Rút hẳn!
Theo tiến trình này, ngày 11-9-2021 là thời hạn chót để toàn bộ 2.500 lính Mỹ trong số 9.600 quân của NATO đang hiện diện tại quốc gia không ngơi tiếng súng trong suốt 20 năm qua này, rút về nước. Sau ngày đó, những lính Mỹ hiện diện duy nhất ở Afghanistan có lẽ sẽ chỉ là một nhúm lính thủy đánh bộ có nhiệm vụ canh gác cho tòa sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul...
Chẳng có lý do gì để ở lại!
Đúng 20 năm sau thảm họa kinh hoàng ngày 11-9-2001 đã vĩnh viễn làm thay đổi nước Mỹ, những người lính Mỹ cuối cùng sẽ rút khỏi Afghanistan, rút khỏi một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, vốn đã không thiếu những cuộc chiến tranh! Ấy là theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden trên truyền hình quốc gia Mỹ mới đây. Quá trình rút quân này bắt đầu từ ngày 1-5-2021.
Theo tiến trình này, ngày 11-9-2021 là thời hạn chót để toàn bộ 2.500 lính Mỹ trong số 9.600 quân của NATO đang hiện diện tại quốc gia không ngơi tiếng súng trong suốt 20 năm qua này, rút về nước. Sau ngày đó, những lính Mỹ hiện diện duy nhất ở Afghanistan có lẽ sẽ chỉ là một nhúm lính thủy đánh bộ có nhiệm vụ canh gác cho tòa sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul.
Sẽ không có các đơn vị đặc nhiệm Mỹ ẩn hiện có nhiệm vụ lùng và diệt, cũng không có các máy bay không người lái do Mỹ điều khiển bất chợt mang cái chết đến từ trời cao cho các đơn vị hay cá nhân của Taliban, lực lượng chống Kabul quyết liệt suốt 2 thập niên qua.
Trước đấy, Tổng thống Biden đã từng cân nhắc bố trí các đơn vị đặc biệt của Mỹ để tấn công Al Qaeda, các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác ở Afghanistan hoặc rút quân theo từng giai đoạn, tùy theo tình hình. Nhưng, sau cùng thì quyết định đã được đưa ra: rút hẳn!
Đương nhiên là số binh lính NATO còn lại ở Afghanistan cũng sẽ lần lượt rút về theo tinh thần “trật tự, phối hợp và có cân nhắc”, theo tuyên bố của tổ chức quân sự này.
Khi công bố thời hạn chót cho quyết định rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Afghanistan, ông Biden đồng thời đưa ra các lý lẽ để bảo vệ cho quyết định của mình. Lý lẽ mạnh mẽ nhất là Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ các nhóm khủng bố đứng sau vụ tấn công 11-9. Hẳn ông Biden muốn ngụ ý rằng cái lực lượng Taliban hiện nay ở Afghanistan đang đe dọa chính phủ Kabul nó “khác” với lực lượng Taliban đã đứng đằng sau tổ chức khủng bố Al Qaeda đã trực tiếp gây ra vụ khủng bố 20 năm trước nhằm vào nước Mỹ.
Ông Biden là Tổng thống thứ tư của nước Mỹ, sau các ông George Bush (con), Barack Obama và Donald Trump trực tiếp “quản trị” cuộc chiến ở Afghanistan thông qua các lực lượng quân đội Mỹ có mặt ở nước này. “Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho người thứ năm” - ông Biden nói.
Người tiền nhiệm của ông Biden là ông Trump từng tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Afghanistan nhưng mọi sự mới chỉ dừng lại ở lời nói. Cuối cùng thì ông Biden mới là người phải ra quyết định.
Vấn đề chính nằm ở chỗ cứ mỗi năm trôi qua, lý do để quân Mỹ có mặt ở Afghanistan ngày càng không rõ ràng. “Một cuộc tấn công (11-9) kinh hoàng đã diễn ra từ 20 năm trước. Không thể giải thích là tại sao đến năm 2021 này, chúng ta vẫn còn ở đó” - ông Biden nói khi công bố quyết định - “Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến này vĩnh viễn”.
Thực tế cay đắng
Nhưng, liệu nước Mỹ có vĩnh viễn thoát khỏi những ám ảnh đen tối mà vụ khủng bố từ 20 năm trước gây ra ngay tại những trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự hàng đầu của quốc gia vẫn tự coi mình là cường quốc hàng đầu thế giới hay không?
Sau vụ khủng bố 11-9, Tổng thống Mỹ khi ấy là George Bush (con) đã quyết định đưa quân Mỹ tới tham chiến ở Afghanistan để trả đũa cho những nỗi đau mà nước Mỹ phải chịu đựng. Mục tiêu chính là tổ chức khủng bố Al Qaeda do trùm khủng bố Osama bin Laden cầm đầu và Taliban, khi ấy đang nắm quyền ở Kabul và chứa chấp, coi Osama bin Laden cùng các đồng phạm như những vị khách quý.
Cuộc chiến trả đũa của Mỹ khi ấy nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận do lẽ những hậu quả thảm khốc của vụ khủng bố đã khiến cả thế giới kinh hoàng. Với sự kêu gọi của Mỹ, một liên minh quốc tế đã hình thành và các lực lượng quốc tế do Mỹ cầm đầu đã nhanh chóng đánh gục Taliban, giúp hình thành nên một chính quyền mới ở Kabul - thân Mỹ - tất nhiên! Taliban bị đánh bật ra khỏi các đô thị lớn, lui về vùng rừng núi hẻo lánh, tiến hành một cuộc chiến trường kỳ chống lại chính phủ Kabul và các lực lượng Mỹ.
Về bản chất thì khác nhau nhưng chiến tranh du kích vẫn là một nguyên nhân khiến quân Anh phải rút khỏi Afghanistan trong thế kỷ XIX, quân đội Xôviết rút trong thế kỷ XX và lực lượng Mỹ ở Afghanistan phải rút quân trong thế kỷ XXI. Cuộc chiến tranh tiêu hao đã khiến hơn 2.400 quân nhân Mỹ thiệt mạng (chưa kể hàng chục ngàn người Afghanistan cũng phải chịu số phận tương tự), tiêu tốn của nước Mỹ hơn 2.000 tỷ USD.
Sự yếu kém của các lực lượng an ninh Afghanistan do Mỹ đào luyện là nhân tố trọng yếu khiến Taliban hồi phục trở lại. Năm này qua năm khác, người Mỹ buộc phải chấp nhận một thực tế cay đắng là không thể kéo dài hay mở rộng sự hiện diện quân sự tại Afghanistan với hy vọng tạo ra một điều kiện rút quân lý tưởng, mong đợi một kết quả khác.
Từ một cuộc chiến trừng phạt chống khủng bố ban đầu, chiến tranh ở Afghanistan cứ ngày càng kéo dài, hao người tốn của và điều quan trọng hơn, không thể biến Afghanistan thành một quốc gia “dân chủ ổn định” theo yêu cầu ban đầu của Mỹ. Đấy là một cuộc chiến tranh mà nhìn từ Nhà Trắng, ông Biden không thấy bất cứ một lối thoát nào.
Theo thỏa thuận ký tại thủ đô Doha của Qatar hồi tháng 2-2020 dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ sẽ rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Afghanistan trước ngày 1-5-2021 nếu Taliban đáp ứng một số điều kiện, bao gồm giảm cường độ các cuộc tấn công trong nước và cắt đứt quan hệ với tổ chức Al Qaeda.
Tuy nhiên, đến tháng 1-2021, phía Mỹ cho rằng thời hạn ngày 1-5-2021 khó mà thực hiện được do không kịp chuẩn bị và Taliban cũng đã không đáp ứng các điều kiện để Mỹ rút quân. Một trong những lý do quan chức quốc phòng Mỹ đưa ra là Taliban đúng là ngừng tấn công vào các lực lượng Mỹ đồn trú ở Afghanistan, thế nhưng lại tăng cường tấn công vào các mục tiêu khác ở trong nước.
Tổng thống Biden cũng đi đến kết luận rằng Mỹ không thể đáp ứng kịp thời hạn rút toàn bộ các lực lượng quân sự khỏi Afghanistan trước ngày 1-5-2021. Thay vào đó là thời hạn chót 11-9-2021, một ngày mang tính biểu tượng vì đó chính là kỷ niệm 20 năm ngày diễn ra thảm họa nhằm vào nước Mỹ.
Đua tranh lấp đầy khoảng trống?
Quyết định của Tổng thống Biden đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ lẫn phản đối từ nhiều phía. Những người ủng hộ quyết định này cho rằng sẽ là không khôn ngoan nếu cứ tiếp tục lao đầu vào một cuộc chiến không lối thoát, lãng phí tiền của và nhân mạng ở một địa bàn xa xôi không chiếm vị trí chiến lược trong bàn cờ chính trị của chính quyền ông Biden.
Những người chỉ trích thì cho rằng bất chấp việc Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani, cam kết là lực lượng chính phủ “hoàn toàn đủ khả năng để kiểm soát đất nước”, việc Mỹ rút các lượng quân sự khỏi Afghanistan sẽ đặt chính quyền Kabul vào tình thế đầy rủi ro. Điều quan trọng là nếu Kabul, không có sự “chống lưng” của các lực lượng Mỹ, bị sụp đổ trước những đòn tấn công của Taliban, liệu sẽ xuất hiện những nguy cơ an ninh mới nhằm vào nước Mỹ, như đã từng xảy ra với vụ 11-9 từ 20 năm trước?
Nhưng, quyết định đã đưa ra rồi. Câu hỏi là sau khi Mỹ rút quân, điều gì sẽ xảy ra ở Afghanistan?
Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào kết quả của hội nghị hòa bình về Afghanistan, diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ 24-4 đến 4-5. Tại hội nghị này có mặt cả đại diện của Chính phủ Afghanistan lẫn lực lượng Taliban. Mục tiêu của hội nghị do Liên Hiệp Quốc và Qatar đồng tài trợ này là đẩy nhanh và bổ sung các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan tại Doha nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị công bằng và lâu dài. Hội nghị tập trung vào việc giúp các bên đàm phán đạt được các nguyên tắc nền tảng chung, trong đó phản ánh tầm nhìn đã được thống nhất về đất nước Afghanistan trong tương lai, một lộ trình hướng tới thỏa thuận chính trị trong tương lai và kết thúc xung đột.
Tuy vậy, khó có khả năng đại diện của Kabul và Taliban đạt được thỏa thuận hòa bình nếu như lính Mỹ không còn hiện diện ở Afghanistan. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan chắc chắn sẽ để lại những khoảng trống mà có không ít những tay chơi mới nổi, lao vào tranh chấp để điền tên mình vào.
Điều này sẽ tạo ra sự bất ổn định ở quốc gia Nam Á này, là điều kiện thuận lợi để các tổ chức khủng bố phục hồi sau những năm tháng bị Mỹ cùng các đồng minh đánh phá quyết liệt.
Tuy vậy, Mỹ không có lựa chọn nào khác. Nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức của năm 2021 chứ không phải của năm 2001. Mỹ đã xác định cả Trung Quốc và Nga đều là những đối thủ đáng gờm, trong khi tình trạng căng thẳng với Iran và Triều Tiên chưa được cải thiện. Mảnh đất Afghanistan từng thấm máu hơn 2.400 binh sĩ Mỹ tử trận không còn nằm trong những ưu tiên của Mỹ. Chính phủ của Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani, phải tự lo lấy thân thôi. Thời hạn 11-9-2021 đã đến rất gần rồi.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/rut-han-638825/