Rút kinh nghiệm 1 vụ trả tự do cho phạm nhân rồi bắt lại

VKSND TP Cần Thơ ra quyết định trả tự do cho phạm nhân để thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam là không cần thiết và không đúng quy định.

VKSND Tối cao vừa ra thông báo rút kinh nghiệm trong việc hủy án, trả tự do và bắt giam bị can của các cơ quan tố tụng TP Cần Thơ.

Cụ thể, Nguyễn Gia Bảo bị TAND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ phạt năm năm tù về tội cướp tài sản. Sau đó, ngày 29-10-2018, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm y án sơ thẩm.

Đến tháng 11-2018, TAND quận Thốt Nốt ra quyết định thi hành án với Bảo.

Ngày 22-8-2019, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm và tháng 10-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy hai bản án để điều tra lại.

Sau khi thụ lý lại hồ sơ vụ án, ngày 2-1 vừa qua, Công an quận Thốt Nốt ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bảo với thời hạn ba tháng và VKSND quận Thốt Nốt đã phê chuẩn lệnh bắt này.

Vì Bảo đang chấp hành án phạt tù theo bản án phúc thẩm ngày 29-10-2018 của TAND TP Cần Thơ nên ngày 22-1, TAND quận Thốt Nốt ra quyết định hủy bỏ quyết định thi hành án phạt tù. Cùng ngày, VKSND TP Cần Thơ ra quyết định trả tự do cho Bảo.

Sau khi thi hành quyết định trả tự do, cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, thủ tục thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an quận Thốt Nốt đối với Bảo.

Đây là một trong những trường hợp phạm nhân có quyết định hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc có quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án nhưng VKS địa phương nhận thức, xử lý và phối hợp giải quyết thiếu thống nhất mà VKSND thấy cần rút kinh nghiệm chung.

VKSND Tối cao cho rằng Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại nhưng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 391 BLTTHS.

Cụ thể, trường hợp xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị cáo thì ra quyết định tạm giam cho đến khi VKS hoặc tòa án thụ lý lại vụ án để bảo đảm việc giam giữ theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi thụ lý vụ án để điều tra lại, việc quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thuộc thẩm quyền cơ quan điều tra (CQĐT).

CQĐT ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bảo để phục vụ công tác điều tra. Như vậy, việc tiếp tục giam giữ đối với Bảo là có căn cứ.

Tại thời điểm thụ lý vụ án, Bảo đang chấp hành án phạt tù. Về bản chất đang bị giam giữ tại trại tạm giam Công an TP Cần Thơ.

Nếu cần tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tạm giam để tạm giam Bảo theo đúng quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam mà không ra lệnh bắt bị can để tạm giam.

VKSND TP Cần Thơ ra quyết định trả tự do cho phạm nhân với lý do việc tiếp tục giam giữ đối với Bảo là trái với quy định của pháp luật, đồng thời, trả tự do cho phạm nhân để thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam là không cần thiết và không đúng quy định.

Nếu việc giam giữ là có căn cứ, nhưng chưa đủ thủ tục theo quy định thì VKS kịp thời ban hành kiến nghị với cơ quan có vi phạm yêu cầu giải quyết ngay.

Mặt khác, tại phần xét thấy của quyết định trả tự do cho Bảo nêu: “Việc tiếp tục giam giữ ... là trái với quy định của pháp luật” là chưa đúng quy định hướng dẫn tại biểu mẫu số 08/TH.

VKS phải xét thấy việc tiếp tục giam giữ là không có căn cứ và trái pháp luật mới được trả tự do chứ không chỉ là trái với quy định của pháp luật.

DƯƠNG DUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/rut-kinh-nghiem-1-vu-tra-tu-do-cho-pham-nhan-roi-bat-lai-922315.html