Rút kinh nghiệm công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3
Chiều 26-9, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Phổ Yên; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các địa phương.
Bão số 3 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến Thái Nguyên. Toàn tỉnh có 8 người chết; 538 nhà ở, 93 điểm trường, 26 cầu dân sinh, 26 công trình nước sạch, nhiều công trình thủy lợi, đê điều, viễn thông, điện bị hư hỏng; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở; gần 9.000ha lúa, trên 800ha hoa màu, trên 1.000 cây trồng khác bị thiệt hại; trên 380.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 560ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và nhiều thiệt hại về tài sản khác. Ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là gần 860 tỷ đồng.
Để ứng phó với thiên tai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, sát với tình tình thực tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát diễn biến mưa lũ, chủ động triển khai phương án ứng phó với phương châm 4 tại chỗ; huy động trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng xung kích địa phương; 1.262 ô tô, tàu thuyền... tham gia ứng cứu, hỗ trợ; di dời trên 6.000 hộ dân đến nơi an toàn; triển khai cứu hộ, cứu nạn, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân.
Ngay khi lũ rút, công tác khắc phục thiệt hại được triển khai đồng bộ, kịp thời, nhanh chóng ổn định đời sống của người dân và các hoạt động trở lại bình thường. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo quy định.
Hội nghị cũng chỉ ra những bài học cần rút kinh nghiệm như: Công tác thông tin dự báo, cảnh báo, nhận định tình hình diễn biến bão, lũ có thời điểm chưa thật sự sát với diễn biến lũ; vẫn còn những hộ lơ là, chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó trước thiên tai. Cùng với đó, trang bị, vật tư, phương tiện còn chưa đáp ứng với yêu cầu cứu hộ, cứu nạn; khi xảy ra ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập, hệ thống liên lạc bị gián đoạn, mất điện dẫn đến khó khăn trong công tác thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình giao ngành Nông nghiệp; Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp những kiến nghị của các ngành, địa phương để đề nghị Trung ương tháo gỡ kịp thời; các cấp, ngành chức năng trong tỉnh phải tập huấn các tình huống để điều tiết, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với bão lũ; tổ chức tiếp nhận nguồn hỗ trợ kịp thời.
Đồng chí cũng yêu các địa phương tiếp tục rà soát những điểm sạt lở, xây dựng kịch bản để ứng phó với từng khu vực; đánh giá, rút kinh nghiệm ở cấp huyện để hiến kế, giúp tỉnh làm tốt công tác ứng phó với bão lũ, thiên tai trong thời gian tới; các ngành cần phối hợp tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao...