổng rà soát thế nào, tham mưu ra sao phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản” Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, nhưng phải đơn giản hóa thủ tục bằng cấp, chỉ chú trọng bằng cấp chuyên môn và năng lực thực tế của cán bộ, công chức, viên chức…

Còn với hệ thống viên chức thì theo Nghị định 161, Chính phủ phân cấp cho bộ ngành địa phương phê duyệt đề án vị trí việc làm với từng nơi. Cụ thể, tới đây trong chính sách tiền lương theo đề án vị trí việc làm, chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất, là người có chức danh lãnh đạo, quản lý. Nhóm thứ hai, là chuyên môn nghiệp vụ. Nhóm thứ ba là chuyên môn nghiệp vụ dùng chung, có thể là thanh tra, văn phòng, tổ chức. Nhóm thứ tư là nhóm phục vụ. “Chúng ta xây dựng lại theo các nhóm này để khi xây dựng thang bảng lương sẽ gọn hơn, để trả lương theo vị trí việc làm. Khi thực hiện việc này, sẽ từng bước bỏ việc thi, xét nâng ngạch” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Đổi mới để đáp ứng tình hình mới

Nhìn lại cả “rừng quy định” về công tác cán bộ, thi tuyển, nâng ngạch lương, trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, có những quy định đã được ban hành cách đây 20 năm đến nay vẫn sử dụng, do đó không còn phù hợp với tình hình mới. “Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi. Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hứa với các đại biểu.

Sinh thời, Bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, bởi vậy việc áp dụng các tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ thời gian qua không ngoài mục đích nào hơn là để siết chặt công tác quản lý cũng như nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm ưu việt, xét trong bối cảnh hiện nay khi toàn hệ thống chính trị từ Đảng, đến Chính phủ đang tích cực triển khai công tác “đơn giản hóa thủ tục hành chính”, tiến tới xây dựng nền hành chính phục vụ, nền hành chính liêm chính, lấy chất lượng thay số lượng, lấy hiệu quả công việc thay số lượng bằng cấp, chứng chỉ, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng đã đến lúc ngành Tổ chức của Đảng và Bộ Nội vụ phải tổng rà soát lại các quy định văn bằng, chứng chỉ hiện tại để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho ý kiến. Tổng rà soát thế nào, tham mưu ra sao phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản” Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, nhưng phải đơn giản hóa thủ tục bằng cấp, chỉ chú trọng bằng cấp chuyên môn và năng lực thực tế của cán bộ, công chức, viên chức…

Hương Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/rut-gon-quy-dinh-van-bang-chung-chi-trong-cong-tac-to-chuc-can-bo-viec-can-lam-ngay-99944.html