Rút khỏi hiệp ước hạt nhân, Mỹ tuyên bố phát triển tên lửa nhanh gấp 5 lần âm thanh
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan D. McCarthy tuyên bố Mỹ đang xem xét phát triển tên lửa siêu thanh có trang bị đầu đạn đạn đạo.
Bộ trưởng Lục quân My Ryan D. McCarthy tuyên bố hôm 20/8 rằng do Mỹ rút khỏi Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung INF, Washington hiện đang xem xét phát triển tên lửa siêu thanh có đầu đạn đạn đạo.
Ông McCarthy tiết lộ kế hoạch trên trong bài phát biểu về sự sẵn sàng cũng như những nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Mỹ tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở thủ đô Washington hôm 20/8.
"Về các phạm vi INF, chúng tôi đang cân nhắc nơi đầu tiên có thể tìm thấy cơ hội", ông McCarthy nói.
Ngày 2/8, Mỹ chính thức rút khỏi INF, hiệp ước đã ký với Liên Xô từ năm 1987, vài tháng sau khi chính quyền ông Trump tuyên bố ý định đình chỉ nghĩa vụ của mình theo hiệp ước, cáo buộc Nga thử nghiệm và triển khai tên lửa hành trình bị cấm vượt quá 500 km. Nga phủ nhận các cáo buộc và sau đó rút khỏi hiệp ước.
Hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh được ký kết bởi Mỹ và Liên Xô đã hạn chế việc phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa mặt đất có thể tấn công bất cứ nơi nào trong phạm vi từ 500 đến 5.500 km.
Diễn biến mới nhất xảy ra vài ngày sau khi Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình thông thường, được phóng từ mặt đất và găm trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500km tại đảo San Nicolas, bang California hôm 18/8.
Cả Nga và Trung Quốc đều lập tức chỉ trích động thái này và cảnh báo Washington đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như toàn thế giới.
Matxcơva và Bắc Kinh yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn liên quan đến vụ thử vũ khí mới nhất của Mỹ cũng như những tuyên bố của Washington về các kế hoạch chế tạo, triển khai tên lửa tầm trung. Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào ngày 22/8 theo hình thức mở và có báo cáo từ đại diện của Tổng thư ký Liên hợp quốc.